Góc nhìn khác-Suy nghĩ khác và bài học từ câu chuyện bán giày

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Góc nhìn khác - Suy nghĩ khácbài học từ câu chuyện bán giày


    6.jpg
    Hãy tìm góc nhìn khác, cách suy nghĩ khác để thành công


    Không phải ai cũng có đủ khả năng sáng tạo ra cái mới. Cũng không phải điểm đứng nào cũng mở tầm nhìn xa rộng. Cuộc sống rất cần những phán đoán và lựa chọn chính xác để tiến bộ và thành công. Góc nhìn khác, suy nghĩ khác chính là cơ sở của sáng tạo. Càng cố chấp với những định kiến sẵn có ta sẽ không thể nhìn thấy được những điều mới mẻ.
    Bởi thế, Erich Fromm cho rằng: “Sự sáng tạo đòi hỏi phải có can đảm để buông tay khỏi những điều chắc chắn”. Câu chuyện bán giày của hai công ty sản xuất giày để lại cho ta nhiều suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của góc nhìn khác, suy nghĩ khác để thành công trong cuộc sống này.
    Chuyện kể rằng, có hai hãng sản xuất giày nọ đang cạnh tranh với nhau. Để tìm kiếm và mở rộng thị trường, tăng cường sản xuất, họ cử các nhân viên của mình đến Châu Phi để khảo sát.
    Một nhân viên sau khi xem xét kỹ tình hình và báo lại về công ty mình rằng: “Người dân ở đây chỉ đi chân đất. Họ không có thói quen mang giày và cũng chưa từng mang giày. Chúng ta không thể phát triển thị trường ở đây”. Từ báo cáo trên, công ty này đã không quan tâm đến thị trường Châu Phi nữa.
    Trong khi đó, anh nhân viên công ty còn lại thì báo tin về xưởng sản xuất của mình rằng:“Chúng ta nên nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường này. Hãy làm việc đó một cách nhanh nhất. Vì người dân chưa ai có giày và chưa có hãng nào bán giày ở đây”.
    Quả thực sau đó, công ty đã nhanh chóng triển khai kế hoạch bán giày. Họ lập tức mở các cửa hiệu bán giày. Đồng thời cử người hướng dẫn và thuyết phục người dân mang giày. Chỉ trong một thời gian ngắn, họ đã thu về một món lời rất lớn.
    Chúng ta có thể thấy rõ, tuy có cùng một sự kiện xảy ra nhưng chính góc nhìn khác, suy nghĩ khác nhau của hai người mà kết quả có sự khác biệt rõ rệt. Người thứ nhất bảo thủ và cố chấp với những nguyên tắc cũ kĩ và lạc hậu. Anh ta chỉ nhìn thấy biểu hiện người dân không mang giày mà không thấy lí do của biểu hiện ấy. Anh ta cũng không thấy xu thế và nhu cầu mang giày sẽ có của con người. Đó là kiểu tư duy lối mòn, rập khuôn, máy móc và tai hại.
    Ngược lại, anh nhân viên của công ty kia đã có một cách nhìn, một suy nghĩ khác biệt. Anh ta khảo sát thị trường với quan điểm tích cực hơn. Anh ta suy luận rằng con người luôn có nhu cầu mang giày. Đó là xu thế tất yếu của thời đại. Anh ta nhận ra lí do khiến người ta chưa mang giày. Bởi ở đó chưa có ai bán giày nên người dân chưa có thói quen mang giày. Đó là một cơ hội để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường mà không sợ phải cạnh tranh. Chỉ cần mang giày tới và hướng dẫn họ cách mang giày, thuyết phục họ mua giày là xong.
    Xuất phát từ một góc nhìn khác, một suy nghĩ khác ta sẽ nhìn thấy được những điều khác biệt, mới mẻ mà người khác không nhìn thấy được.
    Tuy nhiên, không phải góc nhìn khác, suy nghĩ khác nào cũng tích cực. Điều quan trọng là bạn có hướng đến giải quyết vấn đề và tìm kiếm cơ hội hay không. Đừng vội đầu hàng hay buông bỏ trước khó khăn trở ngại. Mỗi suy nghĩ nên chứa đầy động lực và khát khao chiến thắng. Nhất định, cơ hội sẽ đến sau khi mọi trở ngại đã được giải quyết.