Đoàn Mật Vụ Của Ngô Đình Cẩn - Văn Phan Năm 1954 Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về nước hầu như với hai bàn tay trắng. Mọi rường cột của chế độ Diệm trong đó có các cơ quan bạo lực để bảo vệ chế độ đều do Mỹ dựng lên, nuôi dưỡng và kiểm soát, phải hoạt động theo quỹ đạo của Mỹ. “Đoàn công tác” của Cẩn nằm ngoài cái chung đó. Cho nên có thể nói, mọi kết quả to lớn mà “Đoàn công tác” thu được cũng như sự tồn tại của đoàn, cũng chính là kết quả của cơ quan mật vụ Mỹ thu được. Hơn nữa, với Mỹ, đây còn là kết quả của chính sách thực dân mới mang đậm tính đặc thù đầy sáng tạo Mỹ - Việt Nam Cộng hòa trong đó Mỹ luôn luôn giữ vai trò ông chủ. Nói như vậy không có nghĩa là phủ định những gì là độc đáo, tinh hoa của “Đoàn công tác”, một cơ quan mật vụ có một không hai. Dân tộc Việt Nam trải qua mấy chục năm chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, các lực lượng cách mạng đã có nhiều thành tích to lớn, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và phương pháp cách mạng đúng và nhất là có chính nghĩa nên đã giành được thắng lợi cuối cùng. Ngược lại, đối tượng của cách mạng ngoài bọn đế quốc, thực dân hùng mạnh, còn có những người Việt Nam theo Mỹ. Không nói về đường lối phản động phi nghĩa dẫn đến những sai lầm và thất bại cuối cùng của họ, riêng về mặt chiến đấu họ luôn đối đầu với ta ở mọi chiến tuyến. Là người Việt Nam, họ cũng có đặc tính thông minh, gan góc và cũng dày dạn từng trải trong ngần ấy năm chiến đấu đương đầu với chính lực lượng vô địch của cách mạng Việt Nam. Sự thật trong đấu tranh không hiếm những nơi, những lúc chúng ta đã phải khó khăn chật vật vì phải đối phó với họ còn gay go hơn cả với thực dân đế quốc. Tuy vậy, về các mặt hoạt động nghiệp vụ, các cơ quan an ninh tình báo Ngụy, nhất là ngành cảnh sát đặc biệt, vẫn rút kinh nghiệm qua hoạt động của Đoàn công tác để vận dụng vào việc đánh phá Cách Mạng có hiệu quả ✪ ✪ ✪ ✪ ✪ Theo LTTK Education