Dàn ý cảm nhận về hình ảnh đoàn thuyền đánh bắt cá trên biển khơi trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” qua khổ thơ 3, 4, 5, 6)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Dàn ý cảm nhận về hình ảnh đoàn thuyền đánh bắt cá trên biển khơi trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” qua khổ thơ 3, 4, 5, 6)
    • Mở bài:
    Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng từ phong trào Thơ mới với tập thơ Lửa thiêng(1940) và tiếp tục có đóng góp quan trọng trong nền thơ hiện đại Việt Nam từ sau năm 1945. Trước Cách mạng tháng Tám,thơ ông giàu chất triết lí, thấm thía bao nỗi buồn, tràn ngập cái sầu nhân thế. Sau Cách mạng, thơ Huy Cận dạt dào niềm vui, là bài ca vui về cuộc đời, là bài thơ yêu thiên nhiên, con người và cuộc sống. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá thể hiện niềm vui lao động của Huy Cận trong thời đại mới. Nổi bậc trong bài thơ là hình ảnh đoàn thuyền ra khơi trong niềm tin tưởng phơi phới niềm tin.
    • Thân bài:
    Những cảm nghĩ cần diễn đạt:
    – Tác giả tạo được những hình ảnh đặc biệt sinh động và mới lạ về cá và biển. Từ đó dựng nên bức tranh thơ đầy màu sắc về biển nhằm lôi cuốn người đọc.
    – Con thuyền vốn nhỏ bé trước biển trời bao la đã trở thành con thuyền kì vĩ mang tầm vóc vũ trụ. Bút pháp lãng mạn, trí tưởng tượng phong phú của tác giả đã sáng tạo nên những hình ảnh đẹp khiến công việc lao động nặng nhọc của người đánh cá trở thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên
    – Không chỉ dùng đại từ xưng hô “em” để gọi cá, liệt kê các loại cá: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song, tác giả còn so sánh lòng biển như lòng mẹ bao dung. Điều ấy cho thấy một tấm lòng thiết tha với vẻ đẹp và sự giàu có của biển khơi, của đất nước ta.
    – Câu thơ chứa nhiều chi tiết tạo hình: “Thuyền ta lái gió… biển bằng” gợi ra hình ảnh con thuyền dũng mảnh lao đi giữa mênh mông trời biển. Đó là một cảnh tượng cao cả, tráng lệ.
    – Chủ nhân con thuyền – những người lao động cũng trở nên lồng lộng giữa biển trời trong tư thế làm chủ. Hình ảnh con người đã hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên vũ trụ.
    – Hoạt động đánh bắt cá của ngư dân “Dàn đan thế trận lưới dây giăng” rất cần sự táo bạo và quyết liệt, dũng cảm và sự đồng lòng. Và hoạt động ấy mang đến kểt quả tốt đẹp: “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”→ Khần trương, miệt mài, vượt qua sự nặng nhọc và cả hiểm nguy để hoàn thành công việc.
    – Và tình yêu công việc, tình yêu biển còn thể hiện ở câu thơ: “Ta hát bài ca gọi cá vào”. Câu hát ấy thể hiện tinh thần lạc quan trong lao động.
    Bức tranh lao động được điểm tô bằng vẻ đẹp của thiên nhiên. Cái nhìn của nhà thơ đối với biển và cá cũng có những sáng tạo bất ngờ,độc đáo. Cảnh đẹp không chỉ ở màu sắc, ánh sáng, mà còn ở âm thanh.Nhìn bầy cá bơi lội, nhà thơ lắng nghe tiếng sóng vỗ rì rầm.
    Nhận xét chung:
    – Thiên nhiên thống nhất, hài hòa với con người. Con người lao động làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống.
    – Khi miêu tả, ngoài quan sát còn cần đến trí tưởng tượng, liên tưởng và muốn biểu cảm sâu sắc phải có cảm xúc mãnh liệt, dồi dào. Đó là những yếu tố làm nên thành công của bài thơ.
    – Bài thơ cũng là sự giao hòa giữa hiện thực và lãng mạn. Chất hiện thực của khung cảnh lao động trên vùng biển cả khi vùng biển đã về ta. Và chất lãng mạn bắt nguồn từ trời cao lộng gió, ánh trăng dịu mát và bình minh nắng hồng.
    • Kết bài:
    Cảnh lao động đánh cá trên biển như bức tranh sơn mài rực rỡ. Người kéo lưới là trung tâm của cảnh được khắc họa rất độc đáo với thân hình gân guốc, chắc khỏe cùng thành quả thu về. Màu hồng của bình minh làm ấm sáng bức tranh lao động. Thiên nhiên và con người cùng nhịp nhàng trong sự vận hành của vũ trụ.