Đây là điều khiến chúng tôi thật sự cảm thấy thất vọng, đặc biệt là khi Helio P60 là con chip rất mạnh và hoàn toàn đủ khả năng để đánh bại các đối thủ mà không cần đến "chiêu trò" của Oppo. Mới đây, chúng tôi đã có bài viết so sánh hiệu năng giữa Snapdragon 660 trên Xiaomi Mi 6X, Snapdragon 636 trên Xiaomi Redmi Note 5 Pro và Helio P60 trên Oppo F7. Trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi đã thu về một số kết quả khá "thú vị". Helio P60 mặc dù có kiến trúc CPU khá giống với Snapdragon 660 & 636 và bao gồm 4 nhân A53 và 4 nhân A73, nhưng lại cho điểm cao vượt trội ở một số bài test nặng về CPU như AnTuTu, Geekbench 4 multi-core hay PCMark Work 2.0. Helio P60 trên Oppo F7 cho điểm CPU cao bất thường mặc dù có kiến trúc không khác Snapdragon 660 là bao Biết rằng Helio P60 là một con chip cho hiệu năng CPU rất tốt, tuy nhiên việc nó có thể bỏ xa Snapdragon 660 nhiều như vậy lại là điều rất khó có thể xảy ra. Trước những kết quả bất thường này, chúng tôi đã tiến hành xem xét kỹ hơn hành vi của Oppo F7 với các phần mềm benchmark. Sự nghi ngờ của chúng tôi là hoàn toàn có cơ sở, do năm ngoái, chiếc Oppo F3 Plus cũng từng bị phát hiện sử dụng chiêu trò để đạt điểm cao hơn những chiếc máy khác. Lần này, cách thức thực hiện tương tự như trước: chúng tôi sử dụng phần mềm để theo dõi cách Oppo F7 sử dụng CPU khi chạy benchmark. Và kết quả không khiến chúng tôi ngạc nhiên. Oppo F7 sẽ theo dõi các tiến trình mà người dùng sử dụng, và một khi ứng dụng benchmark được khởi chạy, nó sẽ ép cả 8 nhân của Helio P60 chạy ở mức xung cao nhất là 2Ghz nhằm đạt được kết quả cao hơn. Điều này xảy ra ngay cả khi người dùng vào ứng dụng benchmark nhưng không chạy. Ngay khi thoát ra khỏi ứng dụng benchmark để trở về màn hình chính, mức xung sẽ từ từ giảm về mức 793Mhz. Khi máy ở chế độ nghỉ (idle) ngoài màn hình chính, xung nhịp của 8 nhân là 793Mhz. Nhưng khi vào ứng dụng benchmark Geekbench, kể cả chưa benchmark, mức xung cũng được đẩy lên mức tối đa là 2Ghz Để xác nhận việc Oppo F7 chỉ tăng xung đối với các ứng dụng benchmark, chúng tôi đã tạo ra một ứng dụng "Hello World" với không một dòng code hay tính toán nào, nhưng có package name là com.AnTuTu.ABenchMark nhằm "giả dạng" phần mềm AnTuTu Benchmark. Sử dụng Android Studio để tạo ra ứng dụng "Hello World" giả dạng AnTuTu Benchmark Chạy thử ứng dụng AnTuTu Benchmark giả trên Oppo F7 và chúng tôi thấy xung CPU vẫn được đẩy lên 2Ghz, mặc dù ứng dụng này không có một dòng code nào bên trong. Vừa khởi động ứng dụng AnTuTu Benchmark giả, cả 8 nhân của con chip Helio P60 lập tức chạy ở mức xung cao nhất là 2Ghz Như vậy, có thể khẳng định rằng việc Oppo F7 cho điểm số cao hơn những chiếc máy còn lại là do Oppo đã can thiệp vào quá trình benchmark, mà cụ thể ở đây là xung nhịp CPU. Khi so sánh với một chiếc máy khác không bị can thiệp như Xiaomi Mi 6X, có thể thấy rõ lợi thế của Oppo F7. Nếu như mức xung của Mi 6X chủ yếu dao động trong khoảng 1-1.5Ghz tùy vào độ nặng/nhẹ của tác vụ benchmark, thì F7 do luôn bị ép ở mức 2Ghz nên sẽ thực hiện nhanh hơn và đạt điểm số cao hơn. Khi xem biểu đồ xung nhịp xuyên suốt quá trình benchmark của PCMark, có thể thấy Oppo F7 đẩy mức xung nhịp cao hơn nhiều so với một chiếc máy "trong sạch" là Xiaomi Mi 6X Gian lận benchmark không phải là một điều hiếm thấy, ngay cả những cái tên lớn như Samsung cũng từng bị "bắt quả tang". Tuy nhiên, đó là câu chuyện từ cách đây 5 năm trước. Giờ đây, khi một con chip ở phân khúc tầm trung như Helio P60 đã có thể cho hiệu năng rất mạnh, thì những gì Oppo đang làm là rất thừa thãi và thật sự đáng thất vọng. OnePlus, một "đứa con" của Oppo, cũng từng bị phát hiện gian lận benchmark. Sau hàng loạt chỉ trích từ cộng đồng, OnePlus đã chấm dứt điều này kể từ chiếc OnePlus 5T. Và có lẽ, giờ cũng đã đến lúc để Oppo làm điều tương tự như vậy.