Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Bận – Tiếng việt 3.

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Bận

    Trời thu bận xanh
    Sông Hồng bận chảy
    Cái xe bận chạy
    Lịch bận tính ngày
    Con chim bận bay
    Cái hoa bận đỏ
    Cờ bận vẫy gió
    Chữ bận thành thơ
    Hạt bận vào mùa
    Than bận làm lửa.
    Cô bận cấy lúa
    Chú bận đánh thù
    Mẹ bận hát ru
    Bà bận thổi nấu.
    Còn con bận bú
    Bận ngủ bận chơi
    Bận tập khóc cười
    Bận nhìn ánh sáng.
    Mọi người đều bận
    Nên đời rộn vui
    Con vừa ra đời
    Biết chăng điều đó
    Mà đem vui nhỏ
    Góp vào đời chung.
    (Trinh Đường)

    Cách đọc

    Giọng đọc tươi vui, rộn rã, nhịp nhàng. Mười câu thơ đầu đọc với giọng ngạc nhiên, thích thú. Tám câu tiếp đọc với giọng trìu mến, yêu thương. Sáu câu cuối bài đọc với giọng hân hoan, náo nức.

    Gợi ý cảm thụ

    Nếu tính cả nhan đề thi bài thơ có tới 21 chữ “bận”: sự vật bận, con người (cả người lớn, trẻ con) đều bận. Bài thơ như một định nghĩa đầy đủ nhất về chữ “bận”.

    Mười câu thơ đầu kể về sự bận rộn của vạn vật xung quanh ta. Từ trời thu, sông Hồng, cái xe, quyển lịch, con chim, cái hoa đến cờ, chữ nghĩa, hạt, than,… và có lẽ mọi thứ khác nữa cũng đều rộn ràng, loay hoay trong công việc bình thường, hằng ngày của mình. Đã là trời thu phải xanh, là sông phải chảy, cái xe phải chạy ; đã là chim phải biết bay, là bông hoa phải thắm sắc tươi màu,… Như vậy, chữ “bận” ở đây có ý nghĩa gì? Các em đều thấy rằng, mọi vật xung quanh ta đều làm đẹp cho đời, đều có ích. Tác giả đã sử dụng một loạt các từ chỉ màu sắc: xanh, đỏ ; từ chỉ hoạt động: chảy, chạy, tính, bay, vẫy, vào, làm ; các từ chỉ sự vật: ngày, gió, thơ, mùa, lửa. Mỗi sắc màu, hoạt động của sự vật đều làm cho cuộc sống trở nên rộn rã, tươi vui. Vạn vật thu gọn lại trong chữ “bận” và toả ra niềm vui chung. Phải yêu đời tha thiết như thế nào, nhà thơ Trinh Đường mới mô tả thế giới xung quanh ta nhiều màu sắc, nhiều chuyển động đến thế. Từ trời rộng sông dài đến những sự vật nhỏ bé nhất như con chim, cái hoa, cái chữ, hạt giống, cái gì cũng phải làm việc giúp ích cho đời, ai vào việc nấy, lúc nào cũng thật bận rộn, đáng yêu.

    Tám câu thơ tiếp nhà thơ thay lời em bé để kể về sự bận rộn của cô, chú, mẹ, bà. Cuộc sống kháng chiến thật gian lao, vất vả: các cô cấy lúa, các chú đi đánh giặc, mẹ ru con, bà thổi cơm. Nhà thơ dành 4 câu thơ để kể về sự bận rộn của em bé vừa chào đời: con bận bú, bận ngủ, bận chơi, bận tập khóc cười, bận nhìn ánh sáng. Dường như em bé còn bận hơn cả người lớn, có điều, em bé càng “bận” bao nhiêu thì niềm vui em mang đến cho mọi người càng tăng lên bấy nhiêu. Em là ánh sáng, là nguồn vui của mẹ, của bà.

    Sáu câu cuối, nhà thơ chỉ ra ý nghĩa, kết quả, mục đích của sự bận rộn: bận là để cho đời rộn vui. Con có biết rằng, sự có mặt của con trên đời là niềm vui lớn nhất của cha mẹ? Con ra đời và cuộc đời ngoài kia tươi trẻ mãi, cuộc sống sẽ bận rộn hơn, miệt mài hơn. Mai này khi con lớn lên, con sẽ hiểu ra, con hãy sống thật “bận rộn” để đem niềm vui cho mọi người, cho cuộc đời. Những câu thơ đã thể hiện tình yêu thương của cha mẹ với em bé, niềm hạnh phúc lớn lao của người cha, người mẹ khi em bé ra đời. Lời thơ chứa chan niềm tin yêu, hi vọng của cha mẹ dành cho con.

    Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Đã là con chim, chiếc lá – Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh – Lẽ nào vay mà không có trả – Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Mỗi người, mỗi vật hãy luôn làm đúng công việc của mình để “đem vui nhỏ” “góp vào đời chung”.