Đề bài : Hình ảnh con đường cuối truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn gợi cho em suy nghĩ gì? Bài làm: Nhà văn Lỗ Tấn (1881- 1936) tên thật là Chu Thụ Nhân, quê ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông là nhà văn hiện thực rất nổi bật và xuất sắc của Trung Quốc, có tư tưởng yêu nước tiến bộ. Truyện ngắn “ Cố hương” là một tác phẩm tiêu biểu của ông, kể vè một chuyến trở lại thăm quê hương của tác giả sau bao năm xa cách. Tác phẩm khép lại bằng hình ảnh con đường , để lại trong tâm trí người đọc nhiều trăn trở và suy nghĩ. Câu nói của tác giả: “ Trên đời làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi.” Con đường ông nhắc đến ở đây liệu có mang ý nghĩa sâu xa nào không? Có lẽ con đường vừa mang ý nghĩa thực, vừa là hình ảnh mang tính biểu tượng trong suy nghĩ của tác giả. Lỗ Tấn đi xa quê hơn 20 năm, có thể đây là lần cuối cùng ông về thăm lại quê hương. Ông muốn đưa gia đình của mình đến định cư ở nơi khác cùng ông. Nhưng nhìn con đường về quê với khung cảnh tiêu điều, nhà cửa thưa thớt, hoang vu khiến tâm trạng của ông như trùng xuống. Khi ông được trở về nhà, về quê hương nơi mình đã sinh ra, Lỗ Tấn nhận ra làng quê của mình vẫn như xưa, không có gì đổi mới. Một làng quê đang dần trì trệ, hay nói đúng hơn là chậm phát triển, dường như không có lối thoát với rất nhiều hủ tục xưa cũ, nặng nề. Xã hội phong kiến Trung Hoa hà khắc đã khiến cho những người nông dân nghèo khổ, lạc hậu phải lâm vào bước đường cùng. Họ thật dáng thương, bị đẩy xuống tận cùng của xã hội, nhưng lại không đủ can đảm để thay đổi số phận. Lỗ Tấn nhận ra rằng, quê hương của ông cần phải có con đường mới, một hướng đi mới để có thể phát triển hơn, chứ không thể trì trệ như bây giờ. Con đường mà Lỗ Tấn nhắc đến ở đây, có lẽ là con đường của tự do, của hạnh phúc, của niềm vui và hi vọng. Và để tạo nên được con đường đó, cẩn phải có nhiều người cùng chung sức, chung lòng. Ông khẳng định rằng: Trên đời vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi.” Sự khẳng định này có lẽ chính là niềm tin của ông vào sự xuất hiện một con đường mới, do chính những con người nơi đây tạo ra. Con đường là cuộc sống mới, một nơi mà con người sẽ sống với sự tiến bộ và văn minh hơn, không còn là xã hội phong kiến hà khắc, lạc hậu của người dân Trung Hoa. Có thể thấy, chỉ với một câu nói, một hình ảnh, nhưng điều Lỗ Tấn muốn gửi gắm đến người đọc, chính là cần phải dũng cảm đứng lên mở ra một con đường mới, một chân trời mới với mỗi người, hướng đến cuộc sống văn minh, tươi đẹp với tất cả chúng ta.