Giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật lập luận trong Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Anh (chị) hãy phân tích giá trị nổi bật của đoạn văn dưới đây ở hai phương diện nội dung tư tưởng và nghệ thuật lập luận.

    “Hỡi đồng bào cả nước,
    “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
    Lời bất hủ ấy trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

    Bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

    Đó là những lời lẽ phải không ai chối cãi được”.

    Dàn bài

    Mở bài

    – Giới thiệu về hoàn cảnh ra đời cảu Tuyên ngôn Độc lập:
    + Ngày 19 tháng 8 năm 1945 chính quyền ở Hà Nội về tay nhân dân.
    + Ngày 26 tháng 8 năm 1945, Hồ Chủ tịch rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Tại số nhà 48 phố Hàng Ngang, Người đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 2/9/1945 trước hàng vạn đồng bào, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới.
    – Đoạn mở đầu Tuyên ngôn Độc lập : “Hỡi đồng bào cả nước (…) không ai chối cãi được”, bằng những lập luận chặt chẽ đầy sức sáng tạo, tác giả đã nêu ra nguyên lí mang tính phổ quát – nguyên lí về quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người và các dân tộc từ đó đã phát triển thành quyền lợi của dân tộc Việt Nam.

    Thân bài

    – Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực, một văn kiện chính trịn lớn, là kết quả của cuộc đấu tranh gần 100 năm chống lại chế độ thực dân và phát xít lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
    – Tuyên Độc lập còn là cuộc đấu tranh chính trị nhằm bác bỏ những âm mưu đen tối của kẻ thù với những lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn và đầy sức thuyết phục.
    – Việc trích dẫn thể hiện tài năng lập luận bậc thầy của tác giả đồng thời còn có ý nghĩa quan trọng về nội dung tư tưởng, cơ sở pháp lí:
    + Khẳng định nguyên lí vĩnh cửu về quyền con người dựa trên những lời lẽ đúng đắn, tiến bộ và đã được thừa nhận trong hai bản tuyên ngôn của hai nước lớn mà hiện tại họ đang dính líu đến vấn đề ở Việt Nam, đó là Pháp và Mĩ.
    + Tác giả không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với những lời lẽ bất hủ ấy mà còn khẳng định quyền độc lập của dân tộc ta một cách khéo bằng chính những lời lẽ của tổ tiên họ, cha ông họ. Mặt khác, tác giả còn ngầm nhắc nhở họ đừng tự phản bộ lại tổ tiên mình.
    + Tác giả đã đặt ba cuộc cách mạng, ba bản tuyên ngôn, ba nền độc lập ngang hàng nhau, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây chính là chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” của tác giả.

    Kết luận

    – Tuyên ngôn Độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực, nội dung tư tưởng sâu sắc, lập luận chặt chẽ, sáng tạo, lời lẽ đanh thép và có sực thuyết phục cao.