Đề bài: Nghị luận xã hội về vấn đề bạo lực học đường. Bài làm: Xã hội ngày càng phát triển, do ảnh hưởng của một số yếu tố khách quan bên ngoài mà một bộ phận giới trẻ hiện nay trong xã hội có hành vi, lối sống ngày càng sai lệch. Trong môi trường giáo dục, học đường hiện nay cũng xảy ra không ít những vụ bạo lực nghiêm trọng và đang là hồi chuông cảnh báo. Cùng học tập, sinh hoạt trong một tập thể sẽ không tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích đối với những người xung quanh, hơn nữa lứa tuổi học đường là lứa tuổi tinh nghịch và có nhiều sự thay đổi về tâm lý. Một số vấn đề bình thường hàng ngày cũng có thể là chủ đề để tranh luận, bàn tán và tìm ra cái sai của mỗi người. Tuy nhiên cái tính ương bướng và ngang ngạnh ở lứa tuổi này khiến những vấn đề cãi vã đó không chỉ dừng lại trong phạm vi nhà trường mà dường như nó đã vượt ra đến tầm ảnh hưởng của pháp luật xã hội. Theo kết quả nghiên cứu và khảo sát về bạo lực học đường đối với nữ sinh trung học, khảo sát tại 2 trường THPT tại Hà nội thì kết quả cho thấy có đến 96,7% số học sinh trả lời ở các trường đang theo học có hiện tượng nữ sinh đánh nhau với mức 44,7% cho rằng rất thường xuyên, 38% là thường xuyên,… khảo sát quan điểm, cách nhìn của mỗi người về điều này thì có tới 45% cho rằng đó là điều bình thường. Có lẽ mỗi người được cắp sách đến trường như chúng ta ai cũng biết câu “tiên học lễ, hậu học văn”. Ý câu nói là con người trước khi biết đến điều này điều kia thì hãy học lễ nghĩa trước, hãy học làm người trước rồi hãy học kiến thức, học văn hóa sau. Đặc biệt người Việt lại rất trọng đạo đức hơn cả. Soi lại những bạn học sinh đã và từng ra tay đánh bạn thì điều đó đã đúng đạo đức học sinh chưa. Tại sao lại sẵn sàng ra tay đánh bạn nơi đông người, chà đạp nặng nề lên nhân phẩm người khác vậy. Rồi có những cảnh, nhiều người ngồi thản nhiên trên ghế đá xem bạn bè của mình đánh nhau mà vẫn làm ngơ như không quen biết, không liên quan, đó có phải là bạn bè, là đồng đội với lời giải thích thản nhiên “đó không phải là trách nhiệm của tôi”. Hay có nhiều bạn khác lại quan tâm theo kiểu đứng chụp hình rồi post lên lên mạng lan truyền. Điều đó không còn quá xa lạ. Nguyên nhân của tình trạng trên là gì? Cơ bản chúng ta có thể thấy được ngay một số nguyên nhân cơ bản như có thể học sinh học tập căng thẳng, có sự ức chế về tinh thần, tâm lý cộng thêm ở độ tuổi vị thành niên thì học sinh thường có những suy nghĩ bốc đồng, cái tôi trong mình quá lớn. Lòng tự trọng quá lớn khiến bản thân không thể kiềm chế được và nó sẵn sàng nổi nóng vì những chuyện cỏn con tưởng chừng không đáng như khi hành động , hậu quả gây ra là không hề nhỏ. Tình trạng bạo lực học đường đã được đe dọa nhưng vẫn tiếp diễn thường xuyên từ ngày này sang ngày khác, truyền từ người này sang người khác mà vẫn chưa thể ngăn chặn được. Bạo lực học đường xảy ra trong phạm vi học đường, chưa gây hậu quả to lớn lắm. Tuy nhiên, khoảng cách để dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật ngoài xã hội chỉ là khoảng cách ngắn. Bởi vậy cần phát hiện, răn đe và giải quyết kịp thời, hiệu quả để ngăn chặn tính nghiêm trọng. Nhà trường cần có những biện pháp ngăn chặn tình trạng này như tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục học sinh, tác động đến ý thức về truyền thống đạo đức, truyền thống dân tộc, nhân cách, lối sống cũng như ý thức chấp hành pháp luật. Cần thiết có sự phối hợp của gia đình, đoàn thể, tổ dân phố với nhà trường để cùng tham gia giáo dục con em. Là công dân Việt Nam, là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi luôn nỗ lực học tập, phấn đấu, rèn luyện đạo đức, chính trị, học tập văn hóa xã hội để có kiến thức bền vững, để trở thành một công dân tốt, để đưa con tàu Việt Nam ra biển lớn sánh vai cùng năm châu.