Lịch Sử Văn Minh Thế Giới - Chương 7 - Bài 3: Văn hóa Tây Âu thời Phục Hưng

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết

    Từ thế kỉ XIV, ở Ý bắt đầu xuất hiện một phong trào văn hóa mới, rồi đến nửa sau thế kỉ XV, phong trào ấy lan sang các nước Tây Âu khác như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Nêđéclan và được gọi là phong trào Phục hưng (Renaissance).

    1. Điều kiện lịch sử


    Điều kiện chủ yếu dẫn đến sự ra đời của phong trào Văn hóa Phục hưng là do sự xuất hiện quan hệ tư bản chủ nghĩa. Trong khi đó, những thành tựu về văn hóa từ thế kỉ XI-XIII còn xa mới đáp ứng được nhu cầu của giai cấp tư sản mới ra đời, đồng thời cho đến lúc bấy giờ, tư tưởng tình cảm con người vẫn bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng khắt khe của giáo hội Thiên chúa. Do vậy giai cấp tư sản cần phải có hệ tư tưởng và nền văn hóa riêng để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình và để đấu tranh với hệ tư tưởng lỗi thời của giáo hội và của giai cấp quý tộc phong kiến đang cản trở sự phát triển của xã hội.
    Còn Ý sở dĩ trở thành quê hương đầu tiên của phong trào Văn hóa phục hưng là vì:
    • Tuy bị phân tán về chính trị nhưng do những điều kiện thuận lợi về địa lí, quan hệ tư bản chủ nghĩa ở đây ra đời sớm nhất. Từ thế kỉ XIV, ở miền Bắc Ý đã có nhiều thành phố rất phồn thịnh và đã lập thành những nước cộng hòa thành thị như: Phirenxê, Vênêxia, Giênôva v.v..., trong đó Phirenxê chủ yếu phát triển về công nghiệp, còn Vênêxia và Giênôva chủ yếu phát triển về thương nghiệp.
    Thành phố Phirenxê có hơn 300 xí nghiệp len dạ, trong đó thuê rất nhiều thợ làm việc. Đó là những công trường thủ công tư bản chủ nghĩa. Ngoài các nhà tư sản công thương nghiệp, ở Phirenxê còn có hơn 100 chủ ngân hàng.
    Vênêxia là một thành phố công thương nghiệp rất nổi tiếng ở châu Âu. Đặc biệt sau các cuộc viễn chinh của quân Thập tự, Vênêxia đã giàu mạnh rất nhanh chóng. Vênêxia có 3.000 chiếc thuyền buôn với khoảng 30.000 thủy thủ thường xuyên tung hoành trên Địa Trung Hải để chuyên chở các mặt hàng như tơ lụa, hồ tiêu, quế, đường... của phương Đông sang bán cho các nước, ở phương Tây. Đồng tiền vàng đucát của Vênêxia được sử dụng khắp toàn châu Âu. Bên cạnh thương nghiệp, các ngành công nghiệp như dệt tơ, đóng thuyền, làm đồ thủy tinh... cũng rất nổi tiếng.

    Giênôva cüng là một thành phố thương nghiệp quan trọng và là đối thủ của Vênêxia trong lĩnh vực buôn bán. Đến thế kỉ XV, ngân hàng thánh Gioóc ở đây đã phát hành giấy bạc đầu tiên và được thông dụng trên khắp thị trường châu Âu.
    • Ý vốn là quê hương của nền văn minh La Mã cổ đại, do đó cho đến thời bấy giờ, ở đây còn giữ lại được nhiều di sản văn hóa về các mặt kiến trúc, điêu khắc, văn học... Vì vậy, hơn ai hết, các nhà văn nghệ sĩ Ý đã kế thừa được truyền thống văn hóa rực rỡ của đất nước mình. Đến thế kỉ XIV, XV khi về mặt kinh tế xã hội có những biến đổi quan trọng, họ đã có điều kiện để làm sống lại và phát triển những thành tựu văn hóa ấy.
    • Do kinh tế phát triển, trong các nước cộng hòa, thành thị ở Ý đã xuất hiện một tầng lớp rất giàu có. Để phô trương cho sự giàu sang của mình, họ đã xây dựng nhiều lâu đài tráng lệ được trang sức bằng những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Tình hình đó đã có tác dụng khuyến khích rất lớn đối với sự sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ mà trước hết là đối với các họa sĩ và các nhà điêu khắc.
    Hơn nữa, các nhà văn nghệ sĩ lúc bấy giờ còn nhận được sự bảo trợ của những người đứng đầu các nhà nước như họ Mêđixi ở Phirenxê, họ Gôndagơ (Gonzague) ở Mantu, họ Môntêphentơrô (Montefeltro) ở Uốcbinô, họ Extê ở Fera (Ferrare), họ Aragôn ở Naplơ, thậm chí cả các giáo hoàng Xixtơ IV, Giulơ II, Lêô X, và Phaolô III ở La Mã nữa. Nhờ vậy họ càng có điều kiện tập trung trí tuệ và tài năng của mình vào công việc lao động sáng tạo.
    Đến thế kỉ XV và nhất là thế kỉ XVI chủ nghĩa tư bản cũng ra đời ỏ Anh và tiếp đó là ở các nước Tây Âu khác như Pháp, Tây Ban Nha, Nêđéclan, Đức... Vì vậy, phong trào Văn hóa phục hưng có điều kiện phát triển sang các nước Tây Âu khác.

