Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Ngày hội rừng xanh – Tiếng Việt 3

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Hướng dẫn

    Ngày hội rừng xanh
    Chim gõ kiến nổi mõ

    Gà rừng gọi vòng quanh

    Sáng rồi, đừng ngủ nữa

    Nào, đi hội rừng xanh!

    Tre, trúc thổi nhạc sáo

    Khe suối gảy nhạc đàn

    Cây rủ nhau thay áo

    Khoác bao màu tươi non.

    Công dẫn đầu đội múa

    Khướu lĩnh xướng dàn ca

    Kì nhông diễn ảo thuật

    Thay đổi hoài màu da.

    Nấm mang ô đi hội

    Tới suối, nhìn mê say:

    Ơ kìa, anh cọn nước

    Đang chơi trò đu quay!

    Cách đọc

    Mỗi khổ thơ gồm hai cặp câu ; trong mỗi cặp câu, hai câu thường đối thanh ở tiếng cuối, cần nhấn ở những tiếng đối thanh đó.

    Ví dụ:

    Chim gõ kiến nổi mõ

    Gà rừng gọi vòng quanh

    Sáng rồi, đừng ngủ nữa

    Nào, đi hội rừng xanh!

    Gợi ý cảm thụ

    Trong rừng muôn vật rất phong phú, mỗi sự vật có vẻ riêng. Mỗi buổi sáng, chúng thi nhau lên tiếng, khoe tài khoe sắc. Quan sát hình ảnh ấy và bằng sự liên tưởng ngộ nghĩnh, nhà thơ cho ta thấy mỗi một buổi sáng, rừng xanh lại vui như hội. Và mỗi loài đóng góp bằng vẻ riêng độc đáo của mình.

    Chim gõ kiến có cái mỏ lớn, luôn gõ vào cây để tìm sâu, cho nên hình dung anh ta là người “nổi mõ”, tức là nổi hiệu lệnh (tiếng mõ thời xưa giống như tiếng trống, tiếng kẻng thời nay), mở đầu cho ngày hội. Gà rừng gáy báo trời sáng như thúc giục muôn vật thức dậy. Gió nổi lên, tre, trúc vi vu như điệu sáo. Tiếng suối rì rầm, êm êm một điệp khúc như gảy đàn. Cây rụng đi lá vàng, thay bằng lá non tươi như người thay áo mới. Công có bộ lông sặc sỡ, múa đẹp, được coi “dẫn đầu đội múa”. Khướu có tiếng hót vang nên là người “lĩnh xướng” (hát một câu mở đầu để dẫn dắt) dàn đồng ca. Kì nhông luôn thay đổi sắc màu giống như người làm ảo thuật. Nấm có hình cái ô nên được nhìn như ngưòi đi dự hội (đi xem hội). Hình ảnh cuối cùng là cọn nước. Với bánh xe to lớn quay đều đặn, cọn nước được ví như trò đu quay thật ngộ nghĩnh.

    Nhìn thiên nhiên bằng đôi mắt trẻ thơ, nhà thơ làm cho mọi sự vật đều trở nên có hồn, chúng như nghe được tiếng nói của nhau, hưởng ứng lẫn nhau, tạo nên một ngày hội vui vẻ – ngày hội rừng xanh.