Kinh Tế Vi Mô - Chương 6 - Bài 4: Chiến lược phân biệt giá của doanh nghiệp độc quyền

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết

    Nhằm chiếm đoạt thặng dư của người tiêu dùng và biến nó thành lợi nhuận tăng thêm, doanh nghiệp độc quyền áp dụng giá cả phân biệt cho các nhóm khách hàng mà phản ứng của họ khác nhau khi giá cả thay đổi. Các dạng phân biệt giá như phân biệt giá cấp một, phân biệt giá cấp hai, phân biệt giá cấp ba, phân biệt giá theo thời điểm, giá 2 phần, bán gộp, bán ràng buộc...

    1. Phân biệt giá cấp một


    Doanh nghiệp độc quyền sẽ định giá khác nhau cho mỗi khách hàng, đúng bằng giá tối đa mà người tiêu dùng sẵn lòng trả (giá dành trước) cho mỗi sản phẩm, đây là dạng phân biệt giá cấp một.
    Ta xem phân biệt giá cấp một tác động như thế nào đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
    • Khi áp dụng một mức giá, đường cầu và đường doanh thu biên của doanh nghiệp là D và MR. Để tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp sản xuất ở sản lượng Q1, tại đó: MC = MR, ấn định giá bán là P1.
    01.jpg

    Tổng lợi nhuận đạt được \(\Pi_\text{max} = \sum(MR - MC)_i = \int JNI\)
    • Khi áp dụng phân biệt giá cấp một: Mỗi khách hàng phải trả giá đúng bằng giá tối đa sẵn lòng trả cho từng sản phẩm, thì doanh thu biên đúng bằng mức giá tối đa sẵn lòng trả của từng sản phẩm, nên đường doanh thu biên (MR) trùng với đường cầu (D).
      Để đạt lợi nhuận tối đa, doanh nghiệp độc quyền sẽ gia tăng sản lượng bán đến Q2, tại đó: MC = MR.
    Tổng lợi nhuận đạt được \(\Pi_\text{max} = \sum(MR-MC)_i = \int JNB\)
    Lợi nhuận tăng thêm là diện tích JIB
    Như vậy, khi doanh nghiệp độc quyền áp dụng phân biệt giá cấp một, lợi nhuận cao hơn so với khi áp dụng một mức giá vì toàn bộ thặng dư của người tiêu dùng trở thành lợi nhuận tăng thêm của doanh nghiệp.
    Để áp dụng phân biệt giá cấp một, đòi hỏi số lượng khách hàng phải tương đối ít, và doanh nhiệp hiểu rõ khách hàng.

    2. Phân biệt giá cấp hai


    Đối với một số mặt hàng, ví dụ như điện, nước, điện thoại, phương tiện taxi..., mỗi khách hàng thường mua nhiều đơn vị sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định.
    Trong trường hợp này, doanh nghiệp độc quyền sẽ áp dụng các mức giá khác nhau cho những khối lượng sản phẩm khác nhau, được gọi là phân biệt giá cấp hai.
    • Khi áp dụng một mức giá: doanh nghiệp sẽ sản xuất ở sản lượng Q*, tại đó: MC = MR, định giá bán là P* ( hình 6.12)
    • Khi áp dụng phân biệt giá cấp hai:
      • Với sản phẩm khối I: định giá là P1
      • Với sản phẩm khối II: định giá là P2
      • Với sản phẩm khối III: định giá là P3
    02.jpg

    Phân biệt giá cấp II có hai xu hướng:
    • Nếu khuyến khích sử dụng: khối lượng sản phẩm hay dịch vụ sử dụng càng nhiều thì giá ngày càng giảm: P1 > P2 > P3, được minh họa trên đồ thị 6.12.
    Ví dụ 5: Giá cước dịch vụ điện thọai di động, giá cước taxi...
    Nếu hạn chế sử dụng: khối lượng sản phẩm hay dịch vụ sử dụng càng nhiều thì giá ngày càng cao: P1 < P2 < P3
    Ví dụ 6: Giá điện, giá nước
    Phân biệt giá cấp II sẽ làm lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên và thặng dư của người tiêu dùng cũng tăng lên.

    3. Phân biệt giá cấp ba


    Trước hết doanh nghiệp sẽ phân chia thị trường thành những tiểu thị trường theo thu nhập, theo giới tính hay tuổi tác,.. Rồi định giá khác nhau cho các tiểu thị trường, sao cho doanh thu biên giữa các thị trường phải bằng nhau và bằng doanh thu biên chung:
    MR1 = MR2 = .... = MRn= MRT (6.13)
    Đường doanh thu biên chung (MRT) phản ảnh tổng số sản phẩm mà doanh nghiệp có thể bán (QT) trên tất cả các thị trường ở mỗi mức doanh thu biên chung; được tổng cộng theo hoành độ các đường doanh thu biên của các tiểu thị trường:
    QT = Q1 + Q2 với MR1 = MR2 = MRT
    Ví dụ 7: Doanh nghiệp có 2 thị trường tiêu thụ được minh họa trên đồ thị 6.13:
    Hàm cầu của thị trường I: P1 = - 5Q1 + 3.000
    Hàm doanh thu biên của thị trường I: MR1 = -10Q1 + 3.000
    \(\rightarrow\) Q1 = (-1/10)MR1 + 300
    Hàm cầu của thị trường II: P2 = (-5/4)Q2 + 2.000
    Hàm doanh thu biên của thị trường II: MR2 = (-5/2)Q2 + 2.000
    \(\rightarrow\) Q2 = (-2/5)MR2 + 800
    \(\rightarrow\) QT = Q1 + Q2 = [(-1/10)MR1 + 300] + [(-2/5)MR2 + 800]
    QT = [(-1/2)MRT + 1.100
    \(\rightarrow\) MRT = -10QT + 3.000 (Q \(\leq\) 100)
    MRT = -2QT + 2.200 (Q >100)
    • Nếu doanh nghiệp cần bán Q = 100 đơn vị sản phẩm: doanh nghiệp nên bán toàn bộ sản phẩm trên thị trường I với giá bán P = 2.500 đvt.
      (Tại Q = 100 đvsp thì MRT= 2.000 đvt; MR1 = MR2 = MRT= 2.000 đvt, thì 100 đvsp, Q2 = 0)
    • Nếu doanh nghiệp cần bán QT = 600 đvsp: thì doanh nghiệp nên bán Q1 = 200 đvsp trên thị trường I với giá bán P1 = 2.000 đvt, và bán trên thị trường II là Q2 = 400 đvsp với giá bán là P2 = 1.500 đvt.
      (Tại Q = 600 đvsp thì MRT = 1.000 đvt; MR1 = MR2 = MRT = 1.000 đvt, thì Q1 = 200 đvsp và Q2 = 400 đvsp)
    • Quan sát đồ thị 6.13, chúng ta tìm hiểu tại sao doanh nghiệp lại định giá bán sản phẩm trên thị trường I cao hơn giá bán trên thị trường II.
      03.jpg
      • Thị trường I: biểu thị bằng đường cầu D1, đường doanh thu biên MR1, độ co giãn của cầu theo giá là ED1, giá bán là P1.
      • Thị trường II: biểu thị bằng đường cầu D2, đường doanh thu biên MR2, độ co giãn của cầu theo giá là ED2, giá bán là P2.
      • Giả sử độ co giãn của cầu theo giá trên thị trường I nhỏ hơn thị trường II: |ED1| < |ED2|
    Mối quan hệ giữa giá và doanh thu biên được thể hiện qua công thức:
    \(MR_1 = P_1(1-\frac{1}{|E_\text{D1}|}) \text{ & } MR_2 = P_2(1-\frac{1}{|E_\text{D2}|})\)
    Nguyên tắc định giá cấp ba:
    MR1 = MR2
    \(P_1(1-\frac{1}{|E_\text{D1}|}) = P_2(1-\frac{1}{|E_\text{D2}|})\)
    \(\implies \frac{P_1}{P_2} = \frac{(1-\frac{1}{|E_\text{D2}|})}{(1-\frac{1}{|E_\text{D1}|})}\)
    \(\implies P_1 > P_2 \text{ khi } |E_\text{D1}| < |E_\text{D2}|\)
    Như vậy trong chiến lược phân biệt giá cấp ba, thị trường nào co giãn ít hơn thì giá bán sẽ cao hơn thị trường kia và ngược lại.
    Để tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp sẽ sản xuất QT (tại QT có MRT = MC, với QT = Q1 + Q2) (hình 6.13).

