Kể Lại Một Câu Chuyện Theo Đề Tài Đã Cho Trong SGK Ngữ Văn

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Kể Lại Một Câu Chuyện Theo Đề Tài Đã Cho Trong SGK Ngữ Văn

    1- Trong ba đề đã cho (trang… Tiếng Việt 4, tập..,), đề nào thuộc loại văn kể chuyện? Vì sao?

    2- Kể một câu chuyện về một trong bốn đề tài đã cho 1 (SGK Tiếng Việt 4 tập I, trang 132)

    Bài làm 1

    1- Trong ba đề văn đã cho:

    a) Lớp em vừa có một bạn theo gia đình chuyển đi xa. Em hãy viết thư thăm bạn và kể tình hình học tập của lớp cho bạn em biết.

    b) Em hãy kể một câu chuyện về một tấm gương rèn luyện thân thể.

    c) Em hãy tả chiếc áo hoặc chiếc váy em mặc đến trường hôm nay. Em thấy đề thứ 2 (đề b) thuộc đề văn kể chuyện. Vì đề đó yêu cầu “kể một câu chuyện về một tấm gương rèn luyện thân thể”. Chuyện có nhân vật, có cốt truyện, có diễn biến các sự việc và ý nghĩa về tấm gương rèn luyện thân thể.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Bài làm 2

    (Câu chuyện về đề tài giúp đỡ người tàn tật)

    Tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện có thật về một bạn nhỏ bị tật nguyền ở cạnh nhà tôi, một người bạn thân của tôi.
    Tên cậu là Hoàng. Nhà Hoàng rất nghèo. Bố cậu mất sớm khi cậu vừa tròn một tuổi. Giờ đây, cậu đã lên chín nhưng đã bị liệt một chân từ lúc hai tuổi sau một cơn sốt bại liệt nên không giúp được gì cho mẹ. Mẹ Hoàng đã nhiều lần đưa Hoàng đến các nhà thương để chữa trị, nhưng vì tiền bạc quá ít ỏi nên được một hai tuần lại phải đưa Hoàng về. Gia đình càng ngày càng túng thiếu. Ngay đến cái ăn đã không được no nói gì đến cái mặc. Mẹ Hoàng đi làm tối ngày để kiếm tiền, Hoàng phải ở nhà thui thủi một mình. Thương Hoàng quá một hôm, tôi nói với bố: “Con thấy Hoàng tội nghiệp quá, bố ạ! Hoàng muốn đi học mà không có điều kiện. Có cách gì giúp Hoàng được không bố?”. Bố tôi bảo: “Bố sẽ viết đơn xin cho Hoàng đi học và mua cho Hoàng một cái nạng gỗ. Con sang với Hoàng, tập cho cậu ấy đi”. Thế là từ đó ngày nào tôi cũng sang bảo Hoàng tập đi với đôi nạng gỗ. Sau ba tháng, Hoàng tự đi lại một mình với chiếc nạng. Đầu năm học mới, Hoàng vào lớp một. Hàng ngày đến lớp, tôi thường mang hộ cặp sách cho cậu ấy. Cuối năm lớp ba, tôi chuyển trường theo gia đình về đây. Hoàng thường xuyên viết thư cho tôi thông báo tình hình học tập và sức khỏe của cậu ấy. Điều mừng nhất của tôi là Hoàng học giỏi và đã có thể giúp đỡ được mẹ cậu ấy được một số việc.
    Chuyện của Hoàng là thế đấy. Cho mãi đến giờ, dù ở xa nhau tình bạn của chúng tôi, vẫn thắm thiết như hồi nào. Tôi vui vì đã làm được một việc tốt giúp đỡ một người tàn tật vươn lên trong cuộc sống đời thường.
     
  3. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Bài làm 3

    (Chuyện kể về tính thật thà, trung thực)


    “Vé số, vé số chiều xổ đây!”. Đó là tiếng rao của đứa trẻ chừng chín, mười tuổi trạc tuổi tôi mà mỗi lần đi học ngang qua tiệm Ngọc Châu ở trung tâm thị xã thường nghe rất quen thuộc.
    Tôi không biết tên cậu bé và cũng không rõ nhà cậu ở chỗ nào. Nghe tiếng rao hay hay, tôi và Vượng dừng lại nhìn cậu bạn rao mời hết bàn này đến bàn khác: “Cặp số gánh đẹp lắm anh ơi, mua giùm em! Còn cặp này số con rồng bay, hay ra lắm! Và đây nữa, cặp nguyên số thần tài, chú mua đi ạ!”… Lời chào mời của cậu vừa nhẹ nhàng, vừa tha thiết, làm cho khách hàng không có ý định mua cũng phải xiêu lòng mua lấy một tờ. Bất chợt, có một vị khách ăn mặc sang trọng, vẫy cậu tới, nói:
    – Cặp “Thần tài” bao nhiêu tờ, hả cháu?
    – Dạ, năm mươi, ạ!
    Vị khách cầm lấy cặp vé số, rồi rút ví đưa cho cậu tờ giấy bạc một trăm nghìn loại tiền mới. Cậu cầm lấy vẻ mặt hớn hở, cám ơn vị khách. Vị khách đi rồi, cậu tần ngần nhìn theo tay mân mê tờ giấy bạc. Bỗng nhiên, cậu hớt hơ hớt hải đuổi theo vị khách. Vừa chạy cậu vừa kêu to:
    – Chú gì ơi! Chờ cháu với! Chú trả dư tiền cho cháu một trăm ngàn nè!
    Ông khách dừng lại, cảm động xoa đầu cậu nói:
    – Cảm ơn cháu! Cháu là một đứa trẻ thật thà, trung thực. Chú tặng luôn cho cháu đấy!
    – Không, cháu không nhận đâu. Chú mua giùm cháu nhiều như thế là cháu cảm ơn rồi.
    Chuyện về cậu bé bán vé số là thế. Tuy nghèo nhưng cậu không tham lam. Đó là một phẩm chất đáng quý, đáng trân trọng mà em cần học tập từ cậu bé bán vé số.