Nêu những nét chính về sự nghiệp văn học của Nguyễn Tuân

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ 20. Sở trường của Nguyễn Tuân là thể loại tùy bút. Văn Nguyễn Tuân mềm mại, uyên bác, giàu tri thức, ngôn ngữ điêu luyện, đi sâu vào khai thác cái đẹp, cái kì vĩ trong cuộc sống.

    Xuất thân:

    Nguyễn Tuân (17/10/1910) tại phố Hàng Bạc – Hà Nội. Quê ông ở Nhân Mục, nay thuộc xã Nhân Chính – Từ Liêm – Hà Nội. Nguyễn Tuân học đến bậc Trung học ở Nam Định. Năm 1929, ông tham giam một cuộc bãi khóa nên bị đuổi học. Chán ghét cuộc sống bế tắc, ngột ngạt của một nước thuộc địa nên ông luôn mơ tưởng đến một phương trời xa lạ. Trong một lần đi giang hồ “xê dịch”, Nguyễn Tuân bị bắt tại Bangkok – Thái Lan và đưa về giam tại nhà lao Thanh Hóa (1930)
    • Con đường sáng tác:
    Lúc ra tù, Nguyễn Tuân bắt đầu với cuộc đời bằng nghề viết văn, làm báo. Ông vừa soạn những bản văn ngắn cho tờ “Trung Bắc tân văn”, vừa gửi bài đăng ở “An Nam tạp chí”, “Tiểu thuyết thứ 7”. Nguyễn Tuân thường lấy các bút danh: Ngột Lôi Quật, Thanh Hà, Nhất Lang, Nguyễn, Tuấn Thừa Sắc,…

    Lúc mới cầm bút, Nguyễn Tuân đã thử bút với nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết nhưng không mấy thành công. Phải đến 1938, khi các tác phẩm: Một chuyến đi (1938); Vang bóng một thời (1940) ra đời, Nguyễn Tuân mới thực sự nổi tiếng và được bạn đọc chú ý.

    Những tác phẩm của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tập trung vào ba chủ đề chính: Giang hồ xê dịch, Viết về quá khứ một thời vang bóng và Chủ đề về cuộc sống trụy lạc. Tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Tuân trước Cách mạng gồm có: Một chuyến đi (1938); Chiếc lư đồng mắt cua (1940); Thiếu quê hương (1943); Tóc chị Hoài (1943), Nguyễn (1945),…

    Tác phẩm của Nguyễn Tuân trước Cách mạng làm sống lại nét đẹp xưa của một thời còn vang bóng. Qua đó, tác giả muốn khẳng định cái “tôi” bản ngã của mình; muốn khẳng định cái “tôi” của mình trước lễ nghi, phép tắc, đạo lí thông thường của xã hội. Bất hòa với cái xã hội thực dân phong kiến, “ối a ba phèng” (Nguyễn Tuân). Ông đã phóng to cái “tôi” của mình để chống trả.

    Nguyễn Tuân đào sâu, bới kĩ cái “tôi” để mình tự chiêm nghiệm và người khác phải ngắm nhìn. Chính vì vậy mà chúng ta thường thấy nhân vật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng phần lớn đều lập dị, kênh kiệu pha chút khinh bạc (Đi lù lù giữa đời và ném đá khiêu khích với xung quanh). Những tác phẩm của ông mang nhiều yếu tố tích cực, tiến bộ đó là tinh thần dân tộc, yêu quê hương đất nước, thái độ phủ định thực dân phong kiến xâu xa. Qua tác phẩm của ông, người đọc thấy được một phong cách trong sáng, cao thượng và giàu bản lĩnh.

    Nhận xét về Nguyễn Tuân, Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh viết: “Nói về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước Cách mạng, có thể thâu tóm gọn lại trong một chữ “NGÔNG”.

    Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân hăm hở hòa nhập với cuộc sống mới. Nhà văn hướng ngòi bút vào cuộc sống, nhiệt tình đi kháng chiến, tham gia chống càn cùng bộ đội, nhân dân. Văn ông hừng hực khí thế đánh trận, cổ vũ sôi nổi tinh thần kháng chiến của nhân dân.

    Những năm hòa bình lặp lại, ông có mặt ở những vùng đất xa xôi: Việt Bắc, Tây Bắc,… viết về sự đổi đời về các nhân dân, các dân tộc miền núi. Kháng chiến chống Mĩ, ông viết nhiều bài tùy bút sắc sảo mang tính chiến đấu cao kịp thời cổ vũ cuộc chiến đấu của nhân dân thủ đô và cả nước. Những tác phẩm tiêu biểu của ông sau Cách mạng: Chùa Đàn (1946); Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Thắng Càn (1953); Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972).
    • Đánh giá sự nghiệp và phong cách Nguyễn Tuân:
    Nguyễn Tuân là một nhà văn độc đáo, tài hoa. Ông quan niệm rằng đã gọi là văn thì trước hết phải hay, phải hấp dẫn. Có thể nói những trang viết của ông thực sự là áng văn chương đầy nghệ thuật. Ông luôn có ý thức giữ gìn chắt chiu, làm giàu cho tiếng Việt. Cũng vì vậy, nhiều người đã gọi Nguyễn Tuân là bật thầy của tiếng Việt. Ông xứng đáng là một trong những nhà văn tiểu biểu nhất của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

    “Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa” (Nguyễn Minh Châu). Đối với ông, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật. Nghệ thuật thì phải đẹp, phải độc đáo và duy nhất. Tuy tiếp nhận và thực hành chủ nghĩa xê dịch nhưng Nguyễn Tuân, xét từ bản chất, không phải là người theo chủ nghĩa hình thức. Cái tài phải đi đôi với cái tâm cao thượng. Ấy là “thiên lương” trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục.

    Người đọc mến Nguyễn Tuân về tài, nhưng còn trọng ông về nhân cách ấy nữa. Vận dụng công phu cả nguồn sống vào câu chữ. Đôi khi văn Nguyễn Tuân hơi cầu kì, điệu đà, ngôn ngữ điêu luyện, chắt lọc đến mức hoàn hảo. Bởi thế, văn Nguyễn Tuân không phải ai cũng ưa thích. Vả lại một số bài viết của ông cũng có nhược điểm là mạch văn quá phóng túng theo lối tùy hứng, khó theo dõi. Nhiều đoạn tham phô bày kiến thức và tư liệu khiến người đọc cảm thấy nặng nề..

    Nguyễn Tuân mất năm 1987, hưởng thọ 77 tuổi. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, được bạn bè thế giới nồng nhiệt tiếp nhận và ngợi ca. Ông là một trong những nhà văn, nhà thơ được trao giải Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên.