Mâu thuẫn trong vở kịch “Tôi và chúng ta” Bài làm: "Tôi và chúng ta" xoay quanh cuộc đấu tranh gay gắt với mục đích thay đổi lề lối lao động sản xuất. Một bên là tinh thần dám nghĩ, dám làm khao khát đổi mới vì lợi ích chung của cộng đồng; một bên là tư tưởng bảo thủ với những quy chế cứng nhắc, lạc hậu. Vở kịch đặt trong bối cảnh sau năm 1975, khi những phương thức sản xuất cũ ngày càng lạc hậu, muốn đẩy mạnh phát triển sản xuất phải thay đổi tư duy, thay đổi phương thức quản lý, sản xuất. Lưu Quang Vũ đã thai nghén tác phẩm trong giai đoạn lịch sử ấy vì thế hơn bao giờ hết, "Tôi và chúng ta" mang dáng vóc thời đại. Vở kịch phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt để thay đổi phương thức tổ chức, lề lối hoạt động sản xuất ở xí nghiệp Thắng Lợi. Một bên là khát khao đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung mà người đại diện là Giám đốc Hoàng Việt cùng đại đa số anh chị em công nhân. Một bên là tư tưởng bảo thủ, khư khư giữ lấy các nguyên tắc, quy chế đã thành cứng nhắc, lạc hậu với đại diện là Phó Giám đốc Nguyễn Chính, Quản đốc phân xưởng Trương, và sự hỗ trợ của đại diện ban thanh tra của Bộ là Trần Khắc. Vậy mâu thuẫn cơ bản ở đoạn trích này là gì? Mâu thuẫn cơ bản của vở kịch Tôi và chúng ta là mâu thuẫn giữa suy nghĩ, cách làm ăn mới mẻ với những cơ chế, cách làm ăn đã quá lỗi thời. Đây là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất phổ biến bởi nó xảy ra mọi nơi, mọi lúc. Nếu không thay đổi cơ chế quản lý, không kích thích được người lao động nhiệt tình tham gia vào công việc và đóng góp công sức vào sự nghiệp chung, mọi khẩu hiệu kêu gọi cũng sẽ trở nên trống rỗng. Thông qua việc miêu tả xung đột giữa hai phía, Lưu Quang vũ đã nhấn mạnh rằng không thể có thứ chủ nghĩa tập thể chung chung, lạc hậu, cũ kĩ trước sự chuyển biến nhanh chóng của thời cuộc. Và "chúng ta" phải được hình thành, được sinh ra từ nhiều cái "tôi" cụ thể, cái tôi vì trách nhiệm cộng đồng. Đặt vở kịch trong bổi cảnh đất nước những năm tám mươi, ta mới thấy chủ đề của vở kịch quả là có ý nghĩa quan trọng. Khi tình trạng của xí nghiệp Thắng Lợi có tính chất khá phổ biến đối với nhiều xí nghiệp, nhà máy Việt Nam thời ấy. Máy móc cũ kĩ, lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, tổ chức, phân công lao động không hợp lí, kém hiệu quả. Đời sống công nhân ngày càng khó khăn. Vấn đề thay đổi phương thức sản xuất là hết sức bức thiết. Những con người tiến bộ đã nhận ra điều ấy và khát khao được biến nó thành hiện thực, nhưng lại vấp phải sự chống đối quyết liệt của những kẻ bảo thủ, xu nịnh, mượn danh nghĩa bảo vệ truyền thống mà Nguyễn Chính là đại diện. Cuộc đấu tranh giữa hai phái thật gay gắt nhưng đương nhiên chiến thắng sẽ thuộc về những con người mới, thuộc về chính nghĩa và công bằng. Trong vở kịch, tình tiết mà tác giả đưa ra chứng minh cho mâu thuẫn căng thẳng giữa cái mới và cái cũ được thể hiện qua tính cách của các nhân vật tiêu biểu, qua hành động và ngôn ngữ. Hoàng Việt là một người lãnh đạo có bản lĩnh, ông dám nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm sửa sai, năng động, dám nghĩ, dám làm, biết sử dụng người có khả, năng để phục vụ cho lợi ích của tập thể, cho sự phát triển của xí nghiệp. Trước những khó khăn rất lớn của xí nghiệp, Hoàng Việt đã triệu tập cuộc họp toàn thể ban lãnh đạo để trình bày kế hoạch mở rộng sản xuất và phương án làm ăn mới. Miêu tả cuộc đấu tranh với tương quan lực lượng như vậy cho thấy khả năng phản ánh đúng đắn quy luật phát triển xã hội của nhà viết kịch. Khi những cái mới, cái tiến bộ còn chưa chứng tỏ được thế mạnh và sức mạnh của mình, nó rất dễ bị cô lập. Sẽ bị cái cũ của những con người cứng nhắc, ích kỷ kịp kẹp, trù diệt. Những con người tiêu biểu cho nếp nghĩ cũ đó một phần xuất phát từ những tư tưởng tư lợi nhưng điều chủ yếu. Họ sợ mọi sự đổi thay, không hẳn vì ngại cái mới làm giảm đi những quyền lợi vật chất mà họ đã quen được hưởng mà còn vì tư tưởng quen dựa dẫm, ỉa lại không dám chịu trách nhiệm trước bất cứ việc gì. Tôi và chúng ta là cuộc đấu tranh âm thầm nhưng dai dẳng và không kém phần gay gắt giữa cái mới và cái cũ, vốn chủ yếu dựa vào những nguyên tắc lỗi thời, bảo thủ đến thâm căn cố đế. Qua đó, Lưu Quang Vũ đã khắc ghi vào trong độc giả về một giai đoạn chiến đấu trên mặt trận hòa bình giữa cái mới và cái cũ, trong sự phát triển chung của cả dân tộc.