    4. Phân biệt giá theo thời điểm và định giá cho lúc cao điểm

    Phân biệt giá theo thời điểm là một hình thức phân biệt giá cấp III, người tiêu dùng được chia thành những nhóm khác nhau có hàm số cầu khác nhau, rồi định giá khác nhau ở những thời điểm khác nhau cho từng nhóm khách hàng. Thoạt đầu, ấn định giá cao cho nhóm khách hàng có nhu cầu cao về sản phẩm và không muốn phải chờ đợi lâu. Sau đó giá bán sẽ giảm dần theo thời gian để hấp dẫn thị trường đại chúng, như
    Ví dụ 8: giá bán máy vi tính, điện thọai di động, đĩa CD...
    Trên đồ thị, D1 là đường cầu (co giãn ít) của một số ít người tiêu dùng có nhu cầu cao về sản phẩm. D2 là đường cầu (co giãn nhiều) của số đông người tiêu dùng sẵn sàng bỏ qua sản phẩm nếu giá cả quá cao. Trong trường hợp này, chiến lược là ban đầu định giá cao P1 với sản lượng cho nhóm khách hàng có đường cầu D1. Sau đó hạ giá xuống P2 với sản lượng Q2 cho nhóm khách hàng đông đảo có đường cầu D2...

    04.jpg
    • Định giá cho lúc cao điểm: là một hình thức phân biệt giá theo thời điểm dựa theo hiệu quả, định giá cao hơn trong thời gian cao điểm, thì có lợi cho doanh nghiệp so với định một giá duy nhất cho mọi thời gian. Định giá cho lúc cao điểm khác với phân việt giá cấp ba là giá cả và số lượng bán ra trong mỗi đơn vị thời gian có thể xác định độc lập với nhau, đặt chi phí biên bằng doanh thu biên trong mỗi thời gian ấy.
    Trên đồ thị 6.15a:
    • Lúc thấp điểm: được biểu hiện bằng đường cầu D1 và đường MR1. Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ sản xuất Q1 sản phẩm, tại đó MC = MR1, định giá là P1.
      05.jpg
    • Lúc cao điểm: được thể hiện bằng đường D2 và MR2, doanh nghiệp sẽ sản xuất Q2 sản phẩm, tại đó MC = MR2, và định giá cao hơn là P2.
    Ví dụ 9: Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN đã áp dụng chiến lược định giá lúc cao điểm để tối đa hóa lợi nhuận: chẳng hạn giá điện bán lẽ cho kinh doanh từ 22 kV trở lên: Giờ cao điểm là 3.699 đồng/kWh; giờ bình thường là 2.125 đồng/kWh; giờ thấp điểm là 1.185 đồng/kWh.

    5. Bán gộp


    Khi nhu cầu các sản phẩm là không đồng nhất và có mối tương quan nghịch, doanh nghiệp độc quyền sẽ áp dụng bán gộp: bán gộp thuần túy, bán gộp hỗn hợp.

    5.1 Bán gộp thuần túy


    Khi hai hay nhiều sản phẩm khác nhau được bán trọn gói.
    Ví dụ 10: giá 2 sản phẩm A và B được bán chung với nhau:
    P(A+B) = 30$

    5.2 Bán gộp hỗn hợp


    Sản phẩm có thể được bán riêng biệt hay trọn gói tùy theo sở thích của người mua.
    Ví dụ 11: sản phẩm A và B có thế bán riêng rẻ hay gộp chung: PA = 12$; PB = 22$ hay P(A+B) = 30$.
    Các tiệm ăn bán cơm phần hay cơm món là một dạng bán gộp hỗn hợp.

