Trên một cánh đồng ở ngoại ô Hà Nội, có một cái trạm bơm đã lâu không hoạt động. Trạm bơm ấy là kết quả từ một cuộc đầu tư cho “dự án xây dựng vùng trồng rau an toàn” - một tham vọng của chính quyền về bộ mặt mới cho nông nghiệp huyện nhà. Dự án ấy, sau gần 10 năm, vẫn chưa giải ngân xong, nên chưa ai tất toán được cái trạm bơm trị giá bao nhiêu tỷ đồng. Ống nước rỉ sét, tường vôi tróc lở, trạm bơm nằm im lìm trên cánh đồng. Còn những người nông dân quanh đó đang lấy nước tưới rau từ giếng khoan. Họ đào giếng ngay giữa ruộng, hút nước lên bằng một cái máy bơm tự trang bị, rồi lấy gàu tự hắt nước vào rau. Những công dân Hà Nội ở thế kỷ 21 tưới rau bằng gàu múc nước – như cha ông họ đã làm bao thế kỷ. Quanh cánh đồng, chúng tôi gặp bốn con người, bốn nhóm lợi ích. Họ kể ra bốn phiên bản khác nhau về số phận của cái trạm bơm. Người nông dân đang tưới rau giữa trưa nắng, kể rằng cái trạm bơm chẳng có hiệu quả gì. Nó là một thiết kế tồi: nước không tới ruộng của bà. Vả lại, cái dự án “vùng trồng rau an toàn” ấy cũng là thứ bỏ đi. Bà đã thử tham gia dự án một vụ, nhưng rau hái lên bỏ thối không ai tiêu thụ, doanh nghiệp không thực hiện cam kết bao tiêu, nên giờ bà cạch. Bà tự trồng, tự đem ra chợ bán. Bà đã quên luôn hệ thống thủy lợi nhà nước đầu tư. Ông chủ nhiệm hợp tác xã, chính là người phụ trách cái trạm bơm, thì cay đắng rằng người nông dân không chịu hợp tác với ông. Mỗi ngày ông vận hành trạm bơm hết cả 5 triệu tiền điện, nhưng nông dân không muốn đóng phí thủy lợi. Về dự án trồng rau sạch, ông nói rằng đổ bể cũng tại nông dân không tuân thủ các cam kết với doanh nghiệp. Quy hoạch thì tốt, nhưng nông dân không theo, nên giờ ông đổ nợ. Ông phó chủ tịch xã, thì tuyên bố tình hình nông nghiệp vẫn tốt cả. Xã của ông, là mô hình nông nghiệp kiểu mẫu của cả thành phố, cả nước. Cái trạm bơm không phải lúc nào cũng hoạt động, vì còn căn cứ vào “tình hình sản xuất thực tế”. Vì dự án trồng rau an toàn đến nay chưa triển khai xong, nên đừng vội đánh giá hiệu quả. Chúng tôi vào trong trạm bơm với hy vọng tìm được người đang trực tiếp trông giữ nó. Người canh trạm bơm, chắc sẽ hiểu rõ điều gì đã diễn ra. Ở đó, có một người đàn ông đang sống. Ông dắt chúng tôi ra đồng, khoa chân múa tay, nhổ lên những củ cà rốt đã già, những luống rau diếp đã mọc cao ngang bắp chân không người thu hoạch, những luống cà chua héo hon đầy sâu bọ. Cánh đồng trông buồn thảm. Ông gắng sức phát ra những âm thanh rất to từ cuống họng. Nhưng chúng tôi không hiểu được. Người đàn ông ấy bị câm. Chúng tôi buộc phải chấp nhận rằng người ở gần cái trạm bơm nhất, lại không thể diễn đạt câu chuyện của mình. Bốn người bên cánh đồng chỉ tay vào một trạm bơm và kể bốn câu chuyện khác nhau, bằng bốn thái độ, đưa ra bốn thông điệp. Bà nông dân bận tưới rau không mấy cảm xúc. Ông chủ nhiệm hợp tác xã đau đáu trước cảnh điêu tàn. Vị lãnh đạo xã