    2. Những thành tựu chính


    Là một bước nhảy vọt về văn hóa, phong trào Văn hóa phục hưng đã đạt được những thành tựu rực rỡ về mọi mặt, đặc biệt là về văn học nghệ thuật.
    2.1 Văn học

    Nền Văn học thời Phục hưng về cả ba thể loại thơ, tiểu thuyết và kịch đều có những tác phẩm có giá trị gắn liền với tên tuổi nhiều tác giả nổi tiếng.
    Thơ:
    Nhà thơ nổi tiếng nhất đồng thời là người mở đầu cho phong trào Văn hóa Phục hưng là Đantê (1265-1321). Đantê xuất thân trong một gia đình kị sĩ suy tàn ở Phirenxê, cha ông là một luật sư. Đantê không chống tôn giáo nhưng căm ghét giáo hội và giáo hoàng, mong muốn nước Ý được thống nhất. Lúc bây giờ ở Phirenxê đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa đảng Trắng (phái ủng hộ vua) và đảng Đen (phái ủng hộ giáo hoàng). Đantê tham gia đảng Trắng và năm 1300 được bầu làm một quan chấp chính của Phirenxê. Nhưng mới được hai tháng thì đảng Trắng thất bại, ông bị trục xuất khỏi Phirenxê và phải sống lưu vong ở các thành thị miền Nam Ý cho đến khi chết.
    • Tác phẩm trong thời kì đầu của ông là Cuộc đời mới. Đây là tác phẩm Đantê viết để tưởng nhớ người bạn gái thời thơ ấu của ông là Bêatơrít (Beatrice). Bêatơrít là một cô gái ngây thơ xinh đẹp mà ngay từ hồi mới 9 tuổi ông đã đem lòng yêu mến, nhưng về sau vì rụt rè, nàng tưởng ông không yêu nên đi lấy chồng và chẳng may chết sớm. Ông hết sức ân hận và thương xót nên viết tác phẩm này.
    • Tác phẩm lớn nhất của Đantê là Thần khúc (La Divine comédie). Tác phẩm này ông đã viết trong suốt 20 năm sống lưu vong, cho đến khi chết cũng chưa hoàn thành trọn vẹn. Toàn bộ tập thơ gồm 100 chương, ngoài chương lời tựa, nội dung chính chia làm ba phần là địa ngục, tĩnh giới (nơi rửa tội) và thiên đường, mỗi phần gồm 33 chương.
    Nội dung tác phẩm kể về một giấc mộng trong đó tác giả được nhà thơ nổi tiếng của La Mã cổ đại là Viếcgiliut dẫn đi xem địa ngục và tĩnh giới, tiếp đó được Bêatơrít dẫn đi xem thiên đường. Về hình thức "Thần khúc" giống như một tập trường ca kiểu cũ, trong đó dùng địa ngục và thiên đường làm bối cảnh và sử dụng nhiều điển tích thần học nhưng nội dung tư tưởng thì hoàn toàn mới.
    Ngoài Đantê còn có nhà thơ trữ tình Pêtơraca (1304-1374). Thi phẩm của ông là tập thơ ca ngợi tình yêu tặng nàng Lôra, người mà ông yêu suốt đời và trở thành bất tử trong thơ của ông. Tập thơ này được coi là mẫu mực của thơ trữ tình Ý.
    Tiểu thuyết:
    • Về lĩnh vực này trước hết phải kể đến Bôcaxiô (1313-1375), nhà văn Y được đặt ngang hàng với hai nhà thơ Đantê và Pêtơraca và được gọi chung là "Ba tác giả lỗi lạc". Tác phẩm nổi tiếng của ông là tập truyện ngắn Mười ngày (Decameron).
    Tác phẩm này gồm 100 câu chuyện do 3 chàng kị sĩ trẻ và 7 cô gái kể cho nhau nghe để đỡ buồn trong 10 ngày về sống tại một ngôi nhà ở nông thôn để tránh nạn dịch hạch xảy ra ở Phirenxê năm 1348. Bằng lối văn châm biếm dí dỏm, các câu chuyện ấy hoặc là kể lại những truyện trong thần thoại và truyền thuyết, hoặc là những câu chuyện của phương Đông, nhưng nhiều nhất là những câu chuyện khai thác trong xã hội đương thời, trong đó đề cập đến nhiều đối tượng như lái buôn, tu sĩ, giáo sĩ, quý tộc... "Mười ngày" của Bôcaxiô là một tác phẩm có tính chất vạch thời đại trong lịch sử văn học châu Âu.
    • Sau khi phong trào Văn hóa Phục hưng lan rộng sang các nước Tây Âu khác, ở Pháp và Tây Ban Nha đã xuất hiện hai nhà văn nổi tiếng, đó là Rabơle và Xécvăngtét.
      • Rabơle (Francois Rabelais 1494-1558) lúc còn nhỏ đi tu, sau ra khỏi tu viện học ngành y và khoa học tự nhiên, đã từng làm thầy thuốc. Ông còn tinh thông về các mặt văn học, triết học, pháp luật, thực vật học, kiến trúc. Tác phẩm chủ yếu của ông là tiểu thuyết trào phúng Gácgăngchuya Păngtagruyen nội dung như sau:
        Gácgăngchuya là một người khổng lồ. Vừa mới lọt lòng mẹ đã đòi "Uống". Người ta phải lấy sữa của 170.913 con bò cho uống mới đủ. Con của Gácgăngchuya là Păngtagruyen cũng là một người khổng lồ. Anh có một người bạn tên là Panuyếcgiơ. Sau khi đôi bạn này đi đánh thắng giặc ngoại xâm trở về, Panuyếcgiơ có một băn khoăn là có nên lấy vợ hay không. Không ai giải đáp được thắc mắc đó, hai người phải đi đến xứ Cate (Trung Quốc) để hỏi lọ nước thần.
        Chính trong cuộc hành trình ấy họ đã đặt chân tới nhiều xứ sở kì lạ như đến hòn đảo của những người chuyên giơ lưng chịu đấm để đòi tiền bồi thường, đến hòn đảo của các loài chim chỉ biết hót và ăn cho béo, lại đến hòn đảo của loài mèo xồm chuyên môn ăn hối lộ... Cuối cùng họ đã đến được ngôi đền "Lọ nước thần" và được nghe phán mỗi một tiếng "Uống!".

