Việc thay đổi cấu trúc bộ máy với vị trí mới toanh: Giám đốc thể thao là điều cấp thiết mà Man Utd cần làm càng sớm càng tốt. Bộ máy cũ kỹ Man Utd là CLB giàu truyền thống nhất nước Anh với 20 chức vô địch quốc gia, 12 FA Cup và 5 League Cup. Tuy vậy, họ cũng là đội bóng lớn hiếm hoi vẫn hoạt động theo mô hình cũ: HLV trưởng kiêm nhiệm nhà quản lý chung, bao quát mọi vấn đề của đội bóng, đặc biệt là quyết định chuyện mua ai, bán ai ở mỗi kỳ chuyển nhượng cũng như sử dụng cầu thủ trẻ nào ở học viện. Nhìn chung bên cạnh việc sắp xếp đội hình chiến thuật cho các trận đấu, HLV của Man Utd sẽ phải ôm thêm rất nhiều công việc “không tên” khác. Trong thế giới bóng đá cũ, việc tập trung quyền lực vào HLV trưởng giúp CLB có bộ máy quản lý nhỏ gọn, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng bóng đá cũng như định hướng phát triển tốt. Thế nhưng, điều đó chỉ thực sự có thể phát huy khi HLV trưởng là người có ảnh hưởng và uy tín sâu rộng trong lòng đội bóng. Ngược lại, nó sẽ trở thành vấn đề lớn cho các CLB khi HLV của họ hữu danh mà vô thực. Ví dụ trước đây, Sir Alex Ferguson là người có tiếng nói quyết định. Tại Old Trafford, không ai có thể làm trái ý ông, kể cả giám đốc điều hành David Gill. Tuy nhiên hiện tại, thứ quyền lực “tối thượng” đó lại rơi vào tay Ed Woodward. Không chỉ là giám đốc thông thường, ông là phó chủ tịch của Man Utd. Khi Sir Alex nghỉ hưu, David Gill ra đi, Ed Woodward chính là người đàn ông quyền lực nhất tại Old Trafford, chỉ dưới những ông chủ Glazer - những người chỉ quan tâm đến chuyện làm ăn thuần túy. Vấn đề từ đó phát sinh. Từ David Moyes đến Van Gaal và Mourinho, Man Utd hiếm khi hoàn thành kỳ chuyển nhượng hoàn hảo với danh sách các HLV yêu cầu. Tệ nhất là mùa đầu tiên Ed Woodward lên nắm quyền. Khả năng quyết định chậm chạp của vị phó chủ tịch này cùng sức hút quá yếu của Moyes khiến Quỷ đỏ chỉ mua được Fellaini vào phút chót. Những gì diễn ra sau đó là thảm họa với đội chủ sân Old Trafford. Câu chuyện gần tương tự đã xảy ra ở mùa hè năm nay. Mourinho chỉ có được 1 trong 5 tân binh ông yêu cầu, đó là Fred. Hy vọng chiêu mộ thêm 1 trung vệ hoặc cầu thủ chạy cánh phải của HLV người Bồ Đào Nha cũng tan tành vì “quan điểm” của Ed. Cần biết rằng Ed Woodward vốn là thương nhân cực giỏi. Dưới bàn tay của ông, sức mạnh thương mại của Man Utd tăng vọt. Bất chấp kết quả kém cỏi trên sân cỏ, Quỷ đỏ vẫn liên tục bứt phá và có hàng loạt hợp đồng tài trợ lớn. Họ cũng vượt mặt cả Real Madrid - đội vô địch Champions League 4 lần trong cùng thời gian (5 năm) để trở thành CLB giá trị nhất thế giới. Tuy vậy, khả năng đàm phán và quyết định chuyên môn thuần bóng đá của Ed lại không thực sự cao. Nó khiến Man Utd bỏ lỡ không ít cầu thủ giỏi, đồng thời mua đắt bán rẻ, mua sao… xịt nhiều hơn sao nổ. Tất nhiên, vấn đề các tân binh có tỏa sáng hay không còn có trách nhiệm của HLV trưởng. Nhưng nếu HLV trưởng không có tân binh như ý thì đó không còn là lỗi của họ nữa. Thay đổi vẫn còn kịp Trải qua ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng đầy thất vọng, người hâm mộ Man Utd như mở cờ trong bụng khi biết tin CLB sắp sửa bổ nhiệm một giám đốc bóng đá, một người chuyên trách quản lý các vấn đề bóng đá phía sau hậu trường, bao gồm cả trinh sát và chuyển nhượng. Thực tế, đây là mô hình không mới ở châu Âu. Hầu hết các đội bóng thành công đến hiện tại đều có một giám đốc thể thao cứng cựa, người không chỉ có khả năng nhìn người mà còn có mối quan hệ rất tốt với các đại diện của cầu thủ. Ngay tại nước Anh, Chelsea đi đầu và gặt hái thành công nhanh chóng dưới thời tỷ phú Roman Abramovich. Tiếp đến là Man City, đội xây dựng kế hoạch dài hạn với việc lựa chọn HLV cũng nằm trong tính toán của giám đốc Txiki Begiristain và cộng sự. Chính Txiki Begiristain từng có giai đoạn hoàng kim với Barcelona trước khi tìm đến Etihad. Real Madrid thành công rực rỡ nhờ những bản hợp đồng mang về từ thời… Zinedine Zidane vẫn làm giám đốc bóng đá ở Bernabeu. Ngoài ra, các CLB khác như Juventus, Bayern Munich hay Paris SG cũng thống trị giải quốc nội và trở thành thế lực “nguy hiểm” ở châu Âu nhờ bộ sậu phân quyền rõ ràng. Trước đây, người ta nghi ngờ sự xuất hiện của giám đốc thể thao sẽ tạo ra mâu thuẫn với HLV trưởng. Tuy nhiên, chuyện này sẽ không thành vấn đề nếu bản thân lãnh đạo CLB có một con đường cụ thể, tuyển dụng những người cùng chung chí hướng. Với tình hình của Man Utd hiện tại, mọi thứ sẽ rất khó khăn để tước bớt quyền lực của Mourinho chuyển qua một tay giám đốc mới toanh. Nhưng đó là cách duy nhất để Quỷ đỏ định hình lại phong cách và vạch ra kế hoạch sáng sủa hơn, dài hạn hơn. Họ rõ ràng không thể vung 3-400 triệu bảng 1 kỳ chuyển nhượng để phục vụ ham muốn “ăn xổi” của Mourinho. Nhưng với 100-150 triệu bảng mỗi kỳ, Man Utd lẽ ra đã phải xây dựng được đội hình như ý sau 5 kỳ chuyển nhượng mạnh tay. Việc thiếu giám đốc bóng đá là lý do khiến Man Utd vừa lãng phí thời gian và tiền bạc như vậy. Trong vòng 3 năm, họ thay đổi 3 HLV và mua người phục vụ 3 ý đồ khác nhau. Đặc biệt Van Gaal và Mourinho có triết lý bóng đá gần như tương phản và HLV người Bồ Đào Nha đã phá bỏ, thay thế gần hết những gì Van Gaal cố gắng tạo ra trước đó. Chính vì thế, việc Man Utd bổ nhiệm giám đốc bóng đá đầu tiên trong lịch sử CLB là điều không thể khác bất chấp các nguy cơ tiềm ẩn. Sau đó, chính bản thân Ed Woodward cũng như Mourinho phải biết cách tiết chế bản thân và tập trung vào công việc chính của họ. Chỉ như vậy, người Man Utd mới có thể tự tin hơn vào tương lai, khi mà Man City và Liverpool đang chạy trước họ khá xa.