Man Utd đại khủng hoảng: Kỳ 1 - Vì ai, vì ai?

  1. Tác giả: LTTK CTV21
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Câu hỏi mà người hâm mộ Man Utd đau đáu nhất trong những năm qua là: Tại sao CLB của họ lại rơi vào khủng hoảng tệ hại đến như vậy sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu? Tại tầm ảnh hưởng của Sir Alex quá lớn, tại khả năng điều hành kém cỏi của ban lãnh đạo hay các cầu thủ và cả HLV không đủ tốt cho vị thế của Quỷ đỏ?

    Sẽ rất khó đưa ra một câu trả lời chính xác tuyệt đối cho cuộc khủng hoảng kéo dài ở Old Trafford. Hơn 5 năm kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu, 3 đời HLV mới cùng hàng trăm triệu bảng được chi ra, M.U vẫn tụt lại phía sau và không nhìn thấy tương lai sáng sủa. Từ thất vọng cùng cực với David Moyes, buồn tẻ với Van Gaal và căng thẳng, mệt mỏi với Mourinho, người M.U chỉ biết cách thở dài ngao ngán. Vậy, đâu là lý do khiến họ từ nhà vô địch nước Anh trở thành đội bóng không còn năng lực cạnh tranh danh hiệu lớn như bây giờ?
    181012_111132_750.jpg
    1. Không thể quy trách nhiệm cho Sir Alex Ferguson. Một số người đã bất ngờ quay lại đổ lỗi cho Sir Alex vì ông để lại bộ khung quá tệ cho người kế nhiệm. Đó là suy nghĩ sai lầm. Thực tế, huyền thoại người Scotland chỉ bắt buộc dừng lại sau mùa giải 2012-13 vì sức khỏe không cho phép. Tiếp đến, thay thế HLV và hỗ trợ người thay thế ông là việc của ban lãnh đạo đội bóng. Cuối cùng, bộ khung của M.U năm 2013 sẽ không tệ như người ta thấy nếu họ không rơi vào tay… David Moyes.
    Chính vì thế, lý do đầu tiên dẫn đến cuộc khủng hoảng kéo dài của M.U những năm qua là sự điều hành kém cỏi của lãnh đạo CLB này, mà đứng đầu là Ed Woodward. Về danh nghĩa, Woodward chỉ là phó chủ tịch điều hành, nhưng thực tế, ông là người quyền lực nhất ở Old Trafford khi các ông chủ M.U đều ở Mỹ và ít khi can thiệp vào chuyên môn của đội bóng.
    Vấn đề nằm ở chỗ, Woodward vốn là chuyên gia kinh tế chuyên ngành kế toán và đầu tư, ông gần như mù tịt về bóng đá. Trong kỳ chuyển nhượng đầu tiên thay quyền CEO David Gill năm 2013, Woodward thất bại toàn tập. Ông theo đuổi một loạt thương vụ lớn và ra về trắng tay. Cuối cùng, M.U chỉ chiêu mộ được Fellaini từ Everton và như thế là quá ít để HLV ít danh tiếng như David Moyes nắm được quyền lực trong phòng thay đồ CLB.
    Woodward-Gill-Ferguson-Mourinho.jpg
    Những mùa hè sau đó, công tác chuyển nhượng của M.U suôn sẻ hơn. Thế nhưng vấn đề mới lại nảy sinh: họ có xu hướng mua quá nhiều và bán quá ít, các tân binh tỏ ra không phù hợp với đội bóng, hay cụ thể là với các đời HLV trong khi một số cầu thủ mãi không lớn vẫn trụ lại CLB. Chưa kể, Ed Woodward giống như ông thợ đẽo cày giữa đường. Mỗi khi gặp chuyện, ông nhanh chóng thay đổi và tạo ra sản phẩm không rõ hình thù. Nó dẫn đến tình thế khó xử mà Mourinho phải chịu đựng trong mùa hè vừa qua, chỗ thừa vẫn thừa mà chỗ thiếu vẫn thiếu.
    2. Thế nhưng, đổ lỗi hoàn toàn cho Ed Woodward cũng không xác đáng. Xét công bằng, vị phó chủ tịch điều hành này cũng chỉ là người làm thuê cho gia đình nhà Glazers. Trong cơn hỗn loạn mà Old Trafford đang phải chịu đựng, nhà Glazers là chính là nguyên nhân chủ yếu. Chính sách nghiêng hẳn về lợi ích thương mại của các ông chủ người Mỹ khiến Quỷ đỏ khốn đốn.
