Giải thích câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua…”

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giải thích câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua…”


    19.jpg
    • Mở bài:
    Kinh nghiệm ở đời xác nhận rằng ăn ngay nói thật trong nhiều trường hợp đã không có lợi mà còn có hại hoặc là cho kẻ nói, hoặc là cho người nghe, nên cách ngôn đã nói: “Trung ngôn nghịch nhĩ ”. Bình dân cũng biện minh sự lợi hại của lời trực ngôn bằng câu tục ngữ: “Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng”. Để cho sự giao tiếp trong xã hội được hòa nhã, thuận vui, dân gian thường khuyên bảo nhau:

    Lời nói chẳng mất tiền mua.
    Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

    • Thân bài:
    Lời nói là một phương tiện diễn đạt tư tưởng tâm tình, là một lời khi cần thiết và quan trọng để cho con người sử dụng hàng ngày trong cuộc giao tiếp. Đó là cách mở đầu làm cho trơn tru bộ máy xã hội, lời nói có thể làm trở ngại cuộc xã giao, gây tai hại gần như một vật chướng ngại, gài vào guồng máy giao tiếp. Có lời nói là châu ném vàng gieo, hoa thêu gấm dệt. Có lời nói là tiêu ớt, tỏi hành, kim châm, gươm xé. Có lời nói là cam lộ, dương chi. Có lời nói gây thù hận khổ đau. Lời nói cứu nhân độ thế. Lời nói đổ máu giết người.
    Đối với cá nhân, lời nói có thể làm cho nên cửa nên nhà và cũng có thể làm cho tán gia bại sản. Đối với quốc gia, lời nói có thể làm cho hưng thịnh hay là tán bang. Công dụng của lời nói thật là quan trọng nên người ta thường nói: “Nhất ngôn trúng, vạn ngôn dụng, Nhất ngôn bất trúng, vạn sự bất thành”. Bởi vậy tục ngữ đã cảnh cáo những người ăn nói vô độ, vô chương: “Một lời nói ra, bốn ngựa đuổi không kịp”. Lời nói là môi giới quan trọng giữa người và người. Lời nói phơi gan trải mật của người nói, nên người ta biết người đối thoại là do lời nói:

    Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
    Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

    (Ca dao)

    Bởi vậy, người cẩn thận không dám bạ đâu nói đó, thường giữ một thái độ dè dặt, nói theo câu châm ngôn: “Có biết thì thưa thót, không biết thì dựa cột mà nghe”. Bằng cần phải nói thì người ta phải: “uốn lưỡi bảy ngoai” lựa câu chọn tiếng:

    Lời ăn nết ở cho khôn,
    Chớ nên đa quá, đa ngôn chút nào.

    (Gia huấn ca)

    Cố nhiên hễ nói lắm thì lỗi nhiều; lỗi nhiều thì lắm hại, đúng theo lời tục ngữ đã nhận định: “Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ”. Không khéo lời nói đã gây hại cho người mà còn gây hại cho mình, tạo cho mình cái khẩu nghiệp. Để tránh xung đột trong xã hội, người ta cũng nhìn nhận giá trị của lời nói: Chẳng được miếng thịt miếng xôi Cũng được lời nói cho nguôi tấm lòng
    Người khôn dùng lời nói dịu dàng mà mua nhân tâm: Người thiện dùng lời nói nhân hậu mà thu phục nhân tâm. Người tu dùng lời nói từ bi mà quy hiệp nhân tâm. Lời nói quả thật có công dụng và hiệu lực thắng thế hơn bạc tiền.
    • Kết bài:
    Trong một nhóm người cũng như trong một xã hội, lời nói thật là quan trọng vô cùng: lời nói làm cho được lòng hay mất lòng người, trong nháy mắt. Người khôn bao giờ cũng muốn được lòng người; người thiện cũng muốn được lòng người; người tu càng muốn được lòng người hơn nữa! Nhân tâm thật là quý báu. Nhân tâm không thể mua bằng tiền, đúng theo lời ca dao:

    Nhân tâm ai bán mà mua
    Ai cho mà lấy, ai đưa mà mừng?