Đại số 9 Bài 7: Phương trình quy về phương trình bậc hai

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết
    1. Phương trình trùng phương
    Định nghĩa
    Phương trình trùng phương là phương trình có dạng: \(ax^4+bx^2+c=0 (a\neq 0)\)

    Đây không phải là phương trình bậc hai, nhưng ta có thể đưa về dạng phương trình bậc hai bằng phương pháp đặt ẩn phụ.

    Cụ thể là: Đặt \(t=x^2 (t\geq 0)\) lúc đó phương trình trở thành \(at^2+bt+c=0\), chúng ta tiến hành giải phương trình bậc hai rồi so điều kiện, trả về ẩn x của bài toán ban đầu.

    2. Phương trình chứa ẩn ở mẫu
    Các bước để giải phương trình chứa ẩn ở mẫu đã học ở lớp 8
    Bước 1: Tìm điều kiện xác định của phương trình

    Bước 2: Quy đồng hai vế rồi khử mẫu

    Bước 3: Giải phương trình vừa nhận được

    Bước 4: So sánh điều kiện ban đầu rồi kết luận nghiệm

    3. Phương trình tích
    Nhắc lại kiến thức đã học ở lớp dưới:

    Biến đổi phương trình về dạng \(A.B.C.....=0\) rồi suy ra hoặc \(A=0\) hoặc \(B=0\) hoặc.....




    Bài tập minh họa
    1. Bài tập cơ bản
    Bài 1: Giải phương trình trùng phương sau: \(x^4-8x^2+7=0\)

    Hướng dẫn: Đặt \(t=x^2 (t\geq 0)\)

    Khi đó, phương trình trở thành: \(t^2-8t+7=0\)

    Giải phương trình bậc hai cơ bản trên, ta được:

    \(t=1\) (nhận)\(\Rightarrow x=\pm 1\)

    \(t=7\) (nhận)\(\Rightarrow x=\pm \sqrt{7}\)

    Bài 2: Giải phương trình sau: \(\frac{x^2-3x+6}{x^2-9}=\frac{1}{x-3}\)

    Hướng dẫn: Điều kiện: \(x\neq \pm 3\)

    Với điều kiện trên, phương trình trở thành: \(x^2-3x+6=x+3\Leftrightarrow x^2-4x+3=0\)

    \(x=1\)(nhận)

    \(x=3\)(loại)

    Vậy phương trình có nghiệm duy nhất \(x=1\)

    Bài 3: Giải phương trình tích sau: \((x-3)(x^4+3x^2+2)=0\)

    Hướng dẫn: Với bài toán trên, ta suy ra:

    \(x-3=0(1)\) hoặc \(x^4+3x^2+2=0(2)\)

    Giải (1) \(\Rightarrow x=3\)

    Giải (2), ta thấy rằng đây là một phương trình trùng phương, tiến hành đặt \(t=x^2(t\geq 0)\)

    pt (2) trở thành \(t^2+3t+2=0\)

    \(t=-1\) (loại)

    \(t=-2\) (loại)

    Vậy phương trình có nghiệm duy nhất \(x=3\)

    2. Bài tập nâng cao
    Bài 1: Giải phương trình: \((x^2+2x-5)^2=(x^2-x+5)^2\)

    Hướng dẫn: Ta sử dụng hằng đẳng thức \(A^2-B^2=(A+B)(A-B)\)

    \((x^2+2x-5)^2=(x^2-x+5)^2\)

    \(\Leftrightarrow (x^2+2x-5+x^2-x+5)(x^2+2x-5-x^2+x-5)=0\)

    \(\Leftrightarrow (2x^2+x)(3x-10)=0\)

    Giải các phương trình cơ bản, ta dễ dàng suy ra

    \(x=0\) hoặc \(x=-\frac{1}{2}\) hoặc \(x=\frac{10}{3}\)

    Bài 2: Giải phương trình \(2x+\sqrt{x}=8-11\sqrt{x}\)

    Hướng dẫn: Điều kiện:\(x\geq 0\)

    Khi đó, ta đặt \(t=\sqrt{x}(t\geq 0)\)

    Phương trình trở thành: \(2t^2+t=8-11t\Leftrightarrow 2t^2+12t-8=0\Leftrightarrow t^2+6t-4=0\)

    Giải phương trình bậc hai ẩn t, ta được:

    \(t=-3+\sqrt{13}\) (nhận)\(\Rightarrow x=(-3+\sqrt{13})^2=22-6\sqrt{13}\)

    \(t=-3-\sqrt{13}\) (loại)

    Vậy phương trình có nghiệm duy nhất \(x=22-6\sqrt{13}\)