Chân dung nhà văn Tản Đà

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tản Đà là một thi sĩ, một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam - một thời được cả một thế hệ độc giả hâm mộ. Vậy mà suốt đời phải sống trong nghèo khổ, cùng quẫn. Cuối đời, ông phải mở cửa hàng xem tướng số để kiếm ăn nhưng không có khách, mở lớp dạy Hán văn và quốc văn nhưng không có học trò. Ông chết trong cảnh nghèo đói, nhà cửa bị chủ nợ tịch biên, chỉ còn một cái giường mọt, cái ghế ba chân và một chồng sách nát và be rượu.
    Tản Đà (1889 – 1939), tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, quê hương ông nằm bên bờ sông Đà, gần chân núi Tản Viên, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Ông đã lấy tên sông núi quê hương bút hiệu và đã có những câu thơ tự trào hay “tự hào” như sau:
    “Vùng đất Sơn Tây nảy một ông
    Tuổi chưa bao nhiêu văn rất hùn
    Sông Đà núi Tản ai hun đúc
    Bút thánh câu thần sớm vãi vung”​
    (Tản Đà, Tự trào)
    Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã nhận xét: “Trên hội Tao đàn, chỉ tiên sinh làngười của hai thế kỉ”. Phải chăng nhận xét trên được hiểu như sau: Vềhọc vấn, ông được đào tạo từ Hán học lẫn Tây học, lại am tường quốc ngữ; Về lối sống, ông thuộc dòng nhà nho tài tử lại có tư tưởng tiểu tư sản. Về sự nghiệp văn chương, cơ bản ông viết theo thể loại cũ nhưng nguồn cảm xúc mới mẻ. Và do đó, gần như Tản Đà là dấu gạch nối giữa hai thời đại: trung đại và hiện đại (cổ điển và hiện đại). Chính Hoài Thanh đã tổng kết “tiên sinh sẽ đại biểu cho một lớp người” nhưng đồng thời lại là “người đã dạo lên những bản đàn cho một đại nhạc hội tân kì đang sắp sửa”. Xuân Diệu trong Báo Ngày nay – 17/6/1939 cũng khẳng định “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại”.
    Tản Đà thuộc lớp người đầu tiên của Việt Nam sống bằng nghề viết văn làm báo: “Bán văn buôn chữ kiếm tiền tiêu” (Tản Đà,Lo văn ế) hay:
    “Khi làm chủ bút, lúc viết mướn
    Hai chục năm dư cảnh khốn cùng
    Trần gian thước đất cũng không có
    Bút sắt chẳng hơn gì bút lông”​
    (Tản Đà, Tiễn Ông Công lên trời)
    Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Vào khoảng những năm 20 của thế kỉ XX, tên tuổi Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng trên thi đàn. Ông để lại cho đời khoảng 30 văn tập, thi tập; nổi tiếng cả thơ và truyện, kịch như Khối tình con I, II (thơ); Giấc mộng con I, II; (Văn) Tây Thi, Tống biệt (kịch)...
    Ngoài tài làm thơ, nhân cách của Tản Đà cũng rất được nhiều nhà nghiên cứu. Tản Đà – một “cái tôi” lãng mạn bay bổng, vừa phóng khoáng, ngông nghênh, vừa cảm thương, ưu ái; vừa tìm về ngọn nguồn thơ ca dân gian và dân tộc, vừa có những sáng tạo độc đáo, tài hoa.
    Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có viết về Tản Đà như sau: “Tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ một nỗi khát vọng thiết tha, nỗi khát vọng thoát li ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn sáo...”. Trần Đình Hượu có nhận xét về Tản Đà đại ý như sau: “Ở Tản Đà, con người cá nhân cá thể được thể hiện đậm nét trong cái Tôi cậy tài, thất vọng, chán đời, ngông nghênh; ... trong một con người cá nhân với những buồn vui, lo ăn, lo mặc, lo tiền... hết sức đời thường”.