Trên thực tế người dùng các thiết bị iOS có thói quen chi nhiều tiền hơn người dùng Android để mua ứng dụng. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Creative Strategies đã tiết lộ chi tiết về sự khác nhau giữa hai nhóm này. Cụ thể cuộc khảo sát thu thập ý kiến của 800 người dùng được lựa chọn kỹ càng để thể hiện đầy đủ các nhóm thống kê quan trọng. Các câu hỏi được đặt ra trong bài khảo sát đi theo một quy trình tự nhiên mà một người dùng sẽ thực hiện khi sử dụng các cửa hàng ứng dụng (app store, không phải ám chỉ riêng Apple App Store), bắt đầu với việc họ thường xuyên mở một ứng dụng được cài đặt từ app store trên các thiết bị của mình như thế nào. Trong số những người dùng iOS, có 20% cho biết họ kiểm tra Apple App Store mỗi ngày và 32% kiểm tra mỗi tuần, trong khi chỉ 9% người dùng Android ghé thăm Google Play Store mỗi ngày và 21% mỗi tuần. Lý do của sự khác biệt này có lẽ đến từ việc hầu hết iPhone đều được tung ra với các linh kiện cao cấp và có thể chạy các ứng dụng theo cách tương tự nhau. Trong khi đó hiện có khá nhiều smartphone Android giá phải chăng với cấu hình đủ xài, nên không phải ứng dụng, game nào cũng có thể cài đặt được. Vì thế họ ít truy cập Google Play Store là đều quá dễ hiểu. Mỗi khi cần tìm một ứng dụng, chỉ khoảng 17% người dùng trên cả hai nền tảng dựa vào chức năng tìm kiếm tích hợp sẵn như một công cụ tìm kiếm chính. Khi sử dụng nó, gần 1/3 tổng số người dùng tìm được thứ họ cần, nhưng phần lớn trong số họ thừa nhận rằng sử dụng các bộ máy tìm kiếm Internet sẽ cho kết quả tốt hơn. Không có gì ngạc nhiên, bởi Google hiện đã ứng dụng AI để đưa ra các đề xuất ứng dụng được cá nhân hóa cho mỗi người. Sau khi đã tìm ra thứ cần tìm, người dùng sẽ phải quyết định có nên tải nó về không, hoặc liệu nó có đáng với mức giá bán không? Có một số khác biệt giữa cách mỗi người chọn ứng dụng để cài đặt. Với người dùng Android, yếu tố quan trọng nhất, chiếm 44%, là các đánh giá ứng dụng, trong khi 38% người dùng iOS lại quyết định dựa trên các tính năng mà ứng dụng mang lại. Khi đề cập đến các ứng dụng trả phí, cả hai nhóm người dùng đều đồng ý rằng mức giá là yếu tố quan trọng nhất. Hầu hết người dùng đều đặt ra một mức tiền mà họ sẵn sàng trả cho một ứng dụng, và các yếu tố bổ sung như tính năng hay các đánh giá xuất sắc sẽ không thể khiến họ chi thêm tiền để mua các ứng dụng đắt hơn. Các món đồ trong ứng dụng (in-app purchase) không phải là vấn đề lớn với 56% người dùng iOS và 64% người dùng Android, miễn là họ được thông báo về chúng rõ ràng. Người dùng của cả hai hệ điều hành (54% iOS và 47% Android) chủ yếu thích trả một lần thay vì đăng ký trả phí định kỳ. 38% người dùng Android chấp nhận trả tiền để tắt quảng cáo trong ứng dụng, ít hơn 8% so với người dùng iOS. Có lẽ khác biệt lớn nhất đối với việc chi trả các ứng dụng có phí là số lượng ứng dụng mà người dùng sở hữu. Gần một nửa (45%) người dùng iPhone tham gia khảo sát cho biết họ có ít nhất 5 ứng dụng có phí hoặc trả phí định kỳ, trong khi con số này ở Android chỉ chiếm 19%. Những kết quả nêu trên không đáng ngạc nhiên, khi mà iPhone có giá thành đắt hơn và người dùng iPhone thường có "hầu bao rủng rỉnh" để chi thêm cho các ứng dụng. Nói cách khác: Có tiền mua nổi iPhone, chẳng lẽ không đủ tiền để chi trả cho việc cài thêm ứng dụng. Khi thanh toán 5 USD cho một ứng dụng được cài trên chiếc smartphone có giá 200 USD thì nghe có vẻ quá "sang chảnh" và ít ai làm thế, nhưng áp dụng cho một chiếc smartphone có giá tới 1.000 USD thì lại khác. Điều này còn khiến người dùng iPhone ít có khả năng chuyển sang Android hơn bởi họ đã đầu tư khá nhiều vào hệ sinh thái Apple. Tuy nhiên, nếu với khoản tiền đó, họ mua được các ứng dụng có chất lượng tốt hơn thì lại là chuyện khác.