    6. Giá 2 phần


    Giá 2 phần là kỹ thuật định giá nhằm chiếm đoạt thặng dư của người tiêu dùng.
    Giá gồm có 2 phần:
    • Người tiêu dùng phải trả trước một lệ phí vào cửa để có quyền mua sản phẩm.
    • Người tiêu dùng trả lệ phí sử dụng cho mỗi đơn vị sản phẩm sử dụng.
    Ví dụ 12: Giá 2 phần được áp dụng ở các khu vui chơi giải trí, thuê bao điện thoại di động, tham gia câu lạc bộ quần vợt...
    Nếu chỉ có một người tiêu dùng duy nhất, giá 2 phần được áp dụng:
    • Đặt lệ phí vào cửa là T* bằng toàn bộ thặng dư tiêu dùng.
    • Đặt giá sử dụng cho mỗi sản phẩm là P*= MC (hình 6.15.b)
    Nếu có 2 người tiêu dùng có đường cầu tương ứng D1 và D2.
    • Đặt lệ phí vào cửa T* bằng thặng dư của người tiêu dùng có nhu cầu nhỏ hơn.
    • Đặt giá sử dụng là P* > MC (hình 6.15c).
    06.jpg

    7. Bán ràng buộc


    Áp dụng cho các sản phẩm hay dịch vụ bổ sung cho nhau, nghĩa là sản phẩm thứ nhất không thể sử dụng nếu không có sản phẩm thứ hai kèm theo.
    Ví dụ 13: máy cạo râu của hãng Gillette thì phải sử dụng đúng lưỡi dao của hãng ấy sản xuất mới sử dụng được.

    8. Quy tắc định giá của doanh nghiệp độc quyền

    Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp luôn sản xuất theo nguyên tắc: MC = MR, mà MR = P[1 - 1/(Ed)]
    \(\implies MC = P(1-\frac{1}{|E_D|})\)
    \(\implies P = \frac{MC}{1-\frac{1}{|E_D|}}\) (6.14)
    Như vậy, doanh nghiệp độc quyền có thể định giá sản phẩm dựa vào chi phí biên và hệ số co giãn của cầu (Ed).
    Ví dụ 14: Doanh nghiệp có chi phí biên MC = 100 đvt, Ed = - 2, thì doanh nghiệp sẽ định giá bán sản phẩm P = 200 đvt.

    9. Đo lường mức độ độc quyền


    Để đo lường mức độc quyền, người ta sử dụng 2 loại hệ số: hệ số Lerner và hệ số Bsin

    9.1 Hệ số Lerner (L)


    Hệ số Lerner phản ánh tỷ lệ phần trăm chi phí biên nhỏ hơn mức giá sản phẩm, được xác định theo công thức:
    \(L = \frac{P-MC}{P} = \frac{1}{|E_D|}\) (6.15)
    Độ co giãn của cầu theo giá càng lớn, thì thế lực độc quyền càng giảm.
    Trong thị trường cạnh tranh hoàn toàn P = MC \(\implies\) L = 0, thể hiện doanh nghiệp cạnh tranh hoàn toàn không có thế lực thị trường.
    Trong thị trường độc quyền P > MC \(\implies\) L > 0: hệ số L càng lớn, thế lực thị trường càng lớn.

    9.2 Hệ số Bsin (B)


    Hệ số Bsin (B) phần ánh tỷ lệ phần trăm chi phí trung bình nhỏ hơn mức giá sản phẩm, được xác định theo công thức:
    \(B = \frac{P-AC}{P}\) (6.16)
    Xét trong dài hạn, trong thị trường cạnh tranh hoàn toàn:
    P = LAC \(\implies\) B = 0
    Trong thị trường độc quyền: P > LAC \(\implies\) B > 0