        Về bề ngoài, tác phẩm này có vẻ hoang đường, nhưng nội dung lại nói về những người thực, việc thực trong xã hội lúc bấy giờ. Đó là giáo hoàng, giáo sĩ, vua, quan, là cuộc sống lười biếng ăn bám, là những việc làm xấu xa đầy rẫy trong cuộc sống hàng ngày... Vì vậy đây là một tác phẩm hiện thực phê phán rất có giá trị.
      • Xécvăngtét (Miguel de Cervantes 1547-1616) là một nhà văn lớn và là người đặt nền móng cho nền văn học mới ở Tây Ban Nha. Xécvăngtét xuất thân từ một gia đình quý tộc sa sút, thời trẻ tính thích mạo hiểm, đã tham gia đánh quân Thổ Nhĩ Kì ở trận Lêpăngtơ ở Hi Lạp (năm 1571). Vì bị thương, ông bị bọn giặc biển bắt làm tù binh. Sau 5 năm ông trốn thoát được về quê hương, nhưng từ đó ông ngày càng nghèo túng, phải ra làm một chức quan nhỏ.
        Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, đồng thời cũng là một kiệt tác của nền văn học thế giới là Đông Kisốt (Don Quichotte).
        Nội dung như sau:
        Ông Kixana là một quý tộc nhỏ sa sút, người cao gầy, 50 tuổi vẫn chưa có vợ. Thế nhưng vì chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết, ông quyết định mình phải trở thành một hiệp sĩ đi ngao du khắp thiên hạ để dẹp mọi chuyện bất bình.
        Để chuẩn bị lên đường, Kixana tự đặt cho mình một cái tên quý tộc thật kêu là Đông Kisốt xứ Măngsơ, lại dụ dỗ được Xăngsô, một nông dân chất phác làm giám mã cho mình.
        Hơn nữa, để cho đấy đủ tiêu chuẩn của một kị sĩ, ông tôn thờ một cô thôn nữ làng bên mà ông chưa quen biết làm "bà chúa của lòng mình" và gọi nàng bằng một cái tên duyên dáng - nàng Đunxinê xứ Tôbôxô.
        Với bộ trang phục kị sĩ do tổ tiên để lại, Đông Kisốt cưỡi một con ngựa gầy cùng với Xăngsô béo lùn cưỡi một con lừa thấp lè tè bắt đầu bước vào con đường giang hồ. Từ đó Đông Kisôt có nhiều hành động vừa buồn cười, vừa đáng thương, như chiến đấu với cối xay gió vì tưởng đó là ma quỷ khổng lồ, đánh đàn cừu đang gặm cỏ vì tưởng đó là đoàn quân tà giáo..., và tất nhiên Đông Kisốt đều phải trả giá. Cuối cùng vì đấu kiếm thua hiệp sĩ Vừng Trăng, và theo lời cam kết ban đầu, Đông Kisốt buộc phải trở về quê cũ, chấm dứt cuộc đời giang hồ với những việc làm điên rồ của mình.

        Trong tác phẩm này, Đông Kisốt được miêu tả thành một người có phẩm chất cao quý, là kẻ bảo vệ tự do và chính nghĩa. Người nông dân Xăngsô cũng được khắc họa thành một người tuy có vẻ ngây ngô nhưng lại thông minh lanh lợi, chí công vô tư. Xây dựng một người nông dân thành một trong hai nhân vật chính của tác phẩm và gán cho nhân vật ấy những phẩm chất tốt đẹp như vậy, đó là điều rất hiếm lúc bấy giờ.
    Kịch:
    • Tác giả tiêu biểu của nghệ thuật kịch thời Phục hưng, đồng thời là người tiêu biểu cho nền văn hóa Anh thời kì này là Sếchxpia (William Shakespeare, 1564-1616). Trước Sếchxpia, việc diễn kịch trong dân gian ở nước Anh đã rất thịnh hành. Từ năm 1580 về sau, nghệ thuật kịch nói của Anh càng phát triển. Lúc bấy giờ, ở Luân Đôn chỉ có 20 vạn người mà có đến 8 rạp kịch.
    Kế thừa truyền thống của đất nước và tinh hoa của kịch Hi Lạp và La Mã cổ đại, Sếchxpia đã đưa nghệ thuật kịch lên tuyệt đỉnh. Trong 20 năm hoạt động sáng tác (1592-1612) Sếchxpia đã để lại 36 vở kịch gồm hài kịch (như các vở Đêm thứ mười hai, Theo đuổi tình yêu vô hiệu, Người lái buôn thành Vênêxia), bi kịch (như các vở Rômêô và Giuliét, Hămlét, Ôtenlô, Vua Lia, Mácbét...), kịch lịch sử như Risớt II, Risớt III, Henri IV...
    Trong các tác phẩm của mình, Sếchxpia đã đưa lên sân khấu các nhân vật thuộc tất cả các tầng lớp trong xã hội từ vua quan, tướng lĩnh, giáo sĩ, thương nhân cho đến con sen, thằng nhỏ... và đã đề cập đến nhiều mặt, nhiều mâu thuẫn phức tạp trong cuộc sống xã hội vào giai đoạn chế độ phong kiến đang suy tàn và chủ nghĩa tư bản bắt đầu xuất hiện.

    2.2 Nghệ thuật


    Cũng như văn học, Ý mà trước hết là Phirenxê là nơi xuất phát đầu tiên của nền nghệ thuật thời Phục hưng. Trong hai thế kỉ XIV và XV, nền nghệ thuật ở đây gắn liền với tên tuổi của các họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng như Giốttô (1266-1337), Maxasiô (1401-1428), Đônatenlô (1386-1466), Vêrôsiô (1435-1488), Bốttixenli (1444-1510) v.v...
    • Giốttô là người mở đầu cho xu hướng hiện thực chủ nghĩa trong hội họa, không những vì các nhân vật trong tranh sinh động mà còn vì họa pháp lập thể do ông thể hiện.
    • Maxasiô, mặc dầu chết yểu (27 tuổi), là người đã phát triển chủ nghĩa hiện thực trong hội họa thêm một bước, đồng thời là người phát hiện ra quy luật viễn cận. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Ađam và Evơ bị đuổi khỏi thiên đường.
    • Bốttixenli được gọi là "nhà thơ họa sĩ". Các tác phẩm Sự ra đời của thần Vênút, Mùa xuân... của ông mang đầy chất thơ nhờ nhân vật xinh đẹp, dịu dàng, màu sắc hài hòa...
    Đặc điểm chung của nghệ thuật hội họa thời kì này là tuy đề tài vẫn khai thác trong kinh thánh hoặc thần thoại, nhưng nội dung thì hoàn toàn hiện thực.
    Sang đầu thế kỉ XVI, nền nghệ thuật thời Phục hưng đạt đến đỉnh cao của nó. Những thành tựu tuyệt vời về hội họa và điêu khắc gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà danh họa mà trong đó nổi tiếng nhất là Lêônácđô đơ Vanhxi, Mikenlăngiơ và Raphaen.
    • Lêônácđô đơ Vanhxi (1452-1519) sinh ở thành phố Vinxi gần Phirenxê, xuất thân trong một gia đình trung lưu. Ông không những là một họa sĩ lớn mà còn là một người có kiến thức uyên bác về toán học, vật lí học, thiên văn học, địa lí học, giải phẫu học, triết học, âm nhạc, điêu khắc.
    Đặc điểm nghệ thuật hội họa của Lêônácđô đơ Vanhxi là thiên về mô tả tính cách và hoạt động nội tâm của nhân vật. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là Bữa tiệc cuối cùng, Đức mẹ đồng trinh trong hang đá, Nàng Giôcông.
    Bức tranh "Bữa tiệc cuối cùng", dựa vào câu chuyện trong bữa tiệc chia tay nhau, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ của mình rằng: "Trong các ngươi sẽ có một kẻ phản bội ta". Bức tranh đã thể hiện được nội tâm của các nhân vật dự tiệc khi nghe câu nói đó: người thì ngạc nhiên, người thì tức giận, người thì buồn bã, người thì biểu thị sự ngay thắng trung thực của mình... Đây là một bức tranh rất hoàn hảo về mô tả nhân vật, bố cục và màu sắc.
    "Nàng Giôcông" (Joconde) là bức vẽ một phụ nữ thị dân Phirenxê tên là Môna Lida. Trong tác phẩm này Vanhxi đã vẽ lên được cái vẻ đẹp đầy sức sống của một người đàn bà trẻ, trong đó đặc biệt nhất là cái mỉm cười kín đáo thể hiện sự sâu sắc của nội tâm.

