Phẩm chất và năng lực thiết yếu của một nhà văn

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phẩm chất và năng lực thiết yếu của một nhà văn

    Bài làm:
    Bất cứ một tài năng nào cũng là sự phát triển đặc biệt của những khả năng của con người trong các lĩnh vực khác nhau. Một tài năng là kết quả của nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung đó là quá trình phát triển và hoàn thiện năng lực bẩm sinh qua môi trường học tập và rèn luyện. Để trở thành nhà văn phải có một số năng khiếu thích hợp với công việc sáng tạo văn học.
    Hoạt động của nhà văn bắt đầu bằng sự quan sát, quan sát đối tượng thẩm mĩ khách quan nảy sinh trong thời đại và quan sát nhu cầu thị hiếu thẩm mĩ bạn đọc. Mục đích hoạt động sáng tạo nhà văn là biến đổi đối tượng thẩm mỹ khách quan thành đối tượng thẩm mỹ chủ quan có khả năng thỏa mãn và định hướng nhu cầu thẩm mĩ xã hội.
    Quá trình biến đổi đối tượng thẩm mĩ khách quan thành đối tượng có khả năng thỏa mãn và định hướng thẩm mĩ xã hội được gọi là quá trình sáng tác. Để làm được điều này, nhà văn phải có những phẩm chất và năng lực đặc biệt, đồng thời phải tiến hành một quá trình làm việc công phu.
    Năng khiếu bẩm sinh là nhân tố quan trọng hàng đầu để hình thành một tài năng văn học. Vì thế, khi nghiên cứu nhà văn, chúng ta không thể không quan tâm đến những phẩm chất, năng lực đặc biệt ấy. Vậy những phẩm chất, năng lực ấy là gì?
    Phẩm chất đầu tiên, dễ nhận thấy nhất ở một nhà văn chân chính là một trực giác nhạy bén, một tâm hồn giàu cảm xúc. Tấm lòng của họ luôn rộng mở đón nhận những âm vang của đời sống, quan tâm thường xuyên và sâu sắc đối với tất cả những gì xảy ra xung quanh mình, vươn tới sự đồng cảm, sẻ chia với bao cuộc đời khác.
    Sáng tạo nghệ thuật là quá trình phản ánh và tái tạo hiện thực đồng thời là quá trình tự biểu hiện, giãi bày chia sẻ, là sự hiện diện của nhà văn giữa cuộc đời. Cho nên một khi tấm lòng nhà văn đã thờ ơ, nguội lạnh, tâm hồn khép kín trước cuộc đời thì khi ấy tài năng nghệ thuật cũng chấm dứt.
    Nhà văn đến với cuộc sống và đến với công việc sáng tạo bằng tâm hồn giàu cảm xúc nhưng cũng không thể thiếu một khả năng quan sát tinh tế, rộng rãi. Cuộc sống vốn hết sức phong phú, đa dạng, nhà văn phải quan sát kĩ lưỡng và tinh tế mới có thể phát hiện được ý nghĩa sâu xa tiềm ẩn trong sự vật, hiện tượng. Không chỉ dừng lại quan sát mà phải nhìn thấy được tình trạng tâm hồn con người quyết định hành vi của họ, tìm ra chìa khóa để mở vào thế giới nội tâm của con người.
    Năng lực quan sát của nhà văn không những là khả năng tìm hiểu, tái tạo hiện thực đời sống khách quan mà còn là khả năng lắng nghe, theo dõi những diễn biến tâm lí phong phú, phức tạo của chính tâm hồn mình. Nhờ vào quan sát, nhà văn ghi vào tâm trí những gương mặt, nụ cười, dáng đi, giọng nói từ đó tái tạo lại trong quá trình xây dựng tác phẩm. Năng lực quan sát chính là cơ sở quan trọng bồi đắp trí tưởng tượng của nhà văn. Càng tích lũy được nhiều vốn sống nhà văn càng giàu khả năng tưởng tượng.
    Nếu bản chất giàu cảm xúc và khả năng quan sát tinh tế đã tạo nên nguồn cảm hứng và chất liệu sáng tạo tác phẩm thì tưởng tượng và liên tưởng là cơ sở để nhào nặn chất liệu thành hình tượng nghệ thuật. Qua trí tưởng tượng, các hình tượng mới được hiện lên rõ ràng, sinh động từ ngoại hình đến ngôn ngữ, cử chỉ, hành động.
    Đối với nhà văn giàu óc tưởng tượng, khi đặt bút xuống trang viết là cả thế giới nội tâm nhân vật hiện lên sống động, ngỡ như nhà văn đang sống cùng các nhân vật, nghe các nhân vật nói chuyện với nhau, cảm nhận được sắc thái cảm xúc của từng nhân vật.
    Nhà văn phải là người tiếp cận đời sống, tìm ra trong đó vô vàn những hiện tượng của đời sống những vấn đề có ỹ nghĩa quan trọng, phát hiện ra bản chất của sự vật, hiện tượng và quy luật chi phối chúng vì thế nhà văn cần một năng lực trí tuệ sắc bén và một trí nhớ tốt để chỉ huy một đội nhân nhân vật đông đảo với hàng ngàn chi tiết, sự kiện phức tạp có quan hệ hữu cơ với nhau.