Học ngành nào để tránh thất nghiệp?

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Kỳ tuyển sinh năm 2016, nhiều trường đại học mở thêm nhiều ngành mới theo hướng thực dụng hơn. Ngành mới là những chuyên ngành hoàn toàn mới hoặc được tách ra từ những ngành trước đây, được cho là sát hơn với nhu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời người học dễ định hướng nghề nghiệp.

    Nhiều ngành mới có tính thực dụng

    Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ mở thêm hai ngành mới, đó là thương mại điện tử và dược. Đáng chú ý, ngành thương mại điện tử là một ngành thuộc nhóm quản trị kinh doanh nhưng khi học xong, người học sẽ được cung cấp các phương pháp phân tích và điều hành hệ thống kinh doanh trên Internet.

    Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM mở thêm tới 15 ngành mới gồm: công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (tách từ ngành công nghệ kỹ thuật điện tử); công nghệ chế tạo máy (công nghệ kỹ thuật cơ khí); công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin (khoa học máy tính); marketing, kinh doanh quốc tế (quản trị kinh doanh); quản lý tài nguyên và môi trường (công nghệ kỹ thuật môi trường).

    01.jpg
    PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết kỳ tuyển sinh năm 2016 trường sẽ mở thêm bốn ngành mới gồm: y sinh, ngôn ngữ Anh, công nghệ vật liệu và ngành dự kiến logistics. PGS-TS Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết năm nay trường cũng sẽ giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm khoảng 10% và tăng chỉ tiêu các ngành ngoài sư phạm, trong đó có những ngành rất mới như ngôn ngữ Hàn, tâm lý học giáo dục và công tác xã hội. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có tám ngành mới trình độ ĐH là: thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, thanh nhạc, piano, marketing, đạo diễn điện ảnh truyền hình, quay phim, diễn viên kịch điện ảnh.

    Kinh tế, tài chính “nóng” trở lại

    PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng sau một thời gian phát triển nóng, các ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh bão hòa và chùng xuống khoảng 1-2 năm nay. Hiện tại chỉ tiêu tuyển sinh của các ngành này đang tăng cao trở lại. Ông Nghĩa đánh giá thực tế nhu cầu xã hội vẫn cần nhân lực ngành kinh tế-tài chính. Tuy nhiên, khi chỉ tiêu tuyển sinh ngành này ở các trường ĐH-CĐ tiếp tục phình to mà không chú ý đến chất lượng đào tạo và dư địa của ngành này là bao nhiêu thì sẽ rất bất lợi cho người học khi tìm việc.

    Trong khi các ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, nông nghiệp và ngành khoa học cơ bản (toán-lý-hóa) nhu cầu nhân lực xã hội cũng khá lớn nhưng sinh viên đăng ký vào học lại hạn chế, dẫn đến nhu cầu nhân lực mất cân đối, cung không đủ cầu. Với ngành khoa học cơ bản, các sinh viên không chỉ nghiên cứu mà có thể đi dạy và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác, nhu cầu xã hội rất cần.
    “Bây giờ các trường phải đặt trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo, thay vì chạy theo số lượng mà phần lớn rơi vào nhóm kinh tế, tài chính” - PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa thẳng thắn.

    Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tư vấn tuyển sinh thuộc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM, cho biết tại các chương trình tư vấn tuyển sinh gần đây, số câu hỏi của các em không còn dồn về khối ngành kinh tế, tài chính như các năm trước mà chia ra ở nhiều ngành và có tính chất vùng miền khá rõ rệt. Cụ thể, thí sinh thường hỏi về nhóm ngành công nghệ, nông lâm, thủy sản. Riêng các em ở khu vực ĐBSCL thường hỏi về ngành chế biến thủy sản, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Ngược lại, các thí sinh ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận thường hỏi về việc làm ngành du lịch, khai thác biển…