    • Mikenlăngiơ (1475-1564) sinh ở Tôxcan (Ý), là một họa sĩ, một nhà điêu khắc nổi tiếng, đồng thời là một kiến trúc sư và là một thi sĩ.
      • Về hội họa, tác phẩm tiêu biểu của ông là Sáng tạo thế giớiCuộc phán xét cuối cùng.
        Bức tranh "Sáng tạo thế giới" vẽ trên trần nhà thờ Xixtin ở La Mã, trong đó có 343 nhân vật mà mỗi người đều lớn gấp mấy người thật và người nào cũng tỏ ra có một sức lực vô tận, do đó đã làm tăng thêm sự hùng vĩ của nhà thờ. Để vẽ bức tranh lớn này, Mikenlăngiơ đã phai nằm ngửa trên giàn giáo lao động suốt 4 năm trời (1508-1512).
        Còn bức tranh "Cuộc phán xét cuối cùng" thì vẽ trên tường nhà thờ Xixtin. Trong bức bích họa này, tác giả đã vẽ nhiều người chui từ trong mộ ra để nghe xét xử, họ tỏ ra rất đau khổ, quằn quại nhưng không biết làm thế nào. Ngay chúa Giêsu đứng trên trời cao cũng mất đi cái vẻ trang nghiêm vốn có mà tỏ ra đang vô cùng thương xót chúng sinh.
      • Về điêu khắc, các bức tượng Davit, Môidơ, Đêm, Người nô lệ bị trói v.v... là những tác phẩm tương đối tiêu biểu, đặc biệt là tượng Đavít tạc bằng đá cẩm thạch, cao 5,30 m. Khác với thần thoại trong kinh thánh, Mikenlăngiơ không thể hiện Đavít thành một thiếu niên mà thành một lực sĩ đầy sức mạnh. Vì vậy năm 1504, tượng này được dựng tại một quảng trường ở Phirenxê để thể hiện tinh thần của kẻ thống trị phải anh dũng bảo vệ thành phố.
      • Về kiến trúc, ông là người thiết kế đầu tiên nhà thờ Xanh Pie ở La Mã. Tuy công trình kiến trúc nổi tiếng này mãi đến năm 1626, tức là sau khi ông chết 62 năm, mới được hoàn thành, nhưng mái tròn của nhà thờ do ông thiết kế khác hẳn với mái nhọn kiểu Gôtích truyền thống.
    • Raphaen (1483-1520) cũng là một họa sĩ thiên tài của Ý. Tuy ông chết tương đối sớm (37 tuổi) nhưng ông đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như Cô gái làm vườn xinh đẹp, các bức tranh vẽ về thánh mẫu... Ông là một họa sĩ có sở trường về vẽ chân dung, đặc biệt là thể hiện được một cách sống động vẻ đẹp tươi tắn của các cô gái, vẻ hiển hậu dịu dàng của người mẹ và nét ngây thơ đáng yêu của các em bé.
    Ngoài Ý, từ thế kỉ XVI về sau, các nước Phlăngđrơ, Hà Lan, Đức, Pháp... cũng có nhiều họa sĩ nổi tiếng như Mátxít (Quentin Matsys) người Phlăngđrơ, Lucát đơ Lâyđơ người Hà Lan, Anbrết Đuyrê (Albrecht Diirer) người Đức, Lơ Nanh người Pháp v.v... Đề tài của các tác phẩm của họ thường là những cảnh đẹp trong thiên nhiên, những hoạt động trong đời sống hàng ngày của những con người bình thường mà bức tranh "Bữa ăn của những người nông dân " của Lơ Nanh là một ví dụ tiêu biểu.

