Có những trẻ em bị rối loạn nhân cách ái kỷ, hay còn gọi là bệnh ái kỷ hoặc chứng yêu bản thân thái quá. Đây là một bệnh lý tâm thần nhưng ít khi được để ý vì hay được đánh đồng với sự tự tin, phô trương. Bệnh có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của trẻ sau này nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh tự yêu mình Thường tự nhận mình là người giỏi nhất và đẹp trai nhất lớp, Tuấn Minh - nam sinh lớp 11 ở Hà Nội không cho phép mình đứng sau bất cứ bạn nào trong lớp mình. Không những thế, Minh rất coi thường các bạn khác và cho rằng mình “đẳng cấp” cả về học hành và thời trang. Trang cá nhân của Minh luôn có hàng chục nghìn người theo dõi, nhất là các bạn nữ. Mọi hình ảnh của Minh đều được trau chuốt trên mạng xã hội với những lượt yêu thích lên đến vài chục nghìn. Chứng tự cao, tự đại của Minh nhiều khi khiến các bạn nam cùng lớp không ưa và hay có những lời khiêu khích. Không ít lần có những xung đột lớn giữa Minh và các bạn. Học kỳ vừa qua, Minh không tuột mất danh hiệu Học sinh giỏi vì có một môn phụ không đạt điểm tối thiểu cần có. Cảm thấy như mọi thứ sụp đổ, mất đi hết danh dự của hotboy học giỏi, Minh đã uống thuốc ngủ tự tử. Rất may người nhà phát hiện đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nhờ các bác sĩ tư vấn và phát hiện, gia đình mới biết Minh mắc chứng ái kỷ, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này nếu không được điều trị kịp thời. Chứng ái kỷ, hay còn gọi là bệnh tự yêu mình (tên tiếng Anh là narcissistic personality disorder) được xem là một dạng rối loạn nhân cách khi một người có biểu hiện tự cao, ảo tưởng, thiếu đồng cảm với người khác. Các chuyên gia đang cảnh báo về “đại dịch ái kỷ” sẽ bùng phát, nhất là khi công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Việc tự chụp ảnh (selfie) và đếm like, hay cố gây sự chú ý trên mạng chỉ là một số biểu hiện của chứng bệnh này. Danny Bowman (19 tuổi, sống ở Anh) bị nghiện chụp ảnh selfie và có hôm cậu dành đến 10 tiếng trong ngày để chụp được 200 tấm ảnh của mình trên iPhone. Cậu luôn giữ điện thoại trong tay để có thể chụp ảnh mình bất cứ lúc nào và đăng lên Facebook, mong muốn nhận được lời khen từ bạn bè. Tuy nhiên, dù đã thử ở mọi góc cạnh, Danny nhận ra mình vẫn không có được gương mặt hoàn hảo cho tấm ảnh hoàn hảo. Thậm chí, một số phản hồi còn chê bai cậu. Trong một phút tuyệt vọng, Danny đã tự tử, nhưng may mắn được mẹ cứu kịp. TS David Veal - một nhà Tâm thần học phụ trách chữa trị cho Danny cho biết, trường hợp của Danny khiến ta không thể phủ nhận tính nghiêm trọng của vấn đề. “Đây không đơn thuần là sự phù phiếm nữa. Nó là một căn bệnh tâm lý dẫn tới tỉ lệ tự tử rất cao”. Triệu chứng thường gặp Bệnh ái kỷ thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới và bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành. Người bị bệnh ái kỷ thường có các triệu chứng: Phản ứng gay gắt khi nhận được những lời nhận xét hoặc cảm thấy tức giận, xấu hổ khi bị ai đó nhắc tới hoặc góp ý; lợi dụng người khác để đạt được mục tiêu của mình; thổi phồng tài năng và khả năng của mình. Người mắc bệnh ái kỷ luôn phóng đại tầm quan trọng của bản thân, luôn mong muốn mọi người chú ý và ngưỡng mộ mình. Nhiều em phớt lờ hoặc không có sự đồng cảm với người khác; hay ảo tưởng về sự thành công của bản thân và nhạy cảm quá mức với những thất bại của mình. Bên cạnh đó là những triệu chứng ám ảnh về bản thân, theo đuổi những mục đích ích kỷ, cùn mòn về cảm xúc với mọi người và thiếu kĩ năng đồng cảm. Những người nhân cách ái kỷ thường có hình ảnh bản thân cao. Tuy nhiên, sự yêu mến bản thân này rất khác biệt. Những người có hình ảnh bản thân cao thường rất khiêm tốn, trong khi đó những người ái kỷ lại tự cao tự đại. Những nghiên cứu mới nhất đưa ra những bằng chứng cho rằng người ái kỷ có thể có cả sự an toàn hoặc phô trương cả bên trong lẫn bên ngoài. Nhìn bên ngoài có thể kết luận rằng, nhân cách ái kỷ sẽ có khuynh hướng trở nên phòng vệ mỗi khi hình ảnh bản thân của họ bị đe dọa. Người ái kỷ cũng có thể rất hung hăng. Lối sống đôi lúc nguy hiểm, nhìn chung phản ánh nhu cầu tìm kiếm cảm xúc và xung năng (ví dụ: quan hệ tình dục phóng túng, chi tiêu táo bạo). Đồng thời, người ái kỷ thường có vẻ ngoài rất lôi cuốn và thu hút ánh nhìn, vậy nên họ có lợi thế trong lần gặp gỡ đầu tiên. Tuy vậy, về lâu dài thì người ái kỷ sẽ dần trở nên u phiền, đặc biệt là về phương diện xã hội (khó khăn trong mối quan hệ lâu dài). Thông thường, sự xuống dốc của người ái kỷ thường diễn ra trước tuổi 30. Căn bệnh khó điều trị Trên thực tế, bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ là một trong những bệnh tâm lý có tỷ lệ người mắc bệnh không cao nhưng bệnh nhân ái kỷ đang dần tăng. Cũng giống như các bệnh rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ái kỷ rất khó chữa. Một phần là vì người mắc bệnh không cho rằng họ bị bệnh và vì thế họ không tự đi tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Phương thức chữa bệnh phổ biến nhất là dựa vào nói chuyện và khám phá tiềm thức người bệnh, hướng dẫn họ suy nghĩ tích cực hơn, tốt hơn. Lâu dài, các chuyên gia sẽ giúp người bệnh có cái nhìn sâu vào bên trong suy nghĩ của họ, giải đáp tại sao họ lại có thái độ và hành vi như thế với hy vọng rằng điều này sẽ giúp cho họ cải thiện hành vi của mình. Không có loại thuốc nào có thể chữa rối loạn nhân cách ái kỷ. Liệu pháp tâm lý cá nhân là cách điều trị tốt nhất được bác sĩ tâm thần và bác sĩ tâm lý sử dụng. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình nên trò chuyện hàng ngày với người bệnh để mối quan hệ thân mật hơn. Ngoài ra, còn có một phương pháp khác gọi là phương pháp nhận thức hành vi. Phương pháp này giúp phát hiện ra niềm tin và hành vi không lành mạnh, đồng thời thay thế bằng những hành động tích cực hơn. Bên cạnh đó, thuốc chống trầm cảm cũng đôi khi được dùng ở bệnh nhân bị trầm cảm hoặc lo âu. Ngoài ra, người bệnh ái kỷ cần áp dụng những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh ái kỷ như: Có chế độ sinh hoạt phù hợp, giảm bớt các tương tác không cần thiết trên mạng xã hội. Cố gắng giảm căng thẳng bằng cách thiền, tập Yoga hoặc thái cực quyền. Luôn cởi mở, hòa đồng với mọi người. Tìm hiểu về bệnh lý này để sớm nhận ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng mà mình đang có, từ đó có những cách điều trị phù hợp. Đến cơ sở y tế nếu bạn nghĩ đến việc làm hại bản thân hoặc người khác.