Tôi chuyển đến Thái Bình 5 năm trước, khi cơ thể tôi cực kỳ mạnh khỏe và tuyệt vời. Bạn có thể nghĩ tôi đang khoe khoang hoặc ảo tưởng, nhưng sự thật là tôi đã chăm chỉ đến đổ máu chỉ để lo về sức khỏe. Tôi bỏ ra nhiều giờ để nghiên cứu về lượng thức ăn nạp vào, cách rèn luyện thể lực và cần mẫn tuân thủ nhiều năm. Khi nghĩ lại về nỗ lực ấy, tôi không hề e thẹn chút nào. Lần đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn, tôi nghĩ: “Nếu có điều gì xảy ra với mình tại vùng đất xa lạ này, ít nhất mình phải giữ sức khỏe thật tốt". Vì vậy, tôi đã bước ra khỏi nhà lúc giữa trưa, chạy vào khu rừng gần đó tại Quận 7. Tôi cắm đầu chạy nhanh nhất có thể trong bốn mươi phút, cho đến tận giây phút cuối cùng, tôi chỉ muốn ngã sập xuống đất dưới sức nóng khủng khiếp và kiệt quệ. Hàng xóm bảo “Jess đừng chạy trong rừng vì lũ rắn”. Một lần nọ, một bảo vệ đã đuổi theo tôi cho đến khi anh kiệt sức và dừng lại. Họ cũng bảo rằng tôi không được chạy quanh rừng buổi tối, phòng trường hợp có người ngủ trong đó. Còn tôi thì biết chẳng hề có ai ngủ ở đó. Tôi thấy khá nhiều người sợ hãi Mặt trời. Họ tránh ra khỏi nhà khi trời nắng. Nếu phải bò ra, họ sẽ nỗ lực để che kín từ đỉnh đầu đến ngón chân. Đối với thời tiết nóng bức như thế này, đa số mọi người đều xem việc tập thể dục ngoài trời là không lành mạnh. Thực ra, họ nên bắt đầu lo về ảnh hưởng xấu với sức khỏe do không nhận đủ ánh sáng Mặt trời. Sự tăng nhiệt thực ra rất tuyệt vời cho bạn, cũng giống như xông hơi vậy. Protein sốc nhiệt (Heat shock proteins) được kích hoạt khi cơ thể chịu nhiệt độ cao hoặc thấp bất thường. Sốc nhiệt không phải lúc nào cũng xấu, nó góp phần xây dựng một cơ thể khỏe mạnh. Cơ thể rắn rỏi của tôi đã nhanh chóng rã rời ở Thái Bình. Tôi được khuyến khích ngừng tất cả chương trình tập luyện cũ như gym và chạy bộ để chỉ dồn vào tennis. Tôi theo chế độ này đều đặn với niềm hân hoan cho đến khoảng hơn sáu tháng sau, khi nhận thấy mặc dù bản thân vẫn khá khỏe mạnh hàng ngày nhưng cơ thể tôi đã tụt xa so với những múi cơ cuồn cuộn của sáu tháng trước. Một số người gặp lại tôi sau lâu ngày còn bảo sao trông Jess béo thế. Đây là một chuyện cực kì đáng thất vọng đối với bản thân, vì cơ thể tôi đã luôn là hình mẫu cho nhiều người trong suốt quãng đời trước đó. Tennis là môn thể thao tốt, giúp tuần hoàn máu hiệu quả. Vấn đề duy nhất của nó là văn hóa tennis. Có vẻ như mọi người để tâm đến các hội nhóm đàn ông với mục đích chính là tán gẫu và nhậu chứ chẳng phải thể thao. Khối lượng thức ăn và cồn nạp vào cơ thể ở các hội nhóm đó dường như là vô hạn, chỉ dừng lại khi bạn đã quá đầy bụng hoặc say mèm. Thứ duy nhất nó mang lại chỉ là một cái bụng mỡ xấu xí, nặng nề mà ta phải vác đi mọi nơi để bị chiêm ngưỡng với ánh mắt e ngại, dĩ nhiên là cùng với sự xấu hổ của bản thân mỗi khi nhìn vào một chiếc gương. Cũng thời gian sống ở miền Bắc, tôi thường ăn những món mà người Việt hay ăn, và gạo trắng là một vấn đề lớn. Việt Nam bị xem là một trong những quốc gia có tỷ lệ đái tháo đường cao nhất. Bốn nghiên cứu lớn liên quan đến hơn 350.000 người được thực hiện bởi Trường Y tế công cộng Harvard, xuất bản trong Tạp chí Y khoa Anh, đã đưa ra một số phát hiện kinh ngạc: Một bát cơm nhỏ tương đương hai lon nước ngọt. Bằng cách nào đó, tôi trở nên nghiện nó. Tôi nốc coca ít nhất hai lần một ngày, cầu mong thứ nước đường đó xóa tan sự buồn chán và nỗi cô đơn sống xa nhà. Tôi đã có một cuộc chiến chống lại đường. Nó là thứ gây nghiện kinh khủng hơn cả heroin, và các nhà sản xuất biết điều đó. Đường và sự thiếu vận động đã làm tổn thương bộ não, khiến cho tôi lờ đờ, chậm chạp và lười biếng. Tôi nhận ra phải chỉnh đốn lại bản thân. Tôi đã mua một chiếc xe đạp để có thể tập thể dục và đi làm cùng một lúc. Tôi thấy nhiều người Việt Nam hay cãi: “Tôi làm nghề lao động chân tay cả ngày đó chính là tập thể dục rồi, cần gì chạy bộ nữa”. Có một sự thật, người làm việc chân tay trong nhà máy, chạy bàn ở quán ăn cả ngày nhưng sức khỏe vẫn khá là tệ. Hồi làm việc cho công ty ở Thái Bình, tôi thấy sức khoẻ người lao động trong nhà máy chỉ ổn hơn người siêu yếu ở thành phố. Chơi bóng đá với họ là thấy liền, họ rất nhanh đuối sức. Vì sao? Ngày xưa, người tiền sử không có xe gì, phải chạy bộ rất nhiều hàng ngày. Còn nay, ra khỏi nhà mình đi xe máy, ngồi rất nhiều trong văn phòng, hàng quán, nếu làm ở nhà máy cũng chỉ di chuyển chậm. Những người lao động còn ăn rất nhiều cơm, bún, phở, bánh mỳ. Đó là nguồn carb giản đơn, tức carb xấu, gây hại sức khỏe nếu nạp vào cơ thể nhiều. Họ lại ăn bất kể giờ giấc và không tập thể dục. Vì thế, hệ thống tim và mạch máu không được luyện rèn nên vẫn yếu, dù trông họ không mập. Chỉ khi mình đi xe đạp, chạy bộ, bơi, trái tim đập mạnh hơn, máu đi nhanh hơn, mỡ giảm nhanh hơn, não mới tốt hơn. Cơ thể của bạn như một chiếc xe hơi. Nếu chiếc xe được duy trì bảo dưỡng, lốp xe luôn mới, dầu được thay định kỳ, nó sẽ luôn hoạt động tốt. Nhưng nếu bạn tiếp tục làm ngơ các tác động nhỏ hàng ngày, chiếc xe của bạn từ từ yếu đi và hỏng, sau đó bạn không còn chiếc xe nữa. Những ai không biết trân trọng chiếc xe đầu tiên sẽ khó mà có được chiếc thứ hai.