    2.3 Khoa học tự nhiên và triết học


    Thời Phục hưng, các ngành khoa học tự nhiên và triết học cũng có những thành tựu lớn lao, trong đó đặc biệt quan trọng là về thiên văn học.
    • Nhà bác học lớn mở đầu cho một bước nhảy vọt về khoa học tự nhiên thời Phục hưng là Nicôla Côpécních (1473-1543). Ông vốn là một giáo sĩ người Ba Lan, nhưng qua nhiều năm nghiên cứu, ông đã nêu ra một thuyết về vũ trụ chống lại thuyết của nhà thiên văn học cổ đại Ptôlêmê đã ngự trị ở châu Âu suốt 14 thế kỉ. Plôtêmê cho rằng quả đất đứng yên ở trung tâm vũ trụ, mặt trời và các hành tinh quay xung quanh trái đất. Trái lại, Côpécních cho rằng trung tâm của vũ trụ không phải là trái đất mà là mặt trời, không phải mặt trời quay xung quanh trái đất mà trái đất tự quay xung quanh nó và quay xung quanh mặt trời; thể tích của quả đất nhỏ hơn thế tích của mặt trời rất nhiều. Phát hiện mới ấy của ông được trình bày trong tác phẩm Bàn về sự vận hành của các thiên thể. Tác phẩm này ông hoàn thành vào khoảng năm 1536, nhưng vì sợ bị giáo hội kết tội dị đoan nên mãi đến trước khi chết mấy hôm ông mới công bố (1543).
    • Người tích cực hưởng ứng học thuyết của Côpécních là nhà thiên văn học và là nhà triết học Y Gioócđanô Brunô (1548-1600). Ông cũng vốn là một giáo sĩ, nhưng trong khi giáo hội cấm lưu hành tác phẩm của Côpécních thì ông lại phát triển thêm một bước cho rằng vũ trụ là vô tận, mặt trời không phải là trung tâm của vũ trụ mà chỉ là trung tâm của Thái dương hệ chúng ta, ngoài ra còn có rất nhiều thái dương hệ khác, ông còn chứng minh rằng vật chất luôn luôn vận động, luôn luôn biến đổi và tồn tại vĩnh viễn.
    • Một nhà thiên văn học Ý khác là Galilê (1564-1642) tiếp tục phát triển quan điểm của Côpécních và Brunô. Ông là người đầu tiên dùng kính viễn vọng phóng to gấp 30 lần để quan sát bầu trời. Ông đã chứng minh rằng mặt trăng cũng là một hành tinh giống như quả đất, bề mặt của nó cũng có núi non gồ ghế chứ không phải nhẵn bóng. Ông còn phát hiện được thiên hà là do vô số vì sao tạo thành, giải thích được cấu tạo của sao chổi. Ông cũng là người mở đầu cho ngành khoa học thực nghiệm, phát hiện ra các định luật rơi thẳng đứng và dao động của các vật thể.
    • Đồng thời với Galilê, nhà thiên văn học Đức Kêplơ (Kepler, 1571-1630) đã phát minh ra ba quy luật quan trọng về sự vận hành của các hành tinh xung quanh mặt trời.
    Ngoài ra, các lĩnh vực khác như vật lí học, toán học, y học v.v... cũng có nhiều thành tựu quan trọng gắn liền với tên tuổi nhiều nhà bác học nổi tiếng. Những phát minh khoa học tương đối tiêu biểu trong số đó là hình học giải tích của nhà toán học Pháp Đêcáctơ (1596-1650), áp lực của chất lỏng của nhà vật lí học Ý Tôrixeli (1608-1647) thuật giải phẫu của nhà y học Nêđéclan Vêdalơ (Vésale, 1514-1564), sự tuần hoàn của máu của nhà y học Anh Havi (Harvey, 1578-1657) v.v...
    Trên cơ sở những thành tựu mối của khoa học tự nhiên, lĩnh vực triết học cũng có một bước tiến quan trọng. Người mở đầu cho trường phái triết học duy vật thời Phục hưng là Phranxít Bâycơn (Francis Bacon 1561-1626) nhà triết học người Anh. Ông rất đề cao nhà triết học duy vật Hi Lạp cổ đại Đêmôcrít, trái lại kịch liệt phê phán chủ nghĩa duy tâm của Xôcrát và Platông, công kích triết học kinh viện chỉ thích sùng bái quyền uy và tín ngưỡng ngẫu tượng.
    Ngoài ra còn có nhiều học giả nhờ giỏi cổ văn đã tập trung sức lực vào công việc khảo cứu mà trong đó tiêu biểu nhất là Vala (1407-1457) người Ý. Ông đã chứng minh được rằng "Bức thư trao tặng của hoàng đế Cônxtăngtinút" là một văn kiện giả do tòa thánh La Mã ngụy tạo ra từ thế kỉ IX. Nội dung của bức thư đó nói rằng khi dời đô sang Côngxtăngtinôplơ, hoàng đế Cônxtăngtinút đã nhường quyền thống trị Tây Âu cho tòa thánh La Mã. Nhưng Vala đã chỉ ra rằng, xét về mặt lịch sử, việc đó không thấy ghi chép ở bất cứ một tài liệu nào và về mặt ngôn ngữ thì trong bức thư có nhiều từ gốc Giécmanh mà thời Cônxtăngtinút chưa có.
    Tóm lại, sau gần 1.000 năm chìm lắng, đến thời Phục hưng, nền văn học Tây Âu đã có một bước tiến lớn lao và đã để lại nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật bất hủ và những thành tựu khoa học lỗi lạc.