    Theo thống kê của Guardian, Sheikh Mansour đã đầu tư hơn 1,3 tỷ bảng cho Man City kể từ khi tiếp quản đội bóng vào năm 2008 đến nay. Đó chỉ là tiền chuyển nhượng và trả lương cho các cầu thủ, và nó tương đương với những gì nhà Glazers bỏ ra thôn tính M.U cách đó 3 năm. Thay vì nhận được tiền đầu tư, mỗi năm M.U đều phải oằn mình trả nợ cho nhà Glazers. Nền tảng mà Sir Alex để lại cho người kế nhiệm vì thế không thể có được sự bền vững như người ta kỳ vọng.
    article-2610555-1D3E0CE500000578-249_634x455.jpg
    Cũng vì sự “khát nước” của nhà Glazers, một phó chủ tịch điều hành chỉ biết kiếm tiền như Ed Woodward vẫn được trọng dụng và được phép lạm quyền. Nó hoàn toàn khác xa với cách xây dựng, đầu tư mạnh tay và bài bản của Man City. Kết quả sau 10 năm, ai cũng đã thấy rõ. Thương hiệu của M.U vẫn rất lớn, nhưng nó sẽ nhanh chóng bị các đối thủ vượt qua nếu Quỷ đỏ tiếp tục lụi bại trên sân cỏ.
    3. Cuối cùng, không thể không nhắc đến trách nhiệm của David Moyes, Van Gaal và đặc biệt là Jose Mourinho. Trong bất cứ trường hợp nào, HLV luôn luôn là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi đội nhà thất bại. Sở dĩ nhấn mạnh Mourinho vì ông là người sở hữu đội hình có thể nói là mạnh nhất, dày dặn nhất của M.U trong 5 năm qua.
    Mourinho cũng chính là HLV tại vị lâu nhất sau khi Sir Alex nghỉ hưu. David Moyes bị sa thải sau 10 tháng. Van Gaal cũng chỉ tồn tại được 2 mùa giải. Riêng Mourinho đã có mùa thứ 3 tại Old Trafford và vẫn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ ban lãnh đạo đội bóng. HLV người Bồ Đào Nha cũng là người được cấp tiền mua sắm nhiều nhất, với hơn 400 triệu bảng sau 3 kỳ chuyển nhượng mùa hè, trong đó bao gồm hợp đồng kỷ lục thế giới năm 2016 với Paul Pogba.
    181012_111456_588.jpg
    Về lý thuyết, M.U lẽ ra phải càng ngày càng mạnh mẽ hơn khi họ có thời gian làm việc lâu hơn với Mourinho. Lý thuyết này đang đúng với Man City và Pep Guardiola, đúng với Liverpool và Jurgen Klopp. Tuy nhiên, so với mùa đầu tiên của Mourinho, tình thế của M.U hiện tại gần như không thay đổi. Họ gần như từ bỏ cuộc đua vô địch Premier League chỉ sau 2 tháng đầu tiên. Việc cạnh tranh danh hiệu như Champions League giống như chuyện viễn tưởng.
    Mourinho với phong cách quản lý hà khắc và chiến thuật lỗi thời luôn có xu hướng khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn. Chiến thắng ngược dòng trước Newcastle vừa qua vì thế chỉ ra 2 điểm. Đầu tiên, M.U có thực lực không tệ, đặc biệt so với các đội bóng ngoài top 6 Premier League. Thứ 2, M.U hoàn toàn có thể đá tấn công bốc lửa và đem lại kết quả tốt. Không phải vô cớ mà Paul Pogba cho rằng họ nên chơi tấn công, ít nhất là trên sân nhà.
    Nếu Mourinho không chấp nhận thay đổi và giảm bớt cái tôi của bản thân, M.U rất dễ rơi trở lại vòng xoáy khủng hoảng. Và lần này, sẽ rất khó cho ông có cơ hội sửa sai.
    KẾT LUẬN: Từ thượng tầng đến sân cỏ, M.U đều có những vấn đền lớn. Bắt đầu từ sự bòn rút của nhà Glazers đến sự thiếu nhất quán của ban lãnh đạo dẫn đến một đội bóng thiếu gắn kết, không có bản sắc rõ ràng. Trong dài hạn, cuộc khủng hoảng của M.U đền từ nhà Glazers với đại diện là Ed Woodward. Trong ngắn hạn, không thể bỏ qua trách nhiệm của 1 HLV được tạo không ít điều kiện như Mourinho.