Đề bài: Nhà văn Kim Lân, khi nói về truyện ngắn đã từng nhận xét “Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui, mà hi vọng”. Hãy phân tích truyện ngắn “Vợ nhặt” để làm sáng tỏ ý kiến trên. Bài làm: Mở bài Kim Lân là nhà văn của đồng ruộng, ông rất am hiểu về người nông dân và cuộc sống của họ. Nhà văn đã rất thành công khi viết về đề tài nông thôn và người nông dân. Vợ nhặt là một thành công xuất sắc của Kim Lân khi viêt về đề tài này. Tác phẩm đã thể hiện sự khốn cùng của người dân lao động khi bị đẩy tới bước đường cùng và hơn thế còn là một tác phẩm có giá trị nhân bản sâu sắc. Đúng như nhà văn Kim Lân đã nhận xét “Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui, mà hi vọng”. Thân bài Người dân ngụ cư dù bị đẩy vào hoàn cảnh khốn khổ và sự túng đói quay quắt nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ những khát khao về tình yêu và hạnh phúc vẫn không bị lụi tàn. Chính sự túng đói quay quắt đã đưa họ đến với nhau: Vì cái đói mà một người như Tràng mới nhặt được vợ và ngay chính Tràng dù biết rằng trong lúc này đến thân mình chưa chắc đã nuôi nổi nhưng vẫn chấp nhận “thị” (người vợ nhặt) theo về làm vợ. Tràng đã mở rộng vòng tay để cưu mang một người đàn bà hoàn toàn xa lạ. Đó là một minh chứng về khát khao tình yêu và hạnh phúc ở Tràng. Với những người dân ngụ cư lúc này được ăn no là khát khao bậc nhất nhưng tình người trong họ thì không bao giờ mất đi. Khi thấy Tràng và thị đi bên nhau, dù có cảm thấy ngạc nhiên nhưng những khuôn mặt hốc hác, u tối của họ bỗng dưng sáng ngời lên. Dường như có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống của họ. Trong hoàn cảnh cái chết luôn rình rập như vậy thì những khát khao về hạnh phúc lại chính là động lực thúc đẩy họ vươn lên trên cái chết để mà vui, mà hi vọng. Đi bên cạnh người đàn bà vừa nhặt về làm vợ, Tràng hình như quên đi cảnh sống ê chề tối tăm hằng ngày. Và hơn thế Tràng còn thấy có tình nghĩa với người đàn bà ấy. Dù thực tại có khắc nghiệt đến đâu nhưng những khao khát về hạnh phúc đã giúp họ gần nhau hơn, sống có tình hơn. Tràng vốn là một kẻ dở hơi mà giờ đây hắn lại cảm thấy hắn nên người hơn. Còn thị từ một người đàn bà cong cớn thì nay trở nên hiền hậu đúng mực. Cái “khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui mà hi vọng” đã thức dậy trong lòng người mẹ già. Bà lo lắng vun vén cho hạnh phúc hai con. Bà tất bật thu dọn cửa nhà, động viên hai con và nói với hai con toàn những chuyện vui về tương lai sau này… Có thể thấy rằng dù cho bị đẩy vào hoàn cảnh khốn cùng nhưng người dân không bao giờ biết bi quan. Họ vẫn vươn tới tương lai, hi vọng vào tương lai sau này. Chính vì thế mà mẹ con Tràng và nàng dâu mới ai nấy cũng săm xắn thu dọn nhà cửa vườn tược bởi trong họ vẫn có niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Vợ nhặt khép lại không bi đát giống như Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay Chí Phèo của Nam Cao. Bởi lẽ truyện đã mở ra một con đường, một hi vọng, một lối thoát cho cuộc sống khốn cùng của người dân. Sau những tháng ngày cơ cực, trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và là cờ đỏ bay phất phới. Đó là ngọn cờ đáu tranh của cách mạng. Đó là ngọn cờ đưa con người hướng đến tự do. Qua đó người đọc cũng thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà văn “đồng ruộng” dành cho những người dân nghèo ông am hiểu sâu sắc. Kết luận Với tình huống truyện độc đáo cùng với biết tài phân tích và khắc họa tâm lí nhân vật đạt trình độ bậc thầy của nhà văn Kim Lân. Vợ nhặt rất xứng đáng là một thành tựu to lớn của nền văn học Việt Nam khi khẳng định sự bất diệt giá trị nhân bản của con người. Vợ nhặt còn là sự khẳng định sức mạnh tiềm tàng, niềm lạc quan vô bờ của người nông dân trong bất cứ hoàn cảnh nào.