    3. Nội dung tư tưởng và ý nghĩa


    3.1 Nội dung tư tưởng

    Phong trào Văn hóa phục hưng tuy có tiếp thu và kế thừa một số yếu tố trong nền văn hóa Hi Lạp và La Mã cổ đại nhưng thực chất đây không phải là một phong trào làm sống lại những di sản văn hóa cổ xưa mà là một phong trào văn hóa hoàn toàn mới dựa trên nền tảng kinh tế xã hội mới và được chỉ đạo bởi một hệ tư tưởng mới. Nói một cách khác, phong trào Văn hóa phục hưng là cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng của giai cấp tư sản mới ra đời nhằm chống lại những quan niệm lỗi thời ràng buộc tư tưởng tình cảm của con người và kìm hãm sự phát triển xã hội của phong kiến và giáo hội Thiên chúa.
    Tư tưởng chủ đạo của phong trào Văn hóa phục hưng là chủ nghĩa nhân văn (humanisme). Đó là hệ tư tưởng chú trọng đến con người, chú ý đến cuộc sống hiện tại, chủ trương cho con người được quyền hương mọi lạc thú ở đời, do đó nó hoàn toàn đối lập với quan niệm của giáo hội Thiên Chúa chỉ sùng bái Chúa, chỉ chú ý đến cuộc sống của linh hồn sau khi chết ở Thiên đàng và đề xướng chủ nghĩa cấm dục.
    Dưới sự chỉ đạo của hệ tư tưởng mới ấy, tính chất cách mạng của phong trào Văn hóa phục hưng thể hiện ở các mặt sau đây:
    • Lên án, đả kích, châm biếm sự tàn bạo dốt nát, giả nhân giả nghĩa của các giáo sĩ từ giáo hoàng đến các tu sĩ và của giai cấp quý tộc phong kiến.
    Đây là một nội dung tư tưởng được thể hiện trong hầu hết các tác phẩm văn học thời Phục hưng. Ví dụ, trong "Thần khúc", Đantê đã đặt các nhân vật trong lịch sử hoặc đương thời ở thiên đường hay địa ngục trái hẳn với quan niệm của giáo hội. Chẳng hạn như theo giáo hội thì các giáo hoàng, giáo sĩ là những kẻ đại diện của Chúa, sau khi chết tất nhiên sẽ được lên thiên đàng, nhưng Đantê lại thấy họ ở địa ngục để vĩnh viễn chịu sự đày đọa ở đó, thậm chí giáo hoàng Bôniphaxơ VIII lúc bây giờ đang sống cũng đã được dành sẵn một chỗ trong lò lửa ở tầng địa ngục thứ sáu.
    Rabơle thì mượn các loài chim ở đảo Xonnăngtơ để ám chí giáo hoàng (chim chúa papơgô), hồng y giáo chủ (chim lông đỏ), giáo sĩ và tu sĩ (chim lông đen tuyền hoặc có khoang trắng) và lên án cả tập đoàn ấy chỉ biết hót và ăn cho béo.
    Trong tập "Mười ngày" Bôcaxiô đã thuật lại câu chuyện của một tu sĩ tên là Anbe giả và làm thánh Gabrien để lừa bịp cô gái Lidét xinh đẹp và mộ đạo nhưng cuối cùng, âm mưu của "đức thánh" bị lộ, qua đó để tố cáo sự sa đọa của các tu sĩ.
    Vở hài kịch "Theo đuổi tình yêu vô hiệu" của Sếchxpia chủ yếu cũng nhằm chế giễu thói đạo đức giả của các triết gia kinh viện. Những học giả kiêm giáo sĩ đáng kính này thề suốt đời xa rời cuộc sống trần tục chỉ chuyên tâm nghiên cứu nền triết học thần bí cao siêu của Chúa, nhưng khi họ vừa thấy công chúa nước Pháp và đám thị tì đến thì họ quên ngay lời thề, hăm hở theo đuổi, săn đón, cuối cùng họ phải thú nhận rằng, con mắt của đàn bà đẹp đẽ và hấp dẫn hơn bao tủ sách khô khan của khoa thần học.
    Đồng thời với việc phê phán giáo hội và các giáo sĩ, các nhà văn thời Phục hưng còn chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chế độ phong kiến và tầng lớp vua quan, Rabơle đã không hề kiêng nể khi nói rằng các vua chúa "là giống bò ngu ngốc chẳng có giá trị gì. Chúng chuyên làm hại dân lành ờ dưới quyền thống trị của mình và gây ra những cuộc chiến tranh náo động thế giới vì những tham vọng bất công và xấu xa của chúng". Còn các quan tòa thì bị ví như giống mèo xổm chuyên ăn thịt trẻ con (dân lành) và chuyên ăn của hối lộ.
    Vở kịch "Hămlét" của Sếchxpia cũng là một lời tố cáo đanh thép đối với xã hội phong kiến. Qua nhân vật của mình, tác giả đã đi đến nhận định rằng "thế giới là một nhà tù mà Đan Mạch là nhà tù ghê tởm nhất", vì ở đó tài trí, thông minh, tình yêu, đạo đức đều bị chà đạp, còn giai cấp thống trị toàn là bọn đê hèn, xảo quyệt, dâm đãng, phản bội, tàn bạo... Do vậy, Hămlét tự nhận thấy mình có sứ mạng phải ra tay chống lại thế giới phong kiến đầy rẫy tội ác để "khôi phục trật tự cho thời đại".
    Xécvăngtét thì qua tác phẩm "Đông Kisốt" của mình, chứng minh rằng xã hội phong kiến đã hoàn toàn lỗi thời, do đó một người dù có phẩm chất cao quý, một kẻ sẵn sàng làm việc nghĩa như nhà quý tộc già phá sản Kixara muốn tiếp tục sống cuộc đời kị sĩ giang hồ tức là muốn tiếp tục duy trì xã hội phong kiến thì chỉ làm trò cười và chuốc lấy thất bại mà thôi.
    Hơn nữa, Xécvăngtét còn đả kích mạnh mẽ vào quan niệm đề cao dòng máu quý tộc khi ông cho Đông Kisốt nói với Xăngsô rằng: Xăngsô ạ, ngươi phải lấy nguồn gốc nghèo nàn của ngươi làm vinh quang. Đừng có sợ nói cho mọi người biết mình xuất thân là nông dân... nghèo nàn mà có đạo đức còn hơn là quý tộc mà gian ác... dòng máu quý tộc thì cha truyền con nối, còn đạo đức thì tự mình mà có và đạo đức của con người giá trị gấp trăm nghìn lần dòng máu".

