Dàn bài: Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” (Thanh Hải)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    I. Mở bài:

    – Giới thiệu tác giả Thanh Hải và bài thơ Mùa xuân nho nhỏ: Thanh Hải là nhà thơ cách mạng, hoạt động văn nghệ từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là thi phẩm đặc sắc cuối đời của nhà thơ Thanh Hải. Tác Phẩm là nỗi lòng của tác giả về niềm yêu mến tha thiết với cuộc đời, đất nước mong muốn cống hiến góp mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân của đất nước, dân tộc.

    II. Thân bài:

    * Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất nước và con người (đoạn thơ 1):


    – Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp trong tưởng tượng của tác giả (lưu ý, tác giả viết bài thơ 11/1980 – lúc này đang là mùa đông).

    + Hình ảnh vẻ đẹp của mùa xuân xứ Huế được khắc họa qua: hoa tím, sông xanh, bầu trời cao rộng.

    + Âm thanh tiếng chim chiền chiện báo xuân về như kết tinh thành “từng giọt long lanh”.

    + Vẻ đẹp của mùa xuân thể hiện qua góc nhìn của tác giả cũng như tấm lòng trân trọng của tác giả trước thiên nhiên, cuộc đời.

    + Lời trò chuyện thân mật cùng tự nhiên và sự trân trọng sự sống được thể hiện qua hành động “đưa tay hứng” của tác giả:

    “Từng giọt long lanh rơi
    Tôi đưa tay tôi hứng”

    + Giọt long lanh được hiểu theo nghĩa ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, từ chỗ âm thanh được cảm nhận bằng thính giác chuyển sang cảm nhận bằng thị giác và xúc giác “đưa tay hứng”.

    ⇒ Tác giả say đắm trong mùa xuân của thiên nhiên đất trời với tâm thế đón nhận trân trọng.

    * Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân của đất nước (khổ thơ 2 và 3):

    – Sáng tạo của tác giả thể hiện qua việc dùng từ “lộc” và hình ảnh “người cầm súng”, “người ra đồng”.

    + Hình ảnh lộc xuân trên “nương mạ” là hình ảnh đẹp về cuộc sống lao động kiến thiết đất nước của lực lượng sản xuất.

    + Hình ảnh người cầm súng trên đường ra trận mang trên vai cành lá ngụy trang, và niềm tin vào ngày mai hòa bình.

    + Tác giả sử dụng hai từ láy “hối hả” và “xôn xao” để chỉ nhịp sống lao động khẩn trương vội vã nhưng nhộn nhịp, vui vẻ kết hợp hài hòa với nhau.

    – Nhà thơ tin tưởng và tự hào vào tương lai tươi sáng của đất nước cho dù trước mắt trải qua nhiều khó khăn, gian khổ.

    + Đất nước được so sánh với những hình ảnh đẹp đẽ, kì vĩ khẳng định sự trường tồn bền vững của đất nước:

    “Đất nước như vì sao
    Cứ đi lên phía trước”

    + Tác giả không quên nhắc nhở mọi người nhớ về những tháng ngày gian khổ trong chiến đấu, cách mạng.

    + “như vì sao”: vĩ dại và tỏa sáng, trường tồn, vĩnh hằng.

    + Phụ từ “cứ” kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện quyết tâm cao độ, hiên ngang tiến lên phía trước dù khó khăn gian khổ.

    ⇒ Sự lạc quan tin tưởng của nhà thơ ca ngợi sức sống, sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước, dân tộc.

    * Ước nguyện chân thành, giản dị được cống hiến của tác giả (khổ thơ 4 và 5):

    Khổ thơ 4: Nhà thơ thể hiện tâm nguyện tha thiết muốn cống hiến qua những hình ảnh đẹp, thuần phác:

    “Ta làm con chim hót
    Ta làm một cành hoa
    Ta nhập vào hòa ca
    Một nốt trầm xao xuyến”

    + Điệp từ “ta” để khẳng định đó là tâm niệm chân thành của nhà thơ, cũng là khát vọng cống hiến cho đời chung của nhiều người.

    + “con chim”. “cành hoa”, “nốt trầm”: hình tượng nhỏ bé nhưng đẹp đẽ, cống hiến vô tư, làm đẹp cho cuộc đời.

    Khổ thơ 5: Tâm nguyện của nhà thơ:

    “Một mùa xuân nho nhỏ
    Lặng lẽ dâng cho đời
    Dù là tuổi hai mươi
    Dù là khi tóc bạc”.

    Hình ảnh “một mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo của nhà thơ khi thể hiện thiết tha, cảm động khát vọng được cống hiến và sống ý nghĩa:

    + Điệp từ “dù là” khiến âm điệu câu thơ trở nên thiết tha, lắng đọng.

    + Các từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc.

    + “tuổi hai mươi” – “khi tóc bạc”: tuổi thanh xuân, tuổi lao động, tuổi đời tươi đẹp và hữu ích của một đời người → dâng hiến sứ lao động để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

    + Dù đang nằm trên giường bệnh nhưng tác giả vẫn tha thiết với cuộc đời, mong muốn sống đẹp và hữu ích, tận hiến cho cuộc đời chung.

    ⇒ Với niềm yêu đời tha thiết, tác giả vượt lên trên hoàn cảnh về bệnh tật mong muốn da diết được sống có ích bằng tất cả sức trẻ của mình.

    * Ngợi ca quê hương đất nước qua điệu hát dân ca Huế (khổ thơ 6):

    – Cả bài thơ giống như làn điệu dân ca Huế mượt mà, trữ tình và sâu lắng.

    + Bài thơ khép lại với điệu Nam ai, Nam bình của xứ Huế để ca ngợi vẻ đẹp và nỗi niềm của người con xứ Huế.

    + Khúc ca còn ngân vang mãi từ tâm hồn của người lạc quan, yêu đời, khát khao sống có ích.

    III. Kết bài:

    – Bài thơ là tiếng lòng của tác giả trước cuộc đời, đất nước, một lòng vì tương lai của dân tộc.

    – Với giọng trầm lắng có lúc nhộn nhịp, hối hả, bài thơ không những diễn đạt được vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước mà còn thể hiện được sự mê say với cuộc sống và khát vọng chân thành đẹp đẽ của tác giả.