Phân Tích Bài Ca Dao Mình Nói Dối Ta Mình Hãy Còn Son

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Phân Tích Bài Ca Dao Mình Nói Dối Ta Mình Hãy Còn Son

    Bài Làm:

    “Mình nói dối ta mình hãy còn son
    Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò
    Con mình những trấu cùng tro
    Ta đi xách nước rửa cho con mình”
    Trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam, bài ca dao trên được rất nhiều người yêu thích. Chỉ vẻn vẹn 4 câu nhưng khá đầy đủ các yếu tố của một truyện ngắn: từ nhân vật, mâu thuẫn, thắt nút, mở nút và đỉnh điểm…
    Đọc bốn câu thơ ấy, ta cũng cảm thấy thích thú nhưng lại thấy khó hiểu và không nhận thức và lý giải được chủ đề của nó. Chàng trai nêu lên sự nói dối của cô gái để làm gì? Phải chăng chỉ nhằm mục đích vạch ra sự thiếu thành thực của cô gái để lên án và từ bỏ cô ta không, hay còn nhằm mục đích nào khác nữa? Tại sao chàng trai vẫn xưng hô với cô gái bằng hai đại từ “mình – ta” rất thân thiết?
    Vì thế còn có thêm một dị bản nữa:

    “Mình nói dối ta mình hãy còn son
    Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò
    Con mình những trấu cùng tro
    Ta đi xách nước rửa cho con mình
    Con mình vừa đẹp vừa xinh
    Một nửa giống mình, một nửa giống ta”.
    Nhiều ý kiến cho rằng, với dị bản thứ 2 này, người đọc có đủ cơ sở cần thiết để lý giải và bình luận nội dung, nghệ thuật của bài ca dao độc đáo có một không hai này.
    Tình yêu có hàng trăm ngàn cách cụ thể khác nhau để bày tỏ, thổ lộ, không lần nào giống lần nào. Mỗi người một cách, mỗi lần một kiểu, miễn là phù hợp với hoàn cảnh và trường hợp cụ thể của từng người, từng lúc.
    Ở bài ca dao này, chàng trai đã bộc lộ tình cảm với cô gái. Anh liên tục nói và cô gái chỉ im lặng lắng nghe và tiếp nhận. Tại sao chàng trai phải nói và nói dài? Bởi trong ca dao, sáu câu cũng có thể được coi là dài rồi.
    Câu thứ nhất, chàng trai nhắc lại lời tự sự giới thiệu về mình và cô gái với cách xưng hô “mình – ta” thân mật: “Mình nói dối ta mình hãy còn son”. Từ “son” ở đây là còn trẻ, là chưa có con cái, là gái chưa chồng. Dù hiểu theo nghĩa nào thì “son” cũng có nghĩa là cô gái đã nói dối và chàng trai đã trực tiếp phát hiện ra sự nói dối đó.
    Chàng trai ôn tồn, thân mật: “Ta đi qua ngõ, thấy con mình bò”. Điều này có thể cho thấy khả năng cô gái có con vì sự lỡ làng, chứ chưa phải đã có chồng.
    Câu thứ ba, miêu tả tình trạng đứa trẻ không được ai quan tâm, chăm sóc. Đólà hình ảnh đáng thương của đứa con hoang bị bỏ rơi. Nhưng chàng cũng cho cô biết “Ta đi gánh nước tắm cho con mình”. Nghe câu này chắc hẳn cô gái hết sức bất ngờ và càng hồi hộp hơn. Đó là một hành động đẹp và cao thượng, đầy lòng nhân ái đối với đứa con bị bỏ rơi của mình.
    Chàng trai khen “vừa đẹp vừa xinh” cho dù là con người khác ngụ ý điều gì? Để cho cô gái biết tấm lòng của mình “Một nửa giống mình, một nửa giống ta”. Câu cuối là một sự sáng tạo đặc sắc trong ca dao Việt.
    Đây là một nội dung tư tưởng tình cảm cao đẹp và sâu sắc đã được diễn đạt dưới một hình thức nghệ thuật giản dị, độc đáo. Chàng trai chỉ nói về đứa bé nhưng lại thể hiện được đầy đủ và sâu sắc tình yêu của mình đối với cô gái rất nhiều, kể cả những điều không tiện nói ra. Chàng trai không chỉ hiểu mình, yêu mình trong hiện tại mà còn thấu hiểu, thông cảm và chấp nhận cả cái quá khứ của mình, kể cả đó là quá khứ lỡ làng khó nói cùng hậu quả của nó.