Thuộc nhóm ngành Kiến trúc xây dựng, ngành Quản lý xây dựng là ngành học được đánh giá cao. Đây cũng là ngành học có nhu cầu nhân lực lớn, đem đến nhiều cơ hội rộng mở cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Để giúp bạn tìm hiểu về ngành học này, bài viết xin chia sẻ những thông tin cần biết về ngành Quản lý xây dựng. 1. Ngành Quản lý xây dựng là gì? Quản lý xây dựng (tiếng Anh là Construction Management) là một dịch vụ chuyên nghiệp sử dụng các kĩ thuật chuyên môn, quản lý dự án để giám sát việc lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng một dự án, từ đầu công trình đến khi hoàn tất. Mục đích của Quản lý xây dựng là để kiểm soát thời gian của một dự án, chi phí và chất lượng. Quản lý xây dựng tương thích với tất cả các hệ thống phân phối dự án, bao gồm thiết kế - nhà thầu xây dựng, thiết kế xây dựng, quản lý độ an toàn và rủi ro và đối với các quan hệ đối tác. Hiểu một cách đơn giản, ngành Quản lý xây dựnglà ngành trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hoặc thực hành tư vấn về lập và đánh giá dự án, lập hồ sơ thiết kế tổ chức thi công, tổ chức các hoạt động trên từng giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án như đấu thầu, triển khai thiết kế, thi công, bàn giao nghiệm thu và thanh quyết toán công trình. Chương trình đào tạo ngành Quản lý xây dựng sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu về dự án và quản lý dự án đầu tư xây dựng trên từng phương diện cụ thể: quản lý tài chính, quản lý nguồn lực, quản lý tiến độ, quản lý chi phí và chất lượng dự án; kiến thức về định mức và tổ chức lao động, tổ chức quản lý và giao khoán sản xuất, giám sát và nghiệm thu công trình. Sinh viên cũng sẽ có năng lực phân tích, tổng hợp để quản lý công tác thi công trên công trường xây dựng; xây dựng các kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng. Những thông tin cần biết về ngành Quản lý xây dựng 2. Ngành Quản lý xây dựng thi khối nào? - Mã ngành: 7580302 - Ngành Quản lý xây dựng xét tuyển các khối thi sau: A00: Toán - Lý - Hóa học A01: Toán - Vật lý - Tiếng Anh D01: Ngữ văn - Toán - Tiếng Anh D07: Toán - Hóa - Tiếng Anh A02: Toán - Vật lý - Sinh học 3. Điểm chuẩn ngành Quản lý xây dựng Điểm chuẩn của ngành Quản lý xây dựng năm 2018 dao động ở mức 14 - 16 điểm tùy từng đơn vị tuyển sinh. 4. Danh sách trường đào tạo Quản lý xây dựng - Khu vực miền Bắc: Đại học Kiến trúc Hà Nội Đại học Giao thông Vận tải Đại học Thủy Lợi Đại học Xây dựng Đại học Kinh Bắc - Khu vực miền Trung: Đại học Xây dựng miền Trung Đại học Kiến trúc Đà Nẵng - Khu vực miền Nam: Đại học Công nghệ TP. HCM Đại học Mở TP. HCM Đại học Kiến trúc TP. HCM Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ Phân hiệu Đại học Giao thông vận tải tại TP.HCM Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM Đại học Xây dựng Miền Tây 5. Cơ hội việc làm ngành Quản lý xây dựng Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Quản lý xây dựng, sinh viên sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức và năng lực chuyên môn để đáp ứng các vị trí công việc dưới đây: Làm các công việc quản lý: quản lý dự án, quản lý kỹ thuật - công nghệ, quản lý tài chính, quản lý chất lượng… trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản tại các cơ sở, ban, ngành , Ngân hàng, Kho bạc, các Công ty - đơn vị (Chủ đầu tư) đang thực hiện việc đầu tư và quản lý các công trình xây dựng Chuyên viên tổ chức quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng trong các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng; Kỹ sư lập và thẩm định dự án đầu tư, quản lý các dự án đầu tư xây dựng; Giám sát và nghiệm thu công trình về mặt tài chính, định mức và tổ chức lao động; Giám đốc dự án, giám đốc các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Làm nghiên cứu ở các viện nghiên cứu về kinh tế và quản lý xây dựng Làm quản lý doanh nghiệp, đấu thầu và quản lý công trường ở các doanh nghiệp xây dựng, các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản Làm tư vấn lập và phân tích dự án đầu tư, lập và thẩm tra dự toán, cung cấp dịch vụ tư vấn đấu thầu ở các công ty tư vấn đầu tư xây dựng 6. Mức lương của ngành Quản lý xây dựng là bao nhiêu? Ngành Quản lý xây dựng có mức lương khá cạnh tranh, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí, địa điểm làm việc cũng như năng lực chuyên môn. Mức lương phổ biến của ngành dao động trong khoảng 9 - 12 triệu. 7. Tố chất cần có để học ngành Quản lý xây dựng Để có thể theo học ngành Quản lý xây dựng, người học cần có một số tố chất dưới đây: Năng động, yêu thích ngành xây dựng Trung thực, quyết đoán và có trách nhiệm cao Có năng khiếu tổ chức và sắp xếp công việc Tư duy chi tiết và hệ thống Có khả năng làm việc độc lập và theo nhóm Trên đây là thông tin tổng quan về ngành Quản lý xây dựng, hy vọng bài viết sẽ đem đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc.