Đọc sách để thấy cuộc đời muôn màu - Giới trẻ châu Âu nghĩ gì?

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪


    luyen-thi-thu-khoa-vn-envelope-dots.png Ở Việt Nam chả có sách gì hay đáng đọc, đúng không?


    Khi đi công tác hay du lịch, ngồi chờ ở nhà ga, sân bay, bến xe bus… tôi chưa từng nhìn thấy một bạn học sinh – sinh viên Việt Nam nào cầm trên tay một cuốn sách văn học (dù là sách dịch hay sách của tác giả trong nước). Thi thoảng tôi có thấy các bạn đọc truyện tranh, thế thôi. Có thể ở những nơi công cộng đông đúc, các bạn không thể tập trung để đọc sách, nhưng tôi ngờ rằng ở những chỗ yên tĩnh hơn, các bạn cũng sẽ không dành thời giờ của mình để đọc. Tôi từng chứng kiến khi đi du lịch, lúc ngồi trên xe lửa hay ngồi chờ máy bay ở phi trường Singapore, nhiều bạn Việt Nam tụ lại với nhau để đánh bài giết thời gian. Trong khi những khách quốc tế khác lôi sách ra đọc, hành động xúm lại đánh bài đỏ đen (dù là không ăn tiền đi nữa) thật lố bịch. Khi tôi hỏi một số bạn vì sao ít đọc sách, các bạn nhún vai “Vì không có thời giờ!”. Thậm chí họ còn đổ thừa “Ở Việt Nam chả có sách gì hay đáng đọc!”. Điều này có đúng không?

    luyen-thi-thu-khoa-vn-doc-sach-young-read-books.jpeg

    luyen-thi-thu-khoa-vn-envelope-dots.png Giới trẻ châu Âu thích đọc sách ngụ ngôn cuộc sống

    Khi đi công tác ở châu Âu, ở những nơi công cộng đông đúc như bến xe bus, nhà ga, sân bay, tôi vẫn hay nhìn thấy cảnh các bạn trẻ dí mũi chăm chú đọc sách văn học. Các bạn tranh thủ vài phút ngồi chờ để đọc ít trang sách. Trong chuyến công tác ở Pháp của tôi vào tháng ba vừa qua, tôi đã tìm hiểu các bạn trẻ châu Âu đọc gì. Ở sân bay Charles de Gaulle (Paris), tôi thấy hai bạn sinh viên người Na Uy cầm trên tay mỗi bạn một cuốn tiểu thuyết khác nhau, nhưng của cùng Paulo Coelho. Tác giả này người Brazil, nổi tiếng khắp thế giới với “Nhà giả kim”, “11 phút”, “Quỷ dữ và nàng Prym”, “Veronika quyết chết”... (Những cuốn này đã được dịch ở Việt Nam). Tôi “xáp” lại hỏi vì sao hai bạn lại cùng chọn đọc Paulo Coelho, có phải vì trong lớp đang ra đề tài về tác giả này. Các bạn nói họ không đọc nếu chỉ vì giáo viên yêu cầu hay đề xuất, họ thích đọc những gì họ thấy cần thiết và thú vị. Sách của Paulo Coelho thường theo dạng “ngụ ngôn cuộc sống”, “nuôi dưỡng tâm hồn”, phù hợp với giới trẻ còn chưa định hướng được cuộc đời. Vì thế, họ thích đọc tác giả này. Tôi hỏi sách văn học có góp phần làm cuộc sống tinh thần của các bạn phong phú lên không, họ nhìn tôi như người ngớ ngẩn, đồng thanh đáp “Đương nhiên rồi!”. Tôi lại hỏi vì sao ở chốn công cộng đông đúc như sân bay quốc tế Charles de Gaulle, trong trạng thái chờ đợi không yên ổn, các bạn lại chọn đọc sách của Paulo Coelho, vốn đòi hỏi vừa đọc vừa suy ngẫm. Các bạn chân thành trả lời “Lúc đọc, chúng tôi không biết gì khác đang diễn ra xung quanh. Đọc sách trong lúc chờ đợi thế này là cách tốt nhất tận dụng thời gian một cách hữu ích!”