    • Chống lại quan niệm của giáo hội về con người và cuộc sống trần gian.
    Để chống lại quan niệm của giáo hội chỉ chú trọng thần linh và thế giới bên kia, coi nhẹ con người, đề xướng chủ nghĩa khổ hạnh, bóp chết tình cảm, kìm hãm tư tưởng và lí trí con người, các nhà nhân văn chủ nghĩa thời Phục hưng hết sức đề cao con người, cho con người là "vàng ngọc của vũ trụ", là một công trình tuyệt mĩ..., "trong hành động giống như thiên thần, về trí tuệ ngang tài thượng đế! Thật là vẻ đẹp của thế gian, kiểu mẫu của muôn loài!" (Sếchxpia).
    Cũng chính vì vậy, bất chấp sự cấm đoán của giáo hội, nhiều họa sĩ đã chú ý miêu tả vẻ đẹp của con người, nhất là vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ. Dưới các đề tài có tính chất thần thoại như "Sự ra đời của Vênút", "Vênút đang ngủ"... thực chất là các họa sĩ muốn thể hiện mục đích đó.
    Đồng thời với việc tán dương vẻ đẹp và đề cao trí tuệ, tài năng của con người, các văn nghệ sĩ thời Phục hưng chủ trương phải chú trọng đến quyền tự do của con người vì đó "là điều quý báu nhất của loài người. Những kho tàng trong lòng đất hay dưới biển khơi cũng không quý bằng" (Xécvăngtét). Đồng thời, con người phải được giáo dục để phát triển một cách toàn diện, và phải được sống thoải mái, tận hưởng mọi lạc thú ở đời.
    Còn Rabơle thì thông qua cách tổ chức tu viện Têlem trong tác phẩm của mình để bày tỏ quan điểm giáo dục và nhân sinh quan của tác giả. Đó là một tu viện không có tường xây bọc kín xung quanh. Tu viện chỉ nhận những nam nữ thiếu niên xinh đẹp, khỏe mạnh, nở nang. Châm ngôn của tu viện là "muốn làm gì thì làm". Ngày tháng trong tu viện không phải trôi qua trong cảnh tĩnh mịch, hiu quạnh mà trái lại đó là những ngày vui tươi và được chơi đùa thỏa thích. Tu viện được trang hoàng lộng lẫy bằng những công trình tuyệt tác, trong tu viện có nhà hát, bể bơi, trường đua ngựa, vườn hoa, rừng cây để dạo mát và săn bắn.
    Phía ngoài phòng của nữ tu sĩ có sẵn thợ trang điểm cho các nam tu sĩ trước khi họ vào thăm nữ tu sĩ. Sáng sáng các nữ tu sĩ được cấp một lư trầm ngào ngạt và đủ các loại nước hoa thơm ngát.
    Các nam nữ tu sĩ được tu viện cho học một chương trình văn hóa toàn diện, biết nói năm, sáu loại ngoại ngữ. Họ không phải ở suốt đời trong tu viện mà có thể tùy ý hoặc do yêu cầu của cha mẹ có thể rời tu viện bất cứ lúc nào và có thể mang theo một người bạn tình để xây dựng gia đình.
    Rõ ràng đó là một cách nói khác để phản đối chủ nghĩa cấm dục, chủ nghĩa khổ hạnh của giáo hội và thậm chí muốn phá bỏ chế độ tu kín.

    • Chống những quan điểm phản khoa học và chủ nghĩa duy tâm.
    Đây chủ yếu là cống hiến của các nhà khoa học và triết học. Những phát hiện của các nhà thiên văn học như Côpécních, Brunô, Galilê... đã đánh đô hoàn toàn quan niệm sai lầm của giáo hội về vũ trụ đã ngự trị lâu đời ở châu Âu.
    Côpécních trong khi chỉ ra những sai lầm của các nhà thiên văn học được giáo hội ủng hộ đã tuyên bố một cách đầy thách thức rằng:
    "Nếu có những người không biết gì về toán học, chỉ dựa vào kinh thánh để giải thích quanh co mà kịch liệt công kích tác phẩm của tôi thì tôi cũng không cần để ý tới. Tôi cho rằng chủ trương của họ không những nhảm nhí mà còn đáng xấu hô".
    Galilê thì phát hiện ra rằng thiên hà là do vô số vì sao tạo nên và như vậy không phải là do Chúa trời sáng tạo ra để chiếu sáng cho mặt đất.
    Đồng thời bước phát triển mới của triết học duy vật dựa trên những phát minh của khoa học tự nhiên đã giáng những đòn quyết định vào thần học và triết học kinh viện. Cả hai lĩnh vực này đã làm lung lay quyền uy về tư tưởng và lí luận của giáo hội, làm cho quần chúng giảm lòng tin đối với các tín điều của đạo Thiên chúa.

    • Đề cao tinh thần dân tộc, tình yêu đối với Tổ quốc và tiếng nói của nước mình.
    Phong trào Văn hóa Phục hưng xuất hiện trong thời ki ra đời của quan hệ tư bản chủ nghĩa và đó cũng là thời kì diễn ra quá trình hình thành dân tộc ở Tây Âu. Vì vậy, đồng thời với việc chống phong kiến và giáo hội, các nhà nhân văn chủ nghĩa đã hết sức tán dương tình yêu đối với đất nước và đồng bào của mình. Chính xuất phát từ tinh thần đó, Makiaven (1469-1527), nhà sử học kiêm nhà văn Ý đã viết những lời hết sức nồng nhiệt đối với Tổ quốc như sau:
    "Mỗi lần có thể đề cao thanh danh cho Tổ quốc, mặc dù có nguy nan cho bản thân, tôi vẫn không ngần ngại và tự nguyện làm. Trong đời sống của mỗi người, nghĩa vụ đối với Tổ quốc là vĩ đại nhất. Đời sống của mình chính nhờ Tổ quốc mình mới được hưởng. Nhờ Tổ quốc mà ta được hưởng các của cải, quyền lợi của tạo hóa hay số mệnh ban cho. Tổ quốc càng vinh dự bao nhiêu thi vận mệnh chúng ta, con đẻ của Tổ quốc, càng huy hoàng bấy nhiêu...".
    Còn Đantê thì nói:
    "Tiếng nói của dân tộc là tiếng nói của tôi. Không phải tôi chỉ yêu tiếng nói của dân tộc mà tôi còn yêu dân tộc với tất cả tấm lòng chân thành”.
    Đantê không những chỉ yêu tiếng nói của dân tộc mình mà chính ông, qua các tác phẩm của mình đã làm phong phú thêm tiếng nói của dân tộc. Nhiều câu nói trong "Thần khúc" ngày nay đã trở thành thành ngữ hoặc ngạn ngữ.
    Rôngxa (1524-1585), nhà thơ Pháp, người đã có công xúc tiến việc dùng tiếng mẹ đẻ trong văn chương và xác định các luật thơ trong thơ ca Pháp, cũng nói:
    "Vì là tiếng mẹ đẻ của anh, anh lại cần phải biết nó một cách sâu sắc chu đáo hơn nữa... Ai là người rời bỏ tiếng cổ Hi Lạp, La Mã để tôn kính tiếng mẹ đẻ của mình, những người ấy là những người con tốt, là những công dân biết ơn Tổ quốc, những người ấy xứng đáng được đúc tượng và tặng hoa, tên tuổi và công đức được đời đời ghi nhớ".

