Những Đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam 1945 – 1975

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam 19451975

    Bài làm:

    Trong giai đoạn văn học 1945-1975, tổ quốc và xã hội chủ nghĩa là đề tài bao quát toàn bộ nền văn học Việt Nam làm nên diện mạo riêng, là nền văn học hướng về đại chúng, mang tính sử thi và cảm hứng lãng mạn.
    Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Quan điểm của Đảng, của Nhà nước ta là xây dựng đội ngũ các nhà văn kiểu mới: nhà văn – chiến sĩ, “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” (Hồ Chí Minh). Khuynh hướng của đạo là tư tưởng cách mạng. Văn học trước hết là vũ khí phục vụ sự nghiệp cách mạng. Ý thức trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ được đề cao, gắn bó với dân tộc, với nhân dân, đất nước.
    Văn học gắn bó với vận mệnh chung của dân tộc nên quá trình vận động, phát triển luôn nhịp bước với từng chặng đường lịch sử của dân tộc, theo sát thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. Tập trung vào hai đề tài lớn: bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
    Văn học luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân lao động, nói lên nỗi đau, bất hạnh của họ trong xã hội cũ và niềm vui, niềm tự hào trong cuộc sống mới, chế độ mới. Diễn tả vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất anh hùng và những khát vọng của họ. Vì thế văn học giai đoạn này mang tính nhân dân, dân tộc sâu sắc và nội dung nhân đạo mới.
    Tính sử thi được thể hiện ở vấn đề dân tộc. Tiếng nói của văn học không thể là tiếng nói riêng của mỗi cá nhân mà phải đề cập tới số mệnh chung của đất nước, của cộng đồng. Văn học mang đậm chất sử thi là văn học tập trung phản ánh những vấn đề cơ bản, lớn lao và sự sống còn của dân tộc.
    Nhân vật chính trong tác phẩm thường tiêu biểu cho lí tưởng của các lớp người trong thời đại, số phận của họ gắn với số phận của đất nước, của cộng đồng, dân tộc. Họ là đại diện cho tinh hoa, khí phách, cho phẩm chất và ý chí của toàn dân tộc như: Chị Út Tịch trong tác phẩm “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Đình Thi, Chị Trần Thị Lý – “Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu….
    Cảm hứng lãng mạn là nét chung tâm lí con người Việt Nam được phản ánh trong văn học. Con người dù trải qua bao khó khăn, thiếu thốn, gian khổ về vật chất, tinh thần nhưng vẫn tràn đầy lạc quan, tin tưởng, ước mơ về một tương lai tươi sáng. Chính cảm hứng lãng mạn ấy đã nâng đỡ cho tinh thần, ý chí con người Việt Nam có thể vượt qua mọi thử thách trong máu lửa chiến tranh, trong đói nghèo, khổ cực để vươn tới ngày mai độc lập, tự do, hạnh phúc.
    Như vậy, tính sử thi, cảm hứng lãng mạn được biểu hiện thấm đẫm trong các tác phẩm văn học giai đoạn này. Hai yếu tố ấy hòa quyện với nhau, tạo nên đặc điểm cơ bản về khuynh hướng thẩm mỹ của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975.