Nghị luận văn học về đoạn trích “ Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du.

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Nghị luận văn học về đoạn trích “ Chị em Thúy Kiều” của Nguyễn Du.

    Bài làm:
    Nguyễn Du là một nhà văn, nhà thơ kiệt xuất trong nền văn học Việt Nam. Ông từng được tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Những tác phẩm của ông đều mang giá trị nghệ thuật sâu sắc. Tiêu biểu trong đó phải kể đến “ Truyện Kiều”, đây được xem là một kiệt tác văn học của Nguyễn Du, viết về số phận khổ đau của người con gái hồng nhan nhưng bạc mệnh. Nói đến “ Truyện Kiều”, hình ảnh hai chị em Thúy Kiều Thúy Vân được Nguyễn Du khắc họa rõ nét trong đoạn trích “ Chị em Thúy Kiều”.
    Mở đầu đoạn trích là những câu thơ giản dị nhưng đã khái quát được vẻ đẹp cũng như tính cách của hai chị em:

    Đầu lòng hai ả Tố Nga
    Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
    Mai cốt cách, tuyết tinh thần
    Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
    Chỉ qua bốn câu thơ, người đọc đã có thể tưởng tượng ra vẻ bề ngoài của hai chị em. Cây mai cũng như tuyết tượng trưng cho sự cao sang, thanh nhã, trong trắng của người con gái. Vẻ đẹp của hai chị em được Nguyễn du so sánh như mai với tuyết, thật đầy tinh tế.
    Những câu thơ tiếp theo tập trung miêu tả vẻ đẹp của từng người. Đầu tiên là Thúy Vân, với một vẻ đẹp đoan trang:

    Vân xem trang trọng tót vời
    Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
    Hoa cười ngọc thốt đoan trang
    Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
    Người đọc chắc chắn ai ai cũng phải mê mẩn, rung động vì vẻ đẹp của Thúy Vân. Ở nàng có sự thanh tao, tròn đầy của người thiếu nữ đang đến tuổi trăng tròn. Khi nàng cười thì tựa như đang thấy hoa cười. Mái tóc xanh như mây, làn da thì đẹp đẽ như tuyết trắng. Vẻ đẹp của Thúy Vân gợi lên sự nhẹ nhàng, duyên dáng được Nguyễn Du truyền đến người đọc bằng biện pháp nhân hóa, cũng như sự cảm nhận của chính bản thân ông. Vẻ đẹp này cho chúng ta hình dung đến một tương lai êm đềm, nhẹ nhàng của Thúy Vân.
    Chưa hết rung động bởi vẻ đẹp của Thúy Vân, người đọc lại thêm phần ngỡ ngàng khi hình dung đến hình ảnh của Thúy Kiều. Tác giả miêu tả Thúy Vân trước, như một đòn bẩy để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều ở đằng sau, với một kiệt tác nghệ thuật vô cùng đẹp đẽ. Vẻ đẹp của Thúy Kiều được nhấn mạnh là “ hơn” Thúy Vân:

    Kiều càng sắc sảo mặn mà
    So bề tài sắc lại là phần hơn.
    Làn thu thủy nét xuân sơn
    Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
    Một hai nghiêng nước nghiêng thành
    Sắc đành đòi một tài đành họa hai.
    Qua ngòi bút xuất sắc của Nguyễn Du, ông đã vẽ lên hình ảnh Thúy Kiều với một vẻ đẹp dường như là tuyệt đối, là không có ai đẹp hơn được nữa. Từ đôi mắt trong xanh như làn nước mùa thu, đến đôi long mày như nét nùi mùa xuân. Nàng đẹp đến nỗi khiến cho thiên nhiên phải hờn, phải ghen, chứ không chỉ là sự nhún nhường như đối với Thúy Vân.
    Chính vì Thúy Kiều đẹp quá, đẹp đến độ phải bị ghen ghét, nên có lẽ cuộc đời của cô sau này sẽ không thể yên ổn với nhiều sóng gió. Nàng không chỉ đẹp, nàng lại còn tài giỏi, với những tài năng hiếm có:

    Thông minh vốn sẵn tính trời
    Pha mùi thi họa đủ mùi ca ngâm
    Cung Thương làu bậc ngũ âm
    Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
    Tài năng của Thúy Kiều được Nguyễn Du miêu tả rằng, nếu như cô đứng thứ hai thì không có ai là thứ nhất. Từ cầm kỳ thi họa cô đều am tường. Xinh đẹp, tài giỏi như vậy, cuộc đời có để cô yên ổn, sống cuộc sống hạnh phúc với những gì cô đáng được nhận hay không? Câu trả lời sẽ được Nguyễn Du giải đáp ở phần sau của Truyện Kiều.
    “ Chị em Thúy Kiều” thật sự là một đoạn thơ quá đẹp trong Truyện Kiều. Nguyễn Du không chỉ đang viết nữa mà như đang vẽ nên hình ảnh hai chị em Thúy Kiều- Thúy Vân. Người đọc có thể hình dung ra vẻ đẹp của hai chị em một cách chân thực, rõ nét nhất. Và vẻ đẹp của hai chị em đã khiến cho người đọc xao xuyến, nhớ mãi không thể nào quên. Đây có lẽ chính là thành công cũng như sự tài tình của Nguyễn Du khi khắc họa vẻ đẹp của nhân vật.