Ngành Kiến trúc

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Ngày nay, cùng với sự phát triển của đời sống và sản xuất công nghiệp là sự gia tăng liên tục về nhu cầu thẩm mỹ cao của con người đối với không gian sống, làm việc và vui chơi giải trí. Trước thực tế đó, ngành Kiến trúc đã trở thành một ngành nghề hấp dẫn của thời đại mới với nhiều tiềm năng phát triển. Vì vậy, ngành Kiến trúc đã trở thành một ngành học thu hút những bạn trẻ đam mê sáng tạo và có năng khiếu về nghệ thuật.

    1. Ngành Kiến trúc là gì?

    • Ngành Kiến trúc (tiếng Anh là Architecture) là ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật liên quan đến việc tổ chức sắp xếp không gian, lập hồ sơ thiết kế các công trình kiến trúc.
    • Công việc của một kiến trúc sư là thiết kế mặt bằng, không gian, hình thức, cấu trúc của một công trình và cung cấp những giải pháp về kiến trúc ở các lĩnh vực xây dựng khác nhau xuất phát từ nhu cầu thực tế về nơi ở, vui chơi, làm việc, đi lại… của con người.
    • Theo học ngành Kiến trúc, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về kiến trúc mỹ thuật như: công tác quy hoạch - thiết kế đô thị, khả năng lĩnh hội nghệ thuật kiến trúc, phương pháp luận sáng tạo, phương pháp sáng tác kiến trúc…
    • Ngoài ra, ngành Kiến trúc còn chú trọng đào tạo cho sinh viên các kỹ năng chuyên môn như: kỹ năng quan sát, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thực hành thông qua sử dụng các công cụ, phần mềm chuyên dụng để thực hiện ý tưởng, kỹ năng năm bắt tâm lý khách hàng... để vừa làm tốt công việc chính của một kiến trúc sư là tư vấn thiết kế, vừa có thể tự tin thuyết phục khách hàng.
    01.jpg

    2. Ngành Kiến trúc thi khối nào?

    - Mã ngành: 7580102
    - Các khối thi vào ngành Kiến trúc:
    • V00: Toán, Vật lý, Vẽ mỹ thuật
    • V01: Toán, Ngữ văn, Vẽ Hình họa mỹ thuật
    • H06: Ngữ văn, Tiếng Anh, Vẽ mỹ thuật
    • H08: Ngữ văn, Lịch sử, Vẽ mỹ thuật
    3. Điểm chuẩn ngành Kiến trúc

    Các bạn có thể tham khảo mức điểm chuẩn của các trường đại học đào tạo ngành Kiến trúc những năm gần đây. Trong năm 2018, mức điểm chuẩn của ngành này từ 17 - 25 điểm tùy theo các môn thi xét theo kết quả thi THPT Quốc gia hoặc xét theo học bạ cùng với môn năng khiếu.

    4. Các trường đào tạo ngành Kiến trúc

    - Khu vực miền Bắc:
    • Đại học Kiến trúc Hà Nội
    • Đại học Xây dựng
    • Viện Đại học Mở Hà Nội
    • Đại học Phương Đông
    • Đại học Hòa Bình
    • Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
    • Đại học Nguyễn Trãi
    • Đại học Hải Phòng
    • Đại học Kinh Bắc
    - Khu vực miền Trung:
    • Đại học Khoa học - Đại học Huế
    • Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng
    • Đại học Xây dựng Miền Trung
    • Đại học Yersin Đà Lạt
    • Đại học Kiến trúc Đà Nẵng
    - Khu vực miền Nam:
    • Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM
    • Đại học Kiến trúc TP.HCM
    • Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
    • Đại học Tôn Đức Thắng
    • Đại học Công nghệ TP.HCM
    • Đại học Nguyễn Tất Thành
    • Đại học Quốc tế Hồng Bàng
    • Đại học Văn Lang
    • Đại học Thủ Dầu Một
    • Đại học Xây dựng Miền Tây
    • Đại học Bình Dương
    • Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An
    • Đại học Nam Cần Thơ
    5. Cơ hội việc làm ngành Kiến trúc

    Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kiến trúc có thể đảm nhận tốt công việc tại tại các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp tư vấn thiết kế, các doanh nghiệp xây dựng công trình, các doanh nghiệp bất động sản, các dự án đầu tư xây dựng trong nước và quốc tế. Với các công việc cụ thể:
    • Hoạch định dự án, tham gia đấu thầu xây dựng;
    • Triển khai thiết kế kiến trúc công trình, thiết kế nội thất, quy hoạch, thiết kế cảnh quan… trong và ngoài nước;
    • Giám sát, kiểm tra chất lượng dự án trong quá trình thi công tại công trường;
    • Chuyên gia tư vấn, cung cấp các giải pháp về kiến trúc tại các công ty kiến trúc, xây dựng;
    • Tham gia quản lý dự án công trình ở các cấp độ khác nhau; kết hợp với một số đồng nghiệp lập xưởng, thành lập công ty thiết kế kiến trúc; tham gia thiết kế kiến trúc;
    • Tự thành lập doanh nghiệp riêng trong lĩnh vực thiết kế và thi công xây dựng;
    • Tham gia giảng dạy, nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc tại các cơ sở đào tạo, các trường Đại học, Cao đẳng…
    6. Mức lương ngành Kiến trúc

    So với một số ngành nghề khác thì ngành Kiến trúc có mức thu nhập khá cao. Đối với sinh viên ngành Kiến trúc mới ra trường làm việc tại các công ty, doanh nghiệp về kiến trúc, xây dựng công trình thì có mức lương trung bình từ 7 - 10 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, tùy vào vị trí công việc, năng lực và kinh nghiệm làm việc trong ngành Kiến trúc mà có mức lương cao hơn từ 10 - 15 triệu đồng/ tháng hoặc có thể cao hơn.

    7. Ngành Kiến trúc cần có tố chất gì?


    Để theo học và làm việc trong ngành Kiến trúc, bạn cần phải hội tụ các tố chất sau:
    • Học tốt các môn Khoa học tự nhiên, có năng khiếu về vẽ;
    • Có niềm đam mê với nghệ thuật, yêu thích sự tìm tòi;
    • Năng lực tư duy thẫm mỹ trong không gian, nhận thức và tạo dựng cái đẹp;
    • Khao khát sáng tạo, đam mê hình khối, háo hức tạo dựng công trình;
    • Kiên trì, sáng tạo, ham học hỏi;
    • Có bản lĩnh, kiên định;
    • Đặc điểm về giới cũng đáng lưu ý, bởi những đòi hỏi về khả năng làm việc cường độ cao, áp lực công việc nặng khiến tỉ lệ nữ làm việc trong ngành này không cao.
    • Có kỹ năng làm việc nhóm;