mỉm cười thường trực. Bà nông dân nói rằng lỗi tại chính quyền. Hợp tác xã nói là lỗi tại nông dân thiếu nhận thức. Chính quyền, thì ngạc nhiên (vẫn kèm nụ cười): có vấn đề gì đâu, sao lại có lỗi? Còn ông câm, rất khó đoán là đang vui hay buồn, chỉ đang cố “nói” thật to điều gì đó chúng tôi không thể nắm bắt. Chúng tôi thảo luận và quyết định rằng mình chưa thể làm gì hơn ngoài kể lại cả bốn phiên bản ấy cho độc giả, để mỗi người tự suy ngẫm về số phận của cái trạm bơm trên đồng. Hôm qua, Thủ tướng đối thoại với nông dân trong một sự kiện hiếm hoi. Ở đó, có 300 đại diện của nông dân đến từ nhiều vùng miền. Buổi đối thoại đó làm tôi nhớ đến cái trạm bơm ở ngoại ô Hà Nội. “Đối thoại” về nông nghiệp và nông thôn là một vấn đề khó hơn so với nhiều lĩnh vực. Ở đó, có những điều kiện nhân khẩu học đặc trưng, diễn ra tại những địa bàn xa trung tâm hành chính; những người liên quan ít dùng smartphone, ít dùng mạng xã hội và không được đào tạo để phát biểu ý kiến. Hãy thử thay thế trạm bơm trên cánh đồng kia bằng một thang máy không hoạt động, hay một hạng mục xây dựng kém chất lượng ở khu chung cư, để dễ tưởng tượng. Không ai livestream tình hình cái trạm bơm, khiếu nại chủ đầu tư dù nhiều năm đã trôi qua. Chuyện ở chung cư thì hẳn nhiên đã ồn ào. Chắc chắn là Thủ tướng, với mạng lưới tham mưu của mình, với một vị Bộ trưởng Nông nghiệp rất tích cực hoạt động đã được nghe nhiều câu chuyện bên những cánh đồng khắp cả nước. Và buổi đối thoại hôm qua, chỉ mang tính biểu tượng, nơi người đứng đầu chính phủ bắn đi những thông điệp trực tiếp tới người nông dân. Nhưng dẫu sao, thì đối thoại về nông nghiệp là những cuộc đối thoại rất đặc trưng. Trong cái bối cảnh đặc trưng ấy, sau lũy tre làng, giữa những người nông dân không có thói quen ghi biên bản cuộc đời bằng Facebook, tôi bất giác nhận ra cái trạm bơm kia, sau mấy năm nằm im trên đồng, đã kịp nhuốm màu một câu chuyện trinh thám. Dù đằng sau trạm bơm ấy, không phải là vài tỷ đồng, mà là một vấn đề chính sách lớn, có thể là một quy hoạch tầm quốc gia, thì nó đã trót... lặng câm. Từ sau lũy tre làng, những câu chuyện lọt ra để lên đến màn hình thiết bị di động của bạn hôm nay, hiếm hơn nhiều so với chuyện đô thị. 70% dân số sống ở nông thôn, một khoảng xám của truyền thông. Đối thoại về nông nghiệp vì thế là một nhiệm vụ nặng nề. Nó không thể diễn ra ngắn gọn trong một khán phòng dăm trăm đại biểu. Người ta chờ đợi Trung ương sẽ trực tiếp xuống, nghe và thấu hiểu nhiều lần hơn nữa. Nhiệm vụ nặng nề và lâu dài. Bởi đã có những chỗ sai không chỉ cần “lắng nghe” hay “giải đáp” mà cần đến cả những nỗ lực điều tra. Chuyện trinh thám trên cánh đồng, kể ra chắc cũng khó lòng thu hút đông bình luận của độc giả như truyện vụ án thông thường. Và nếu không cẩn thận, thì dẫu đã cho mọi bên “đối thoại” rồi, mọi cánh đồng Việt Nam vẫn có thể trở thành một cánh đồng câm.