Hướng dẫn cảm thụ văn học bài Nhà bác học và bà cụ – Tiếng Việt 3

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Hướng dẫn

    NHÀ BÁC HỌC VÀ BÀ CỤ

    1. Ê-đi-xơn là một nhà bác học nổi tiếng người Mĩ. Khi ông chế ra đèn điện, người từ khắp nơi ùn ùn kéo đến xem. Có một bà cụ phải đi bộ mười hai cây số. Đến nơi, cụ mỏi quá, ngồi xuống vệ đường bóp chân, đấm lưng thùm thụp.

    2. Lúc ấy, Ê-đi-xơn chợt đi qua. Ông dừng lại hỏi chuyện. Bà cụ nói:

    – Già đã phải đi bộ gần ba giờ đồng hổ để được nhìn tận mắt cái đèn điện. Giá ông Ê-đi-xơn làm được cái xe chở người già đi nơi này nơi khác có phải may mắn hơn cho già không?

    – Thưa cụ, tôi tưởng vẫn có xe ngựa chở khách chứ?

    – Đi xe ấy thì ốm mất. Già chỉ muốn có một thứ xe không cần ngựa kéo mà lại thật êm.

    3. Nghe bà cụ nói vậy, bỗng một ý nghĩ loé lên trong đầu Ê-đi-xơn. Ông reo lên:

    – Cụ ơi! Tôi là Ê-đi-xơn đây. Nhờ cụ mà tôi nảy ra ý định làm một cái xe chạy bằng dòng điện đấy.

    Bà cụ vô cùng ngạc nhiên khi thấy nhà bác học cũng bình thường như mọi người khác. Lúc chia tay, Ê-đi-xơn bảo:

    – Tôi sẽ mời cụ đi chuyến xe điện đầu tiên.

    -Thế nào già cũng đến… Nhưng ông phải làm nhanh lên nhé, kẻo tuổi già chẳng còn được bao lâu đâu.

    4. Từ lần gặp bà cụ, Ê-đi-xơn miệt mài với công việc chế tạo xe điện và đã thành công.

    Hôm chạy thử xe điện, người ta xếp hàng dài để mua vé. Ê-đi-xơn mời bà cụ dạo nọ đi chuyến đầu tiên. Đến ga, ông bảo:

    – Tôi giữ đúng lời hứa với cụ rồi nhé!

    Bà cụ cười móm mém:

    – Cảm ơn ông. Giờ thì già có thể đi chơi cả ngày với chiếc xe này rồi!

    Theo Truyện đọc 3, 1995

    Cách đọc

    Bài văn có nhiều lời thoại, cần đọc mỗi lời thoại phù hợp với tình cảm, thái độ của các nhân vật:

    – Đoạn 2: bà cụ buồn rầu, than thở ; Ê-đi-xơn ân cần.

    – Đoạn 3: bà cụ ngạc nhiên ; Ê-đi-xơn vui mừng.

    – Đoạn 4: bà cụ và Ê-đi-xơn đều vui mừng.

    Gợi ý cảm thụ

    Ê-đi-xơn (1847 – 1931) là người sáng chế ra rất nhiều loại máy và thiết bị như đèn điện, đĩa hát (đĩa ghi âm giống như băng, đĩa ngày nay), máy chiếu phim,… Ông đã được cấp khoảng hơn một ngàn bằng phát minh, sáng chế. Con đường học vấn của ông chủ yếu là tự học (Câu nói nổi tiếng của ông: “Làm nên thiên tài, chín chín phần trăm do khổ luyện, chỉ một phần trăm do trời phú”).

    Câu chuyện trong bài kể việc ông chế tạo ra xe điện. Việc chế ra xe điện bắt nguồn từ sự việc rất tình cờ: Ê-đi-xơn gặp một bà cụ đang than thở vì phải đi bộ đường dài. Bà cụ nhắc đến “giá có ông Ê-đi-xơn làm cho chiếc xe…”, đó là một chi tiết thú vị chứng tỏ Ê-đi-xơn lúc này đã rất nổi tiếng và được mọi người tin tưởng (Ê-đi-xơn hồi đó được coi là “phù thuỷ”). Điều đó khuyến khích ông sáng tạo. Nhưng còn có lí do quan trọng hơn: thương bà cụ già yếu, ông nghĩ đến một thứ xe chạy làm sao vừa nhanh, vừa êm cho những người già. Chính tình thương yêu con người là động lực chủ yếu giúp ông phát minh, sáng chế.

    Thế là ông dốc sức nghiên cứu để làm một loại xe chạy bằng điện. Ngày chạy thử xe điện, ông mời bà cụ gặp lần trước đi chuyến đầu tiên. Chi tiết này cho thấy ông đã giữ đúng lời hứa, dù chỉ là lời hứa với một người xa lạ, tình cờ gặp trên đường. Với người khác, lời hứa đó thường không quan trọng hoặc dễ bị lãng quên, nhưng với Ê-đi-xơn nó lại đặc biệt quan trọng, vì chính lời hứa đó đã giúp ông say mê miệt mài làm việc để chế ra chiếc xe điện.

    Câu chuyện cho thấy những nhà bác học lỗi lạc luôn phấn đấu không mệt mỏi để giải phóng con người khỏi nỗi vất vả, khắc phục tuổi già và bệnh tật.
     
    thuansky thích bài này.