Nghị luận: Lợi ích của việc đọc sách đối với mỗi con người

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Nghị luận: Lợi ích của việc đọc sách đối với mỗi con người


    3.jpg
    • Mở bài
    Từ xa xưa, sách được coi là kho tàng tri thức vô tận và quý giá của nhân loại. Việc đọc sách không chỉ giúp chúng ta tiếp nhận thêm được nhiều kiến thức mới mà còn giúp phát triển và hoàn thiện nhân cách của con người. Tuy nhiên, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ khiến văn hóa đọc của chúng ta ngày càng bị lấn át.
    • Thân bài:
    Nói tới sách là nói tới trí khôn của loài người. Nó kết tinh thành tựu văn minh mà hàng bao thế hệ đã tích lũy truyền lại cho thế hệ mai sau. Vì vậy, M. Gorki đã từng nói “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Sách là người bạn tâm hồn thân thiết của mỗi con người. Sách đã đem đến cho con người những hiểu biết, những khám phá kỳ thú về cuộc sống, bồi đắp thêm cho con người niềm vui và lòng tin vào cuộc sống. Đặc biệt, qua những trang sách bổ ích, đã mở ra trước mắt con người những chân trời mới.
    Từ lâu con người đã biết đến sự kỳ diệu của sách. Sách, đó là cái thần kỳ trong những cái thần kỳ mà nhân loại đã tạo nên. Thật không thể hình dung một nền văn minh mà không có sách. Từ hàng nghìn năm trước, khi chưa có chữ in, chưa có cả giấy bút, thì nhân loại đã nghĩ đến sách rồi, đã có những hình thức đầu tiên của sách. Sách là cái cần có để con người lưu giữ và truyền lại cho người khác, cho thế hệ khác, những hiểu biết của mình về thế giới xung quanh, những khám phá về vũ trụ và con người, cả những ý nghĩ, những quan niệm, những mong muốn về cuộc sống cần gửi đến cho người và trao gửi đến đời sau.
    Sách, đó là kho tàng chứa nhiều hiểu biết của con người được khám phá, chắt lọc, thử thách tổng hợp. Sách là nơi kết tinh những tư tưởng tiên tiến nhất của các thời đại, những hoài bão mạnh mẽ nhất, những tình cảm tha thiết nhất của con người. Chỉ có những gì mà con người cảm thấy bức xúc cần nói lên, cần truyền lại, mới đi vào sách. Tác động của sách không bị hạn chế bởi thời gian và không gian.
    Nhờ có sách, chúng ta mới có những hiểu biết phong phú, đa dạng về thế giới. Người cổ đại sống như thế nào? Trên thế giới có bao nhiêu quốc gia? Thủ đô của những nước cách xa chúng ta hàng ngàn km có kiến trúc và đời sống như thế nào? Những thần đồng trong âm nhạc và hội họa là ai? Những nước nào có nguyên thủ quốc gia và phụ nữ ? Bảy kỳ quan nổi tiếng thế giới là gì? Chỗ gần nhất giữa hai Châu Âu – Mỹ cách nhau bao nhiêu hải lý ? Đời sống của thiếu nhi Nhật Bản như thế nào? Người lùn Píc-mê hiện sống ở đâu? Các loài động vật cổ còn sống sót như thế nào? Giống chim nào hót hay nhất?…. Nếu không có sách làm sao ta có thể biết được những điều kỳ thú đó.
    Đã từng có những cuốn sách không chỉ mở rộng “chân trời mới” đối với một người, trăm người, triệu người, mà cho cả nhân loại. Những trang sách của Bru-nô, Ga-li-lê về trái đất và thái dương hệ đã mở ra cho loài người một thời kỳ mới trên con đường chinh phục tự nhiên. Những trang sách của Đác-uyn về các giống loài không chỉ giúp con người hiểu rõ các giống loài sinh vật mà còn hiểu rõ hơn về chính con người.
