Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Đôi bạn

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Hướng dẫn

    Đôi bạn

    1. Thành và Mến là đôi bạn ngày nhỏ. Ngày ấy, giặc Mĩ ném bom phá hoại miền Bắc, Thành theo bố mẹ sơ tán về quê Mến. Mĩ thua, Thành về lại thị xã.

    Hai năm sau, bố Thành đón Mến ra chơi. Thành dẫn bạn đi thăm khắp nơi. Cái gì đối với Mến cũng lạ.Ở đây có nhiều phố quá. Phố nào cũng nhà ngói san sát, cái cao cái thấp, chẳng giống những ngôi nhà ở quê. Mỗi sáng, mỗi chiều, những dòng xe cộ đi lại nườm nượp. Ban đêm, đèn điện lấp lánh như sao sa.

    2. Chỗ vui nhất là công viên, ở đây, bên cạnh vườn hoa có cầu trượt, đu quay, có cả một cái hồ lớn. Mến rất thích chơi ở ven hồ. Hồ này rộng hơn cái đầm ở làng của Mến nhưng không trồng sen. Nhìn mặt hồ sóng gợn lăn tăn, hai đứa lại nhắc chuyện hồi nào bơi thuyền thúng ra giữa đầm hái hoa. Đang mải chuyện, bỗng các em nghe tiếng kêu thất thanh:

    – Cứu với!

    Thành chưa kịp hiểu chuyện gì đã thấy Mến lao xuống nước. Giữa hồ, một cậu bé đang vùng vẫy tuyệt vọng. Trên bờ, mấy chú bé ướt lướt thướt hốt hoảng kêu la.

    Mến bơi rất nhanh. Chỉ một loáng, em đã đến bên cậu bé, khéo léo túm được tóc cậu, đưa vào bờ.

    3. Về nhà, Thành và Mến sợ bố lo, không dám kể cho bố nghe chuyện xảy ra.

    Mãi khi Mến về quê, bố mới biết chuyện. Bố bảo:

    – Người ở làng quê như thế đấy, con ạ. Lúc đất nước có chiến tranh, họ sẵn lòng sẻ nhà sẻ cửa. Cứu người, họ không hề ngần ngại.

    Nguyễn Minh

    Cách đọc

    Đọc giọng kể, chú ý phân biệt lời dẫn chuyện với lời nhân vật (giọng người dẫn chuyện: thong thả, chậm rãi ở đoạn 1 ; nhanh hơn, hồi hộp ở đoạn 2 ; giọng chú bé kêu cứu: thất thanh, hoảng hốt ; giọng bố Thành: trầm xuống, cảm động).

    Gợi ý cảm thụ

    Bài văn nói tới cuộc sống và con người vào những năm 1965 – 1973, khi giặc Mĩ ném bom miền Bắc nước ta. Nhân dân ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã ở miền Bắc phải sơ tán về nông thôn. Các gia đình ở nông thôn nhường nơi ăn chốn ở, sẻ nhà sẻ cửa cho các gia đình ở thành phố. Thành và Mến, một bạn nhỏ ở thành phố và một bạn nhỏ ở nông thôn kết thân với nhau trong hoàn cảnh như vậy. Giặc Mĩ dừng ném bom miền Bắc, Thành chia tay Mến về lại thị xã với tình cảm bịn rịn, vấn vương.

    Khi gia đình Thành đón Mến ra thị xã chơi, thật thú vị, dưới cái nhìn của một bạn nhỏ ở làng quê, Mến thấy cái gì cũng lạ và luôn có sự so sánh với những cái ở quê nhà. Nào là nhà cửa trên phố lô nhô, cái cao cái thấp, chẳng giống những ngôi nhà ở quê. Rồi những dòng xe cộ đi lại nườm nượp, đèn điện lấp lánh như sao sa – một cảnh tượng mà Mến chưa từng nhìn thấy. Còn cái hồ lớn ở công viên thị xã thì rộng hơn cái đầm ở quê Mến nhưng chẳng thấy có một bông hoa sen nào… Dưới cái nhìn của Mến, thị xã là một thế giới mới lạ và đầy hấp dẫn. Qua cái nhìn của Mến, ta thấy Mến là một bạn nhỏ mộc mạc, chân thật, đáng quý. Nhưng điều đáng nói nhất ở người bạn nhỏ này là Mến sẵn lòng giúp đỡ, cứu giúp người khác khi người ấy gặp nạn. Hành động cứu người của Mến diễn ra thật tự nhiên, đơn giản, không tính toán. Nghe tiếng kêu cứu, Mến lập tức lao xuống hồ cứu một em bé đang vùng vẫy tuyệt vọng, bất chấp cả nguy hiểm có thể đến với bản thân mình. Như vậy, lòng tốt của Mến là lòng tốt tự nhiên, trong sáng và thật đáng trân trọng.

    Nếu chú ý, các em sẽ thấy bài văn không chỉ ca ngợi tấm lòng đáng quý của người ở nông thôn (thể hiện qua câu nói của bố Thành: “Lúc đất nước có chiến tranh, họ sẵn lòng sẻ nhà sẻ cửa. Cứu người, họ không hề ngần ngại”) mà còn ca ngợi (tuy rất tế nhị, không dễ nhận ra) lòng tốt, tình cảm trước sau như một của những người ở thành phố, thị xã mà tiêu biểu ở đây là gia đình bạn Thành. Điều này thể hiện rõ ở những lời nói, việc làm của người bố của Thành. Bố Thành về lại nơi sơ tán trước đây đón Mến ra thị xã chơi. Ông còn có những suy nghĩ, lời nói rất tốt đẹp về người ở nông thôn. Như vậy, bố bạn Thành là người sống tình nghĩa, vị tha và xứng đáng được trân trọng.

    Nhìn chung, bài văn mộc mạc này rất giàu ý nghĩa nhân văn, ca ngợi những con người sống với nhau rất tình nghĩa, thuỷ chung.