Man Utd luôn lập kỷ lục doanh thu hàng năm và nằm trong top đầu các CLB kiếm tiền nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên đến hiện tại, họ vẫn gánh khoản nợ gần 500 triệu bảng trên lưng. Vậy, rất nhiều tiền mà Man Utd kiếm được đã đi đâu hết? Theo báo cáo tài chính mà M.U công bố vào cuối tháng 9 vừa qua, họ đã đạt doanh thu kỷ lục là 590 triệu bảng trong năm tài khóa 2017-2018. Đây cũng là doanh thu cao nhất mà các CLB bóng đá trên thế giới từng có được. Cách đây 2 năm, M.U đã đi vào lịch sử khi trở thành CLB đầu tiên ở Anh cán mốc doanh thu 500 triệu bảng. Nhìn chung từ nhiều năm qua, M.U luôn luôn có doanh thu tăng dần đều và chưa bao giờ chịu thua lỗ. Các chuyên gia thường xuyên bị bất ngờ với sức mạnh thương hiệu của Quỷ đỏ, đặc biệt trong giai đoạn 5 năm vừa qua. Kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, thành tích sân cỏ của M.U đi xuống thê thảm nhưng ngược lại, họ vẫn kiếm tiền ngày một nhiều hơn. Thế nhưng, một điểm đáng chú ý khác là khoản nợ mà M.U đang phải gánh gần như không đổi so với thời điểm nhà Glazers chiếm quyền sở hữu cách đây 13 năm. Cụ thể, trong báo cáo tài chính mới nhất, M.U vẫn đang nợ đến 487 triệu bảng, không khác nhiều so với khoản nợ 525 triệu bảng mà họ phải chịu khi sang tên nhà Glazers vào năm 2005. Tính trung bình mỗi năm, M.U chỉ trả được…3 triệu bảng. Sở dĩ có chuyện này vì Quỷ đỏ phải thanh toán số tiền lãi cực lớn, lên đến 24 triệu bảng 1 năm. Trong những năm Sir Alex Ferguson tại vị dưới thời Glazers, M.U thường xuyên phải chi tiêu dè xẻn. Có rất ít mùa hè vị HLV huyền thoại người Scotland được “vung tay” đúng với sức mạnh tài chính mà CLB này luôn tự hào. Đáng kể nhất là năm 2009, Sir Alex chỉ được chi tiêu khoảng 20 triệu bảng mua Valencia, Gabriel Obertan và Michael Owen sau khi M.U bán Ronaldo với giá kỷ lục thế giới - 81 triệu bảng. Theo tính toán của The Guardian, nhà Glazers đã tiêu tốn… 1 tỷ bảng của M.U trong vòng 1 năm qua. Đó là số tiền mà CLB này phải bỏ ra để trả tiền lãi, tiền nợ, các loại chi phí và cả cổ tức cho các thành viên nhà Glazers. 6 anh chị em nhà Glazers hiện tại sở hữu chung 97% cổ phần M.U và được trả 18 triệu bảng cổ tức mỗi năm, bắt đầu từ 3 năm qua. Cũng trong thời gian này, Quỷ đỏ phải trả 65 triệu bảng cho các nhà đầu tư khác. Bên cạnh đó, CLB cũng sẽ gánh thêm khoản tiền lương không nhỏ cho các giám đốc và thành viên cấp cao, bao gồm cả 6 anh chị em nhà Glazers. Cụ thể ở mùa 2015-16, họ mất 11 triệu bảng. Mùa tiếp theo là 12 triệu bảng và mùa gần nhất là 13 triệu bảng. Năm ngoái, nhà Glazers thông qua công ty nắm giữ cổ phần của họ là Red Football đã bán 4,3 triệu cổ phiếu M.U ở Cayman Islands, với giá 13 bảng và kiếm về 56 triệu bảng. Trên thực tế, đây giống như hành động “bán máu” M.U của các tỷ phú người Mỹ. Tất nhiên, nhà Glazers cũng không đến nỗi chỉ ăn chứ không nhả cho M.U. Tính riêng 5 năm sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, Quỷ đỏ đã chi ra tổng cộng 775 triệu bảng mua sắm cầu thủ, trong đó dưới thời Mourinho là 400 triệu bảng. Thực chi (tiền mua cầu thủ - tiền bán cầu thủ) là 665 triệu bảng. Họ một lần phá kỷ lục thế giới (Paul Pogba năm 2016) và phá kỷ lục tiền lương ở Premier League (Alexis Sanchez năm 2018). Đó rõ ràng là con số không nhỏ. Thậm chí, M.U còn nằm trong top đầu các CLB chi tiêu mạnh tay nhất những năm vừa qua. Tuy vậy, Quỷ đỏ hiếm khi có thể vung tay bạt mạng như Paris SG, Man City hay Barcelona vì gánh nợ với nhà Glazers. Trong những kỳ chuyển nhượng điên rồ nhất, họ cũng chỉ được chi tiêu tối đa trong khoảng 150 triệu bảng. Mùa hè gần nhất, họ thậm chí chỉ thực chi 50 triệu bảng và phớt lờ một loạt yêu cầu của Mourinho, từ đó dẫn đến tình trạng bất ổn ở Old Trafford. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng của M.U hiện ra rõ ràng ở đây: Họ không thiếu tiền, nhưng chi tiêu thiếu hiệu quả và chỉ có một hạn mức nhất định (thường là 150 triệu bảng). Và khi đội hình có quá nhiều vị trí cần thay thế, cải thiện thì sự thiếu hiệu quả kéo dài của M.U trên thị trường chuyển nhượng khiến các HLV của họ, kể cả Mourinho cũng bất lực trong việc tìm đường trở lại đỉnh vinh quang. Đó cũng là lý do mà CLB này bắt đầu nghiêm túc tìm kiếm một giám đốc bóng đá - một chuyên gia chuyển nhượng thực thụ.