    luyen-thi-thu-khoa-vn-truyen-ngu-ngon-hay-ve-cai-cay.jpg

    luyen-thi-thu-khoa-vn-envelope-dots.png Sách trinh thám giúp trí óc vận động

    Trên xe lửa hay máy bay, vì phải đi một đoạn đường dài vài tiếng, hầu như ai cũng có một cuốn sách trên tay, các bạn trẻ cũng không nằm ngoài thói quen này. Tôi hỏi một bạn sinh viên nữ người Pháp trên chuyến tàu Paris – Bordeaux bạn đang đọc sách gì. Bạn chìa bìa sách cho tôi xem, đó là cuốn Millennium (Thiên niên kỷ) bằng tiếng Anh của tác giả Stieg Larsson người Thụy Điển. Đây là bộ tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng khắp thế giới. (Ở Việt Nam đã có rồi, sau khi tôi đi Pháp về, thấy mọi người đọc nhiều nên tôi cũng mới mua 2 tập và đang đọc mấy trang đầu của tập 1, thấy khá lôi cuốn). Tôi hỏi vì sao bạn đọc tiểu thuyết trinh thám, dạng sách này giúp ích gì cho bạn hay đơn thuần chỉ đọc để giải trí giết thời gian. Bạn sinh viên nữ đó nhìn tôi lạ lẫm, và vì biết tôi là người nước ngoài nên bạn chân thành giải thích “Đọc sách trinh thám bằng tiếng Anh, thứ nhất vì tôi muốn trao dồi ngoại ngữ, thứ hai vì sách trinh thám cuốn mình phải đọc liên tục, giúp bớt nản vì phải đọc bằng tiếng nước ngoài, thứ ba vì sách trinh thám cho tôi cách suy nghĩ logic, hiểu được vì sao người ta có động cơ và biến động cơ thành thực tế. Sách trinh thám giúp trí óc vận động và loại sách này không hề chỉ để giải trí giết thời gian một cách vô bổ!”. Tôi đồng ý với bạn ấy điều này vì bản thân cũng rất thích đọc sách trinh thám.

    luyen-thi-thu-khoa-vn-loi-ich-khi-doc-sach-trinh-tham.png
    luyen-thi-thu-khoa-vn-envelope-dots.png Việt kiều trẻ mong giỏi tiếng Việt để đọc sách văn học trong nước

    luyen-thi-thu-khoa-vn-cung-nhau-se-di-xa-hon.jpg

    Khi đến Bordeaux, tôi lại gặp Christine, một bạn gái mười tám tuổi sinh ra tại Pháp, có mẹ người gốc Việt, cha gốc Ý. Christine rất thích đọc sách văn học của những nhà văn Việt Nam sống ở hải ngoại, bạn đã đọc các tác giả Linda Lê, Thuận và hiện đang đọc cuốn “Ru” của Kim Thủy, nhà văn Việt kiều Canada. Tôi thắc mắc vì sao Christine thích loại sách này ở độ tuổi còn quá trẻ như vậy, bạn cười “Thường người ta hay tìm đọc sách “già” hơn độ tuổi của mình. Và vì tôi cũng gốc Việt sống ở nước ngoài, tôi cảm thấy mình gần gũi với họ”. Bạn ước mình giỏi tiếng Việt để có thể đọc được nhiều sách văn học Việt ở trong nước hơn. Và hiện Christine đang nỗ lực học tiếng Việt. Tôi hỏi bạn có đọc Harry Porter và Twilight? Christine cho biết học sinh cấp hai mới đọc loại sách này và thường học sinh châu Âu đọc trực tiếp bằng tiếng Anh để trao dồi ngoại ngữ.

    luyen-thi-thu-khoa-vn-envelope-dots.png Đọc sách để luyện ngoại ngữ

    luyen-thi-thu-khoa-vn-truyen-thieu-nhi-tieng-anh-chu-de-gia-dinh.png

    Nhà văn Thụy Điển Bjorn Larsson, tôi gặp nhân chuyến đi sang Bordeaux để nói chuyện với giới trẻ về Tinh Thần Châu Âu hồi tháng 3/2011, cho tôi biết ông có một cô con gái 16 tuổi. Cô bé đọc sách như điên dù cũng ham vận động thể thao, đặc biệt là cưỡi ngựa (nhà văn đã mua tặng con gái một chú ngựa riêng). Hồi mới 14 tuổi, cô bé đã đọc được Harry Porter bằng nguyên bản tiếng Anh. Theo kinh nghiệm cá nhân của nhà văn Bjorn Larsson và thông qua con gái ông, ông có lời khuyên sau: Hãy ham mê đọc sách văn học, cố gắng đọc bằng tiếng nước ngoài càng tốt. Đó là cách giúp bản thân ông nói và viết thông thạo 4 thứ tiếng, đọc hiểu dễ dàng thêm 2 thứ tiếng khác. Nhà văn cũng không hề là người chỉ biết chúi mũi đọc và viết, ông còn là nhà hàng hải nhiều kinh nghiệm, từng lênh đênh trên biển cả hàng tháng trời trên con tàu nhỏ (Ông đã viết cuốn “La sagesse de la mer” dựa trên kinh nghiệm đi biển của mình).
    Vậy theo như những gì tôi chứng kiến ở Pháp vừa qua, rõ ràng những gì bạn trẻ châu Âu đọc, độc giả Việt Nam cũng có thể tìm thấy. Sách hay không thiếu, chỉ thiếu một tinh thần ham đọc. Tôi muốn viết ra đây lời Christine nhắn nhủ bạn bè đồng trang lứa ở trong nước, “Hãy đọc sách để thấy cuộc đời muôn màu và ta còn phải học hỏi nhiều lắm!”

    Dương Thụy (Oct 2011)
    Theo LTTK Education sưu tầm