Đề bài : Chứng minh tính nhân đạo trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân Bài làm: Văn học đất nước ta giai đoạn sau năm 1945 đã chú trọng đề cao giá trị nhân đạo của tác phẩm, chứ không chỉ đơn thuần là giàu tính chiến đấu cách mạng và bức tranh nhân dân khốn khổ nữa. Tuy nhiên những yếu tố này luôn đi cùng nhau để tạo nên một tác phẩm văn học thời kỳ này. Tác phẩm tiêu biểu thời kỳ đó đề cao giá trị nhân đạo chính là Vợ Nhặt. Đọc tác phẩm, người đọc chắc chắn sẽ không thể nén được cảm xúc khi thấy được toàn cảnh khó khăn, cơ cực, của con người trong nạn đói, nhưng chính tình yêu giữa người với người đã giúp họ có thể tồn tại. Nói đến giá trị nhân đạo của tác phẩm văn học, ta có thể hiểu rằng đó chính là tình cảm của những tác giả muốn gửi gắm cho nhân vật qua tác phẩm của mình. Giá trị nhân đạo thể hiện qua nhân cách, qua tâm hồn và cách con người hướng đến những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống. gia-tri-nhan-dao-vo-nhat Ở Vợ nhặt, ta có thể thấy tính nhân đạo nằm ngay ở nhan đề của tác phẩm. Nhan đề mà ngay khi nhìn thấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Tại sao không phải là cưới vợ mà lại nhặt vợ? Có lẽ phải có lý do sâu xa đằng sau, một câu chuyện hay một số phận đầy đau thương? Kim Lân đã thành công khi gieo vào lòng người đọc sự xúc động, cảm xúc ngay từ nhan đề. Đây chính là dụng ý nghệ thuật cực kì tài hoa của ông. Bối cảnh truyện diễn ra vào nạn đói năm 1945, khi mà nạn đói đang hoành hành khắp nơi. Đâu đâu cũng thấy xác người hôi thối chết như ngả dạ, người còn sống thì vật vờ như những bóng ma đói. Một khung cảnh tang thương đến nghẹt thở trong lòng người đọc. Người đọc cảm thấy vô cùng xót xa cho những kiếp người đau đớn, khốn khổ như vậy. Xã hội bất công, thối nát đã khiến cho con người ta lâm vào cảnh khốn cùng. Ba nhân vật chính của truyện bao gồm anh cu Tràng, bà cụ Tứ và vợ anh cu Tràng. Từng hân vật hiện lên với tính cách và nội tâm khác nhau, nhưng có lẽ đều cùng chung một khát khao cháy bỏng giản đơn đến đáng thương. Cảnh nhặt vợ của anh cu Tràng cũng để lại rất nhiều cảm xúc. Người ta dựng vợ gả chồng khi ăn nên làm ra. Đằng này anh cu Tràng lại lấy vợ trong nạn đói. Trong hoàn cảnh như vậy, một người vừa nghèo, vừa xấu xí như anh cu Tràng lại nhặt được vợ. Thà rằng anh cu Tràng nói rằng không thể nuôi được vợ, để Thị không theo mình về. Nhưng anh lại tặc lưỡi để đón thị về, khiến cho người đọc cảm nhận anh là một nhân vật giàu tình yêu thương. Mặc cho tương lai phía trước ra sao, nhưng anh Tràng vẫn chấp nhận nuôi thêm một người nữa. Có lẽ trong giây phút đó, lòng trắc ẩn, tình yêu thương trong lòng đã khiến Tràng có quyết định như vậy. Và giá trị nhân đạo mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc, được thể hiện rất rõ nét trong tình huống để cho hai con người đi với nhau trong cái nhìn của thiên hạ, giữa nạn đói đang hoành hành. Đó như là thử thách, cũng như ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhưng ở đó họ vẫn khát khao có được hạnh phúc, mặc kệ cho cuộc sống ngoài kia khốc liệt đến thế nào. Một lần nữa, giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện qua nhân vật bà cụ Tứ, mẹ của anh cu Tràng. Cụ Tứ là một người đàn bà nghèo. Nghèo đến nỗi chẳng có thứ gì trong tay, nhưng bà chỉ im lặng, không có phản ứng gì khi thấy Tràng dắt thêm một người phụ nữ về nhà. Giữa lúc cái nghèo cái đói đang ở trước mắt, chính bản thân mình và con trai còn chưa lo xong, bà lấy gì ra để đón thêm một miệng ăn nữa vào nhà. Nhưng rồi cuối cùng người mẹ vẫn chấp nhận và vun vén tình yêu cho hai đứa con, với một tấm lòng yêu thương vô bờ không gì sánh được. Hình ảnh nồi cháo cám ở cuối tác phẩm chính là tiêu biểu cho tính nhân văn của tác phẩm. Nồi cháo là biểu tượng cho tình yêu thương, cũng như đức hi sinh cao cả của người mẹ nghèo đối với con. Bà chẳng có gì cả, chỉ có tình yêu thương dành cho con mà thôi. Và lúc này thì có lẽ tình yêu thương là thứ duy nhất giúp cho những con người đói khổ vượt qua tất cả. Có thể nói, Vợ nhặt là một tác phẩm vô cùng xuất sắc trong việc đề cao giá trị nhân đạo, tinh thần nhân văn, tình yêu thương giữa con người với người. Qua tác phẩm người đọc sẽ cảm thấy rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần có tình yêu thương, lòng bao dung nhân hậu sẽ giúp con người ta vượt qua tất cả.