Nghị luận: “Chẳng thà thất bại một cách vinh dự còn hơn thành công bằng sự gian xảo” (Sophocle)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Thất bại và thành công là hai biểu hiện trái ngược của công việc trong đời sống con người. Ai cũng muốn thành công và luôn tìm cách hạn chế thất bại. Có những thành công đến bằng sự nỗ lực chân chính. Cũng có những thành công do gian xảo, lừa lọc mà có. Những thành công ấy thường không bền vững được. Bởi thế, Sophocle từng khuyên rằng: “Chẳng thà thất bại một cách vinh dự còn hơn thành công bằng sự gian xảo”.
    • Thân bài:
    Thất bại một cách vinh dự là gì?

    Thất bại một cách vinh dự là không đạt được kết quả như mong muốn hoặc chịu thua đối phương, nhưng do những nguyên nhân khách quan qua lớn không thể vượt qua được, dù đã tận dụng hết nỗ lực cố gắng của bản thân.

    Thành công bằng sự gian xảo là gì?

    Thành công bằng sự gian xảo là gặt hái, đạt được kết quả, mục đích như dự định, nhưng không phải bằng trí tuệ, tài năng, bằng ý chí quyết tâm của mình mà bằng sự dối trá, lừa lọc, bằng những thủ đoạn đê hèn. Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực.

    Bằng phép so sánh, câu nói đã đề cao tính trung thực của con người trong cuộc sống. Trung thực là trung chính, thành thực, sống ngay thẳng, thật thà, không chấp nhận gian dối. Trung thực là phẩm chất cao đẹp và cần có ở mỗi con người trong cuộc sống.

    Những biểu hiện của lối sống trung thực, không giả dối:

    Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực. Điều trung thực cao hơn tất cả là hãy trung thực với chính mình. Hiểu biết khả năng và thực chất của bản thân, trung thực trong suy nghĩ, lời nói và hành động; biết chấp nhận những hạn chế của mình, biết nhận lãnh trách nhiệm và hậu quả do công việc mình đã làm. Không trung thực với bản thân mình thì không thể nào trung thực được với xã hội.

    Trung thực trong học tập, thi cử: Học tập và thi cử bằng thực lực, thật chất của mình, không lừa thầy, dối bạn, không gian lận trong thi cử, không chạy trường chạy lớp, chạy điểm, chạy bằng cấp.

    Trung thực trong công việc: Làm ăn ngay thẳng, có trách nhiệm, làm hết khả năng mình, không lánh nặng làm nhẹ; không sản xuất loại hàng kém chất lượng, không làm ăn trái pháp luật, không báo cáo sai sự thật. Muốn thành công trong mọi việc nhất định phải tuân thủ ba nguyên tắc: sự thật, trung thực, hữu ích.

    Trung thực trong mối quan hệ với mọi người: Không nói sai sự thật, không tham lam của người khác, tuân theo những nội quy, những quy tắc trong giao tiếp. Sự trung thực là nền tảng cơ bản giữ cho những quan hệ được bền vững.

    Sống trung thực sẽ đem lại niềm cao quý, tâm hồn bình yên luôn cảm thấy thỏa mái và tự tin, chẳng phải toan tính lừa dối, chẳng phải lo lắng tranh giành, chẳng phải ân hận, phiền muộn vì những điều đã qua, vì những ham muốn thấp hèn…

    Lòng trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệ. Người sống trung thực sẽ tạo được uy tín và được mọi người tin yêu, từ đó giúp bản thân thành đạt trong cuộc sống. Thiếu trung thực làm thật giả bất phân, ngay gian lẫn lộn, gây ra nhiều nguy hại cho xã hội.

    Phê phán lối sống thiếu trung thực trong xã hội ngày nay:

    Hiện nay, cách sống thiếu trung thực khá phổ biến. Học sinh không trung thực trong thi cử. Cán bộ xài bằng giả, mua quan bán chức. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lan tràn khắp nơi. Quảng cáo rầm rộ không đúng thực. Thể thao thiếu trung thực trong thi đấu. Trong khoa học cũng sao chép lẫn nhau…

    Nguyên nhân: giáo dục quá chú trọng bằng cấp, điểm thi đua, không chăm lo đúng mức đến “tiên học lễ, hậu học văn”. Nhiều cá nhân chạy theo thành tích, ham làm giàu, thiếu ý thức rèn luyện nhân cách, không muốn là việc vất vả mà muốn hưởng thụ nhiều.

    Bài học nhận thức: Bản thân cần nhận thức sâu sắc trung thực là giá trị là nên nhân cách của mình; ngay khi đối diện với thất bại, thua thiệt vẫn sống cho trung thực. Không ngừng tu dưỡng để có được phẩm chất trung thực. Quyết bảo vệ sự trung thực, đấu tranh với mọi hiện tượng thiếu trung thực đang tồn tại khá phổ biến trong xã hội.
    • Kết bài:
    Thành công không đến với ta một cách tự nhiên. Nó là kết quả của biết bao nỗ lực, biết bao cố gắng. Nhưng dù cuộc sống có khó khăn đến thế nào, dù có bao lần thất bại đi chăng nữa, mỗi con người cũng cần phải biết sống trung thực. Không vì lợi ích của bản thân mà dẫm đạp lên đạo đức, lẽ sống và đạo lí làm người.