Đại số 9 Bài 2: Căn thức bậc hai và hằng đẳng thức căn bậc hai

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết
    1.Căn thức bậc hai
    Với A là một biểu thức đại số, người ta gọi \(\sqrt{A}\) là căn thức bậc hai của A, còn A được gọi là biểu thức lấy căn, hay biểu thức dưới dấu căn.
    \(\sqrt{A}\) xác định (hay có nghĩa) khi A có giá trị không âm

    2.Hằng đẳng thức \(\sqrt{A^2}=|A|\)
    Định lý: Với mọi số thực a, ta có \(\sqrt{a^2}=|a|\)

    Lưu ý: Một cách tổng quát, với A là một biểu thức, ta có \(\sqrt{A^2}=|A|\), có nghĩa là
    \(\sqrt{A^2}=A\) nếu A không âm
    \(\sqrt{A^2}=-A\) nếu A âm.


    Bài tập minh họa
    1. Bài tập cơ bản
    Bài 1: Với giá trị nào của a thì biểu thức sau có nghĩa:
    \(\sqrt{\frac{a}{4}}\) ; \(\sqrt{4a-9}\)

    Hướng dẫn: Để biểu thức \(\sqrt{\frac{a}{4}}\)có nghĩa thì \(\frac{a}{4}\geq 0\) \(\Leftrightarrow a\geq 0\)

    Tương tự, \(\sqrt{4a-9}\) có nghĩa thì \(4a-9> 0\Leftrightarrow a\geq \frac{9}{4}\)

    Bài 2: Rút gọn biểu thức:
    \(\sqrt{(3-\sqrt{11})^2}\) ; \(3\sqrt{(a-2)^2}\) với \(a<2\)

    Hướng dẫn: Ta có \(\sqrt{(3-\sqrt{11})^2}=|3-\sqrt{11}|=\sqrt{11}-3\) vì \(\sqrt{11}>3\)

    Tương tự \(\sqrt{(a-2)^2}=|a-2|=2-a\) vì \(a<2\), vậy \(3\sqrt{(a-2)^2}=6-3a\)

    Bài 3: Tìm x biết:
    \(\sqrt{x^2}=|-7|\); \(\sqrt{9x^2}=|-12|\)

    Hướng dẫn: \(\sqrt{x^2}=|-7|=7\Leftrightarrow x^2=49\Leftrightarrow x=\pm 7\)

    Tương tự \(\sqrt{9x^2}=|-12|=12\Leftrightarrow 9x^2=144\Leftrightarrow x^2=16\Leftrightarrow x=\pm 4\)

    2. Bài tập nâng cao
    Bài 1: Giải phương trình: \(x^2-2\sqrt{11}x+11=0\)

    Hướng dẫn: \(x^2-2\sqrt{11}x+11=0\)\(\Leftrightarrow x^2-2.x.\sqrt{11}+(\sqrt{11})^2=(x-\sqrt{11})^2=0\)
    Vậy \(x=\sqrt{11}\)

    Bài 2: Chứng minh rằng: \(\sqrt{4-2\sqrt{3}}-\sqrt{3}=-1\)
    Hướng dẫn: Nhận thấy \(4-2\sqrt{3}=1^2-2.1.\sqrt{3}+(\sqrt{3})^2=(1-\sqrt{3})^2\)
    Vậy \(\sqrt{4-2\sqrt{3}}=|1-\sqrt{3}|=\sqrt{3}-1\) (vì \(\sqrt{3}>1\))
    Biến đổi vế trái, ta có \(\sqrt{4-2\sqrt{3}}-\sqrt{3}=\sqrt{3}-1-\sqrt{3}=-1=VP\Rightarrow dpcm\)