    Ngoài những nội dung chủ yếu nói trên, một số nhà nhân văn chủ nghĩa thế kỉ XVI, tức là khi chủ nghĩa tư bản đã ra đời phổ biến ở Tây Âu như Xécvăngtét, Sếchxpia cũng đã bắt đầu thấy được xã hội quá đề cao vai trò của đồng tiền cũng không lấy gì làm tốt đẹp.
    Trong vở kịch "Rômêô và Giuliét", khi tình yêu bị ngăn trở, Rômêô đi mua thuốc độc để tự tử, anh đã nói với người bán hàng rằng:
    "Này vàng của anh đây, cầm lấy đi. Trên thế giới đáng thương này, cái chất này còn độc bằng mấy những chất độc mà anh không dám bán; nó giết hại bao tâm hồn con người. Đây, ta bán cho anh thuốc độc ấy đây chứ nào có phải anh bán cho ta đâu!".
    Trong "Timông ở Aten", Sếchxpia lại viết về thế lực lớn lao có thể đảo lộn mọi việc trên đời của đồng tiền như sau:
    "Vàng! Vàng kim, vàng óng ánh, vàng quý giá!... Chỉ bấy nhiêu đã đổi trắng thay đen, biến xấu thành đẹp, biến bất công thành công bằng, hèn hạ thành cao quý, già thành trẻ, khiếp nhược thành dũng cảm. Hỡi thần linh bất tử, cái ấy là cái gì? Cái ấy là cái khiến cho linh mục và đệ tử của ngài làm ngơ trước bàn thờ của ngài... Tên nô lệ màu vàng ấy xây dựng và phá hủy tôn giáo của ngài, làm cho kẻ độc ác được hưởng phúc lành, làm cho người ta tôn sùng những gì ghê tởm nhất, đặt kẻ trộm cắp lên ghế thượng nghị sĩ, ban chức tước danh vọng cho chúng và làm cho chúng được mọi người quy lụy. Cái ấy khiến cho mụ đàn bà góa già cỗi, tàn tạ trở thành cô dâu mới".

    Chính vì phong trào Văn hóa phục hưng thực chất là một phong trào cách mạng về văn hóa tư tưởng chống phong kiến và giáo hội nên đã gặp sự phản kích mạnh mẽ của giáo hội; không ít nhà văn, nhà khoa học, nhà triết học đã bị hãm hại bằng những hình thức khác nhau, trong đó Brunô, Galilê là những trường hợp tương đối điển hình.
    Vốn là một giáo sĩ nhưng đã tán thành và phát triển quan điểm thiên văn học của Côpécních, Brunô bị giáo hội cho là một kẻ tin theo tà thuyết nên phải chạy sang Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Đức nhưng ở đâu cũng bị phái bảo thủ hãm hại, bất đắc dĩ phải trở về Ý và bị cơ quan pháp luật bắt giam 8 năm và cuối cùng bị thiêu sống.
    Galilê thì bị bắt giải đến La Mã và bị đem ra xử trước một phiên tòa gồm 10 Hồng y giáo chủ. Trong bản án buộc tội nhà khoa học nổi tiếng này có đoạn viết:..
    "... Tên Galilê... bị tòa án nghi ngờ là tà giáo tức là nghi ngờ rằng ngươi đã tin và theo cái tà thuyết đối lập với kinh thánh, một tà thuyết cho rằng mặt trời là trung tâm của vòng quỹ đạo trái đất và mặt trời không chuyển động từ Đông sang Tây và rằng trái đất chuyên động chứ không phải là trung tâm của thế giới... do đó ngươi phải chịu tất cả mọi sự cải đổi và hình phật mà luật thánh và các bộ luật công và tư khác đã quy định và công bố... ".
    Kết quả là Galilê phải quỳ trước tòa án tuyên bố những quan điểm của mình là sai lầm và xin từ bỏ những luận điểm ấy. Tuy vậy ông vẫn bị giáo hội giam cầm đến nỗi hai tai bị điếc, hai mắt bị lòa và đến năm 1642 thì chết. Sau khi ông chết, giáo hội vẫn không cho làm lễ mai táng, mãi đến thế kỉ XIX, một số người kính phục ông mới chính thức tổ chức mai táng hài cốt của ông và dựng bia kỉ niệm. Đồng thời với việc trừng trị bản thân ông, tác phẩm khoa học của ông có nhan đề là Đàm thoại của Galilêô Galilê cũng bị cấm lưu hành.
    Ngoài ra, một số người khác cũng bị bỏ tù, trục xuất hoặc nhẹ nhất như Rabơle cũng bị rút phép thông công. Vì vậy Ăngghen viết:
    "Sát cánh với các vĩ nhân người Ý, thủy tổ của triết học cận đại, khoa học tự nhiên cũng đã phải cung cấp những người của nó cho cái lò thiêu và ngục tối của tòa án Tôn giáo".

    3.2 Ý nghĩa


    Là một phong trào cách mạng về văn hóa và tư tưởng, phong trào Văn hóa phục hưng có những ý nghĩa rất quan trọng:
    • Bằng tinh thần đấu tranh dũng cảm bất chấp lò thiêu và ngục tối của tòa án tôn giáo, các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa thời Phục hưng đã đánh bại hệ tư tưởng lỗi thời của phong kiến và giáo hội Thiên chúa, do đó đã giải phóng tư tưởng tình cảm con người khỏi mọi sự kìm hãm và trói buộc của giáo hội. Từ đó chủ nghĩa nhân văn với các nội dung nhân quyền, nhân tính, cá tính ngày càng giữ vai trò chi phối không những về văn học nghệ thuật mà cả trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
    • Sau một nghìn năm chìm đắm, phong trào Văn hóa phục hưng là một bước tiến diệu kì trong lịch sử văn minh ở Tây Âu. Các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, triết học đã đóng góp trí tuệ và tài năng tuyệt vời của mình vào phong trào văn hóa đó bằng những tác phẩm và công trình bất hủ, do đó đã làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của nhân loại. Hơn nữa những công trình văn hóa đó về nhiều mặt là chuẩn mực, là sự mở đầu cho đời sau noi theo, chẳng hạn như việc khai thác đề tài trong cuộc sống hiện thực, chú ý đến vẻ đẹp của con người nhất là của phụ nữ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, hoặc như việc phát minh ra cách vẽ tranh sơn dầu, luật viễn cận, luật sáng tối trên lĩnh vực hội họa, hoặc như những quan điểm mới về thiên văn học, những phát minh về y học v.v... Như vậy, phong trào Văn hóa phục hưng đã đặt cơ sở và mở đường cho sự phát triển của văn hóa Tây Âu trong những thế kỉ tới.