    Sách của Đi-đơ-rô, Mông- tex-ki-ơ rồi của Mác, của Ảng-ghen… thực sự đã giúp con người làm những cuộc cách mạng. Đọc Ban-dắc ta hiểu thế nào về thế giới tư bản với sức mạnh lạnh lùng của đồng tiền. Đọc thơ Ta-go, thơ Lý Bạch, thơ Đỗ Phủ, ta hiểu đời sống và tâm hồn của cả các dân tộc trên thế giới. Đọc Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, đọc thơ Bác… ta chiêm nghiệm được biết bao nhiêu điều trong cuộc sống.
    Sách phong phú đa dạng là thế. Vấn đề là trong hằng trăm số đó ta lựa chọn loại sách nào để đọc, đọc sách gì cho phù hợp với sở thích, lứa tuổi và phù hợp với thời gian, đem lại nhận thức và tình cảm thiết thực. Riêng em, em thích nhất là những sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, đặc biệt những sách nói về các danh nhân văn hóa và anh hùng lịch sử. Loại sách này đã mang đến cho em những hiểu biết về truyền thông đâu tranh anh dũng quật cường của cha ông ta, bồi dưỡng cho em tinh thần dũng cảm, mưu trí, lòng yêu nước của cha ông ta.
    Qua cuốn sách về danh nhân còn bồi dưỡng cho con người lòng say mê nghiên cứu khoa học vì lợi ích của con người và đức tính giản dị, khiêm tốn, kiên trì, không ngừng học tập của các nhà khoa học. Đọc những cuốn sách có giá trị, đã khiến cho con người thêm tự hào về mình, thêm vững tin ở cuộc sống để chiến đâu cho cuộc sống ngày một tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Qua những cuốn sách hay và bổ ích, đã khiến tâm hồn chúng ta trở nên phong phú, độ lượng hơn, trong sáng hơn.
    Tuy nhiên, bên cạnh những cụốn sách hay, có giá trị, thì vẫn có những cuốn sách xấu, những cuốn sách xuyên tạc đời sống, đưa đến cho người đọc những kiến thức giả dối về thế giới xung quanh, đề cao dân tộc này, bôi nhọ dân tộc khác, chúng gây thù hằn và ngờ vực giữa các dân tộc, đề cao bạo lực và chiến tranh, kích thích những thị hiếu bản năng thấp hơn của con người.
    Đọc những cuốn sách như thế, người đọc không những không tăng thêm hiểu biết mà còn trở nên dốt nát, mê muội hơn. Đọc những cuốn sách như thế, tâm hồn người đọc sẽ trở nên khô cằn vì những thú tính độc ác, những ước muôn tầm thường ích kỷ, những tình cảm bạc nhược đớn hèn.
    Sách tốt có thể là một liều thuốc quý cực kỳ công hiệu. Sách xấu có thể là một thứ ma túv, một thứ độc dược cực kỳ nguy hiểm. Bởi vậy, khi đọc sách, không nên bị mô hoặc bởi sự hấp dẫn của hình thức, không để bị lôi cuốn bởi những thị hiếu tầm thường, phải biết chọn sách phù hợp với việc mở mang kiến thức, phù hợp với lứa tuổi để đọc.
    Đọc sách cũng không đọc lấy nhiều, quan trọng là phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ. Đọc nhiều mà không suy nghĩ, không vận dụng được vào hành động, thì dẫu có đọc hàng nghìn cuốn sách cũng giống người cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa ý loạn, tay không mà về.
    • Kết bài
    Sách báo là ánh sáng. Ánh sáng đi tới đâu thì bóng tối lùi tới đó”. Sách kỳ diệu biết nhường nào. Sách là người thầy tài ba nhất, khiêm tốn nhất; sách là người bạn gần gũi, thủy chung nhất của tuổi trẻ chúng ta. Ta không thể hình dung một thế giới không có sách. Không còn sách, nền văn minh nhân loại cũng không còn. Mục đích của xã hội loài người là xây dựng thiên đường ngay trên mặt đất. Không có sách thì không có tri thức. Một ngày nào đó không còn quyển sách nào được đọc thì cuộc sống sẽ buồn chán biết nhường nào?