Đặc trưng của ngôn ngữ kịch

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Sẽ rất phiến diện nếu như chúng ta tìm hiểu đặc trưng thể loại kịch mà không xét đến đặc trưng về mặt ngôn ngữ. So với các thể loại khác, hệ thống ngôn ngữ kịch mang tính chất đặc thù rõ rệt.

    Đối với một tác phẩm kịch, mọi vấn đề xoay quanh hình tượng đều nằm trong “ngôn ngữ nhân vật”. Đó là hình thái tồn tại duy nhất của ngôn ngữ kịch. So với hệ thống ngôn ngữ tự sự, đây là điểm khác biệt rất rõ. Tác giả kịch không có chỗ đứng trong tác phẩm với tư cách nhân vật trung gian, có thể mách bảo, chỉ dẫn, thậm chí giật dây độc giả như trong tiểu thuyết.
    Các nhân vật kịch hình thành là do lời lẽ của họ, và tuyệt đối chỉ do những lời lẽ ấy thôi. Nghĩa là tác giả xây dựng nhân vật bằng ngôn ngữ hội thoại chứ không phải bằng ngôn ngữ miêu tả. Ngôn ngữ đối thoại là sự đối đáp qua lại giữa các nhân vật, được coi nhà dấu hiện đầu tiên của ngôn ngữ kịch. Xen kẽ giữa hệ thống ngôn ngữ đối thoại theo sắc thái riêng đầy chất kịch là những mẫu độc thoại của nhân vật. Ngôn ngữ độc thoại là tiếng nói của nhân vật chỉ nói với chính mình. Để nhân vật tự nói những uẩn khúc bên trong, các tác giả kịch nhằm khai thác chiều sâu tâm lí cho các nhân vật.
    Ngôn ngữ nhân vật kịch dù đối thoại hay độc thoại trước hết đó là ngôn ngữ khắc họa tính cách. Từ những lời ăn tiếng nói của mình, nhân vật kịch phải biểu hiện ở mức chính xác tối đa một cái gì đó điển hình. Đồng thời, ngôn ngữ kịch là một hệ thống ngôn ngữ mang tính hành động, có nhiệm vụ mô tả chân dung bằng một loạt các thao tác hành động, đảm bảo cho sự phát triển đầy kịch tính của cốt truyện và những phản ứng hành động theo kiểu dây chuyền của các nhân vật. Tính hành động là đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ kịch, là cơ sở giúp cho đạo diễn, diễn viên xử lý kịp thời hành động của nhân vật trên sân khấu.
    Ngôn ngữ kịch cũng là một hình thái ngôn ngữ hội thoại gần gũi với đời sống ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và ít nhiều mang tính chất khẩu ngữ. Khác với hình thức ngôn ngữ giàu tính ước lệ, cách điệu trong sân khấu truyền thống như tuồng, chèo hoặc cải lương, sân khấu kịch nói không sử dụng thứ ngôn ngữ xa lạ với đời sống. Các nhân vật kịch đối đáp với nhau một cách tự nhiên giản dị theo cách đối thoại trong đời sống hằng ngày.
    Là một hình thái ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ của một tác phẩm kịch phải đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện. Mặc dầu rất gần gũi với ngôn ngữ đối thoại hằng ngày, những tác phẩm kịch loại bỏ hoàn toàn những lời lẽ thô thiển, khô cứng cũng như những cách nói năng tự nhiên.