[Góc nhỏ Sài Gòn] Giữa chợ - Nguyễn Châu Thanh

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    luyen-thi-thu-khoa-vn-Giua-cho-Nguyen-Chau-Thanh.png

    Nơi tôi trọ gần nhiều trường đại học lớn. Ở đó, ngoài hàng ngàn sinh viên đang sinh sống, học tập còn rất nhiều dân nhập cư bươn chải mưu sinh. Họ đến từ rất nhiều nơi trên đất nước này, họ nuôi con mình, sống nhờ con người. Số phận, thời vận đẩy đưa, có người làm chủ, có người làm mướn nhưng hấu hết đều lấy
    buôn bán làm nghề chính. Nhiều tiểu thương là vậy nhưng quanh đó không có nhà lồng chợ, không có sạp, không có ô dù che. Họ chọn những nơi rộng rãi, đông người qua lại, thuận tiện giao thông và cứ thế bày hàng ra bán ngay trên nền đất, lề đường. Hễ chỗ nào làm ăn được là ngày càng đông đúc, chợ trời từ đó xuất hiện, rôm rả, xôm tụ từ sớm tinh mơ đến chiều tối.

    Tôi thường ra chợ trời ăn sáng, chỉ cần thức ăn bình dân thì ở đây thứ gì cũng có, giá cả lại phải chăng nên đông người lắm. Người ta dọn hàng thật sớm để giành chỗ, ai ra sau thì đành phải chịu thiệt. Chọn một quán hủ tiếu có nồi nước lèo nghi ngút khói, ngồi dựa lưng vào tường, tôi quan sát bao nhiêu điều thú vị xung quanh mình. Bên trái, anh bán đồ nhựa đập thùm thùm vào cái thau như nổi trống quân rồi giơ lên cao múa may “mười ngàn ba món”. Bên phải, cô bán vé số nhanh miệng lẹ mồm “chó nhỏ mười một, dê già bảy lăm”. Đối diện, mấy chị bán cá xoắn tay áo, cột ống quần chửi nhau ỏm tỏi. Ai cũng cố gắng la thật to để gây sự chú ý của khách hàng về phía mình mà không để ý một chú tóc hoa râm, vừa cười vừa điềm đạm húp từng ngụm cà phê, tay cố vặn loa thật lớn để người ta biết mình là dân “ép dẻo công nghệ mới”. Những âm thanh này ngày nào tôi cũng nghe, những hình ảnh này hôm nào tôi cũng thấy nhưng không bao giờ chán. Hôm nay là họ nhưng ngày mai thì không còn là họ nữa rồi. Cũng là chợ nhưng con người ở đây năng động hơn, có tầm quan sát hơn. Chợ trời như một phần cuộc sống của tôi và những ai từng cư ngụ gần đó. Khi vắng nó, chẳng những bất tiện mà còn buồn như thiếu một thứ gì thân thuộc lắm. Nhưng không phải lúc nào chợ trời cũng ồn ào, náo nhiệt. Tôi đã thấy nước mắt cô gái trẻ lã chã rơi khi nấm của cô nửa đố ra đường, nửa nầm la liệt trên xe trật tự đô thị. Thấy chị bán nón lại an ủi bạn hàng rồi cả hai cùng khóc... Tôi cũng thấy cụ ông vắng khách, buồn hiu như đất nẻ thiếu mưa dầm. Ông bán rau dưới một gốc cây to, đều đặn ngày ngày, vẻ u buồn, khắc khổ không bao giờ tan trên khuôn mặt. Rau ông bán không ai trồng, của trời đem bán chợ trời, rau ráng một mớ năm ngàn, đọt nhãn lồng ba tiền một lọn. Ông cũng rao như người ta nhưng chỉ vài tiếng buổi sáng thôi. Trưa với chiều ông cầm bó rau trên tay, giơ giơ, vẫy vẫy những người qua đường không quen biết. Có lúc cố sức rao, ông ho đến quặn người, tôi tưởng tượng ông không thể hít một hơi nào nữa vào buồng phổi. Rồi ông lại ngồi đó, một mình ông, nhìn người ta bán, nhìn dòng người đi với những đôi dép, đôi giày nhiều màu sắc.

    luyen-thi-thu-khoa-vn-Giua-cho-Nguyen-Chau-Thanh-01.png

    Tôi mua rau của ông nhiều lần để giúp đỡ, để ăn cũng như để nhớ về một vùng quê nghèo khó. Hàng hóa của ông bình dị, thân quen nhưng không dễ có. Con người ông bình thường nhưng làm người khác luyến thương. Một bận, đi qua chỗ ông vẫn ngồi, tôi thấy lớp rau trên cùng đã hơi héo. Ông dựa vào gốc cây ngủ ngon lành, thu mình lại, khóe chân sưng lên, mưng mủ, tay cầm mấy con khô sặc. Một luồng cảm xúc trào dâng trong tôi nhưng không thể nói được bằng lời. Ông vẫn ngủ say mặc lá vàng bám đầy trên áo vá. Chợ trời, như mọi ngày, vẫn vui, vẫn tấp nập, vẫn mặc cả, chào hàng, vẫn chửi nhau ỏm tôi.

    Theo LTTK Education sưu tầm