Sẽ là bất công nếu đổ tất cả trách nhiệm lên đầu HLV Joachim Low về sự đi xuống không phanh của ĐT Đức. Tuy nhiên, sau 12 năm nắm quyền với nhiều thăng trầm, ông không còn là người thích hợp với chiếc ghế nóng ở Mannschaft... Những hy vọng về một cuộc cải tổ của ĐT Đức chưa kịp lóe lên đã bị dập tắt bởi trận thua ê chề 0-3 tại Amsterdam. Đến ngay cả những huyền thoại của bóng đá Đức cũng không thể tin nổi tại sao đội quân của Joachim Low lại chơi tệ đến vậy dù họ vẫn đang sở hữu đội hình chất lượng với nhiều tài năng sáng giá. Hà Lan bị coi là biểu tượng của sự khủng hoảng tài năng sau khi lỡ hẹn cả 2 giải đấu lớn gần nhất (EURO 2016 và World Cup 2018). Như một lẽ tự nhiên, người ta tin rằng Đức còn khủng hoảng lớn hơn với thất bại hổ thẹn vừa qua. Nó chẳng khác nào một cú đấm giáng mạnh vào tham vọng cải tổ của cỗ xe tăng sau nỗi buồn ở VCK World Cup 2018 (ra về ngay sau vòng bảng). Để ý những con số chuyên môn, có thể dễ dàng nhận ra vấn đề quá lớn ở ĐT Đức mà Joachim Low bất lực. Đó là sự tệ hại của hàng tấn công! Tính cả trận gặp Hà Lan vừa qua, hàng công của Mannschaft đã tung ra tổng cộng 107 cú dứt điểm ở 5 trận đấu chính thức gần nhất (không tính giao hữu). Nhưng điều đáng ngạc nhiên là cỗ xe tăng chỉ có vỏn vẹn 2 bàn thắng (hiệu suất ghi bàn chỉ là 1,9%). Chẳng nói đâu xa, ngay ở sân Johan Cruyff vừa qua, ĐT Đức cũng đã tung ra 21 cú dứt điểm nhưng chỉ 4 lần đi trúng đích và không thể ghi nổi 1 bàn thắng. Đức khủng hoảng vì họ tạo ra áp lực khủng khiếp nhưng lại... vô hại. Trong bối cảnh như vậy, việc hàng thủ Đức mất tập trung và mắc sai lầm là điều hiển nhiên. Có thể thấy rõ điều đó ở trận thua Hàn Quốc, trận đấu đã khiến thầy trò Joachim Low phải làm khán giả ngay sau vòng bảng World Cup. Trách nhiệm thuộc về ai ngoài Joachim Low, người trực tiếp quyết định nhân sự và lối chơi cho ĐT Đức? Cách đây ít ngày, trước trận đấu giữa Hà Lan và Đức ở UEFA Nations Cup, cựu tiền vệ Michael Ballack đã đăng đàn chỉ trích Joachim Low. Anh khẳng định rất bất ngờ trước việc Low không bị sa thải sau kết quả tệ hại ở World Cup 2018. Sau đó, hàng loạt tờ báo Đức cũng chung quan điểm khi cho rằng Joachim Low là vấn đề lớn nhất hiện của của ĐT Đức. Sẽ là bất công nếu NHM bóng đá Đức hướng mũi dùi chỉ trích vào Joachim Low ở thời điểm này. Đừng quên rằng sau trận gặp Hà Lan vừa qua, ông đã đi vào lịch sử bóng đá Đức với tư cách nhà cầm quân có số trận dẫn dắt ĐT Đức nhiều nhất (168 trận). Để tạo ra kỉ lục đáng nể như vậy, hẳn nhà cầm quân 58 tuổi này đã làm hài lòng số đông. Chính ông cùng với Jurgen Klinsmann là người thay đổi phong cách cho ĐT Đức kể từ VCK World Cup 2006. Sau giải đấu đó, Klinsmann ra đi, Joachim Low tiếp tục cuộc cải tổ mạnh mẽ của mình. Tính tới hết trận đấu với Hà Lan vừa qua, chiến lược gia này đã trao cơ hội ra mắt ĐT Đức cho 100 cầu thủ khác nhau. Đây cũng là giai đoạn mà bóng đá Đức nở rộ tài năng, có thể sánh ngang, thậm chí vượt qua cả những đế chế hùng mạnh như Brazil, Pháp hay Tây Ban Nha. Ông đã giúp Đức về nhì ở bán kết EURO 2008, 2 lần vào bán kết EURO 2012, 2016, giành hạng 3 ở World Cup 2010 và lên ngôi ở World Cup 2014. Đó là những kết quả đáng ghi nhận của Joachim Low nếu để ý rằng trước đó, ĐT Đức đã gây thất vọng tràn trề khi dừng bước ở vòng bảng EURO 2004. Không quá lời khi nói rằng Joachim Low đã tái sinh bóng đá Đức. Tuy nhiên, 12 năm là khoảng thời gian quá dài cho một chu kì thành công. Tất cả những gì tinh hoa nhất của Mannschaft dưới thời nhà cầm quân này có vẻ đã hội tụ ở VCK World Cup 2014. Ở thời điểm hiện tại, Joachim Low có nhiều chất liệu để thực hiện một cuộc cải tổ về nhân sự. Nhưng về triết lý và lối chơi, khó có thể kì vọng một sự thay đổi khi Đức vẫn giữ nhà cầm quân này. Điều đó thể hiện rất rõ ở hàng công của Mannschaft. Từ năm 2014 trở về trước, ĐT Đức rất thành công khi sở hữu những trung phong thuộc kiểu “sát thủ” vòng cấm như Miroslav Klose hay Mario Gomez, thậm chí là cả Thomas Muller. Nhưng hiện tại, họ rất thiếu mẫu trung phong như vậy. Timo Werner là cái tên sáng giá nhưng anh không phát huy được vai trò trong sơ đồ và cách vận hành của Joachim Low. Hệ thống nhân sự của ĐT Đức đã có sự vận động và thay đổi lớn nhưng Joachim Low vẫn giữ nền tảng triết lý và cách chơi cũ. Nó tạo ra một Mannschaft thiếu năng động, rất dễ rơi vào thế bế tắc trước những đội bóng có tổ chức. Nếu dẫn dắt một CLB, Joachim Low có thể đưa ra yêu sách tăng cường nhân sự để thích nghi với đấu pháp của mình. Nhưng ở một ĐTQG, ông không thể làm điều đó mà chỉ có thể phát hiện và tìm kiếm những tài năng mới. Trong quá khứ, Low thành công vì lực lượng mà ông sử dụng ở ĐT Đức đa phần là những cầu thủ đã sát cánh nhiều năm bên nhau ở Bayern Munich. Còn hiện tại, Đức là tập thể mở rộng, với nhiều ngôi sao từ nhiều CLB. Trong dòng chảy của bóng đá hiện đại, 12 năm là khoảng thời gian quá dài cho một chu kì thành công. Đến như Vicente Del Bosque cũng không thể tồn tại ở tuyển TBN dù thống trị với 2 danh hiệu lớn ở World Cup 2010 và EURO 2012. Sứ mệnh của Joachim Low ở ĐT Đức đã kết thúc nhưng LĐBĐ Đức có vẻ không nhận ra điều đó. Nó có thể gây ra nhiều vấn đề lớn hơn cho cỗ xe tăng...