Đề bài: Nghị luận về vấn đề bạo lực học đường BÀI LÀM: Đối với mỗi chúng ta, dù khi còn nhỏ hay khi đã trưởng thành, có lẽ quãng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường chính là quãng thời gian đẹp đẽ nhất. Chúng ta đến trường ngoài việc được học tập các kiến thức bổ ích, còn được gặp gỡ với các thầy cô, bạn bè. Những mối quan hệ với bạn bè cùng trang lứa, có thể sẽ theo chúng ta không chỉ khi còn là học sinh, mà còn là hành trang đi cùng đến tận sau này. “ Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Thế nhưng giờ đây, dường như việc đến trường lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, khi vấn nạn bạo lực học đường đang xảy ra vô cùng nhức nhối, là hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng với tất cả chúng ta. Vậy bạo lực học đường là gì? Đó là những hành vi mang tính chất thô bạo, ngang ngược, gây tổn thương đến không chỉ thể xác mà còn cả tinh thần của người khác, trong phạm vi trường lớp. Giữa những bạn bè đồng trang lứa với nhau, lại không phải là thứ tình cảm tốt đẹp, mà lại là sự hành hạ, tra tấn nhau. Vấn nạn này hiện nay đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, ở khắp mọi nơi trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nó đang trở thành vấn đề nhức nhối, đáng báo động của toàn xã hội. Bạo lực học đường có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Người ta có thể bị bạo lực bằng các từ ngữ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây tổn thương sâu sắc đến tinh thần. Khiến cho người bị bạo lực cảm thấy chán nản, phẫn uất, thậm chí dẫn đến trầm cảm. Đáng lên án hơn đó là hành động bạo lực về thể xác. Trường hợp này là phổ biến nhất. Với thực trạng hiện nay, chỉ cần vài thao tác đơn giản khi lên mạng, chúng ta có thể dễ dàng thấy ngay những bài viết, những clip mà ở đó, những cô cậu học sinh đang mặc áo đồng phục sơ mi trắng, cổ đeo khăn quàng nhưng lại lao vào đánh đập nhau rất dã man. Có khi là cả một hội nhóm lao vào để đánh đập một bạn không có sức phản kháng. Không cần biết lý do là gì, nhưng việc đánh đập người khác gây tổn thương đến thể xác, nhẹ là xước xát ngoài da, nặng hơn thì phải đi bệnh viện băng bó, thậm chí có những trường hợp dẫn đến tử vong. Để dẫn đến những tình huống bạo lực đó, nguyên nhân có thể do đâu? Lứa tuổi học sinh các em suy nghĩ còn chưa chín chắn. Đôi khi chỉ là một cái liếc mắt nhìn nhau bị coi là nhìn đểu, cũng dẫn đến bạo lực; hay chỉ là những câu nói vô tình ảnh hưởng đến đối phương, cũng bị bạo lực; còn có những trường hợp, các em ghen tị vì bạn khác học giỏi hơn mình, gia đình có điều kiện hơn mình, các em cũng tìm cách để bạo lực, hành hạ các bạn…Nguyên nhân sâu xa hơn cũng có thể do xã hội phát triển, những đứa trẻ được tiếp xúc nhiều với văn hóa bạo lực qua game, qua phim ảnh, trò chơi bạo lực…dẫn đến hình thành xu hướng bạo lực ngay từ trong tính cách bởi sự non nớt, thiếu kỹ năng sống của các em. Ngoài ra, không thể không nhắc đến vai trò của gia đình và nhà trường trong vấn nạn này. Nhiều gia đình bỏ bê không quan tâm con cái, ngày ngày cứ nghĩ con mình đi học đúng giờ, đạt kết quả tốt. Đến khi có bạo lực xảy ra còn bao che, nói rằng con mình từ trước đến nay rất ngoan không có chuyện bạo lực. Họ đâu biết rằng trong thời gian họ bỏ bê con cái, những đứa trẻ đó đã có thể kết giao với bạn xấu, hoặc hình thành những suy nghĩ tiêu cực. Còn trong nhà trường, hiện nay chúng ta vẫn đang quá nặng nề về giáo dục kiến thức mà quên mất việc giáo dục các em về nhân cách con người. Đáng báo động hơn là sự thờ ơ của những người xung quanh, của xã hội. Khi thấy các em đánh nhau nhưng không có biện pháp can ngăn, mà còn đứng bên ngoài hò reo cổ vũ, quay clip… Có thể thấy, bạo lực học đường thật sự là vấn đề đáng báo động, cần phải được xử lý triệt để trong thời gian sắp tới. Mỗi chúng ta từ gia đình đến nhà trường, cần quan tâm hơn đến các em, không để các em sa đà vào những thói hư tật xấu. Tất cả vì tương lai con em chúng ta, vì tương lai của toàn xã hội.