Hoàn cảnh ra đời tập Tùy Bút sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân Bài làm: Người lái đò sông Đà, kết quả của chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của nhà văn Nguyễn Tuân Khi miền Bắc nước ta được giải phóng và bắt tay vào xây dựng xã hội chủ nghĩa, các nhà văn nhà thơ cũng chuyển hướng ngòi bút của mình vào phản ánh đời sống mới của con người. Thực hiện chủ trương của chính phủ, các nhà văn nhà thơ đi đến khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm và phản ánh vẻ đẹp của con người trong lao động. Chế Lan Viên với Tiếng hát con tàu, Nguyễn Thành Long với Lặng lẽ Sa Pa, Huy Cận với Đoàn thuyền đánh cá, Nguyễn Khải với Mùa lạc, Nguyễn Tuân với Tùy bút sông Đà … đã phản ánh toàn diện và đẹp đẽ khí thế của con người làm chủ đất nước trong thời đại mới. Người lái đò sông Đà là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây rộng lớn, xa xôi. Tác phẩm được trích ra từ tập “Tuỳ bút sông Đà” viết và in năm 1960. Chuyến đi này không chỉ thoả mãn cái thú tìm đến những miền đất lạ cho thoả niềm khát khao “xê dịch” mà chủ yếu để tìm kiếm vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động và chiến đấu trên vùng núi sông hùng vĩ và thơ mộng đó. Đây là một áng văn giúp ta nhận ra hình ảnh một Nguyễn Tuân đã trở nên mới mẻ so với trước cách mạng tháng 8 – 1945 Trước cách mạng, vẫn với phong cách tài hoa, uyên bác nhưng nguyễn Tuân chỉ luẩn quẩn trong cuộc đời và thế giới nghẹ thuật khép kín.Ông chủ yếu tìm kiến cái đẹp cổ xưa một thời nay còn vang bóng. Sau cách mạng, Nguyễn Tuân đã không quản ngại khó khăn, lặn lội đến vùng sông nước hiểm trở và thơ mộng ở nơi heo hút với mục đích “đi tìm cái thứ vàng của màu sắc sông núi Tây Bắc, và nhất là cái thứ vàng mười mang sẵn trong tâm trí tất cả những con người ngày nay đang nhiệt tình gắn bó với công cuộc xây dựng cho Tây Bắc sáng sủa, vui tươi và vững bền. Vì lẽ đó, mà cảm hứng chủ đạo trong Người lái đò sông Đà là nhiệt tình ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi nhân dân của một nhà văn mà trái tim đang tràn đầy niềm hứng khởi khi thấy nay mình đã có đất nước, mình đã không còn thiếu quê hương nữa. Sông Đà nói chung và Người lái đò Sông Đà nói riêng còn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân: uyên bác, tài hoa, không quản nhọc nhằn để cố gắng khai thác kho cảm giác và liên tường phong phú, bộn bề, nhằm tìm cho ra những chữ nghĩa xác đáng nhất, có khả năng làm lay động người đọc nhiều nhất. Điều đó, thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của con người.