Đặc trưng ngôn ngữ trong tác phẩm văn học Bài làm: Ngôn ngữ là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Không có ngôn ngữ thì không có tác phẩm văn học. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên mà nhà văn sử dụng trong quá trình chuẩn bị và sáng tạo tác phẩm, nó cũng là yếu tố xuất hiện đầu tiên trong sự tiếp xúc của người đọc với tác phẩm. Cũng chính vì thế, M.Gorki đã từng viết: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và – cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống – là chất liệu của văn học”. Ngôn ngữ của tác phẩm văn học là ngôn ngữ của đời sống, ngôn ngữ của toàn dân, nhưng đã được nâng lên đến trình độ nghệ thuật, nói cách khác đó là ngôn ngữ toàn dân được trau dồi mài dũa, được tinh luyện, như Maiacopxki: “Phải phí tốn ngàn cân quặng chữ Mới thu về một chữ mà thôi Những chữ ấy là cho rung động Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài” Để có từng “chữ” như thế trong tác phẩm, rõ ràng lao động của người nghệ sĩ ngôn từ là hết sức công phu. Quá trình lao động đó phải đảm bảo ngôn ngữ trong tác phẩm có tính chính xác, hàm súc, biểu cảm, hình tượng. Tính chính xác xuất phát từ yêu cầu quan trọng đối với văn học là nó phải phản ánh hiện thực một cách chân thật, như Lê Quý Đôn từng nói: “Văn muốn hay, trước hết phải đúng”. Phải biểu hiện đúng điều mà nhà văn muốn nói, miêu tả đúng cái mà nhà văn cần tái hiện. Không chỉ chính xác, ngôn ngữ văn học còn cần có tính hàm súc. Nếu hiểu hàm súc là súc tích, hàm chứa nhiều ý nghĩa, thì tính hàm súc là khả năng của ngôn ngữ văn học có thể miêu tả mọi hiện tượng của cuộc sống một cách cô đọng, ít lời mà nói được nhiều ý, ý ở ngoài lời. Đây chính là cách dùng từ sao cho đắt nhất, có giá trị biểu hiện cao nhất. Như Nguyễn Du đã “giết chết” Mã Giám Sinh: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”; sự gian manh của Sở Khanh: “Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”; cái tầm thường, ti tiện của Hồ Tôn Hiến: “Lạ thay mặt sắt cũng ngây vì tình”. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học không thể thiếu tình biểu cảm vì văn học luôn tác động tới cuộc sống bằng con đường tình cảm, nó thông qua tình cảm mà hướng dẫn nhận thức và thôi thúc hành động của con người. Trong tác phẩm Tắt đèn, Tí vừa khóc vừa van xin chị Dậu: “Con lạy u, con van u. Con còn bé bỏng, u đừng bán con đi…U để cho con ở nhà chơi với em con…” thì đó không chỉ là nỗi đau đớn của đứa bé bảy tuổi đã phải lìa xa tổ ấm gia đình mà còn biết bao cảm thông, thương xót của nhà văn và của người đọc. Và điều cơ bản nhất là ngôn ngữ của tác phẩm văn học phải có tính hình tượng. Đó là khả năng của ngôn ngữ văn học có thể tái hiện lại những hiện tượng của cuộc sống một cách cụ thể, sinh động bằng những từ ngữ gợi cảm, gợi tình, gợi thanh; nói cách khác, ngôn ngữ có tính hình tượng là ngôn ngữ giàu hình ảnh, đường nét, màu sắc, âm thanh, nhạc điệu…. Có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ, tác động sâu xa vào trí tưởng tượng và cảm nghĩ của người đọc. Trên đây là những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ trong tác phẩm văn học. Trong quá trình phân tích tác phẩm, học sinh cần hiểu rằng “từ ngữ là những hiệp sĩ trong đạo quan không thể thay thế được” và “mỗi từ đều có khả năng phát động môi trường liên tưởng rộng lớn”