Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Phân tích bài thơ Cảnh khuya của Hồ Chí Minh

    I. Tìm hiểu chung:

    Xuất xứ:
    Hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng được rút trong phần thơ kháng chiến của Bác.
    Hoàn cảnh sáng tác:
    Hai bài thơ được viết ở chiến khu Việt Bắc, trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối năm 1947, quân Pháp ồ ạt tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt lực lượng chủ yếu và cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến. Chiến dịch Việt Bắc của quân và dân ta thắng lợi đã làm thất bại ý đồ của địch và tiêu diệt nhiều lực lượng của chúng.

    Bố cục:
    Đây là hai bài thơ viết theo thể loại tứ tuyệt nên có rất nhiều cách chia bố cục tùy theo hướng tiếp cận của mỗi cá nhân.
    Cách 1: Có thế chia theo bố cục cổ điển của thơ tứ tuyệt: Đề, Thực, Luận, Kết.
    Cách 2: Có thể chia đôi bài thơ: 2 câu đầu và 2 câu cuối.

    Thể loại:
    Cảnh khuya và Rằm tháng giêng là hai bài thơ thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Mỗi bài thơ có cách hiệp vần, cách ngắt nhịp gần giống thể thất ngôn tứ tuyệt của thơ Đường. Tuy chỉ có khác bài “Cảnh khuya” viết bằng chữ quốc ngữ và đôi chỗ ngắt nhịp táo bạo, khoẻ khoắn theo sự vận động của thơ hiện đại. Bản dịch bài thơ “Rằm tháng giêng” sử dụng thể thơ dân tộc lục bát tuy có nhiều thành công ương chuyển tải hình ảnh nhưng cách ngắt nhịp, gieo vần vì thế không còn niêm luật đúng như nguyên tác.
    Nội dung cơ bản:
    Hai bài thơ miêu tả cảnh trăng ở chiên khu Việt Bắc, thé hiên tình cảm yêu thiên nhiên tha thiết và phong thái ung dung, lạc quan của Bác. Đồng thời hai bài thơ cũng làm nổi bật những nét đẹp đặc trưng của thơ Bác.

    Đặc sắc nghệ thuật:
    Hai bài thơ có những biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ; một số thủ pháp và tứ thơ ảnh hường của thơ Đường; nhũng hình ảnh mang màu sắc vừa cổ điển vừa hiện đại.

    II. Phân tích văn bản:

    Bài thơ “Cảnh khuya”
    Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
    Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
    Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
    Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
    Hai câu thơ mở đầu mang âm vang sâu xa của thơ Đường. “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”. Khác với Nguyễn Trãi so sánh tiếng suối với “tiếng đàn cầm”, Bác đã so sánh tiếng suối như tiếng hát con người. Cách so sánh như vậy làm cho tiếng suối trở nên ấm áp hơn. Giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng suối trong trẻo, ngân nga, vang vọng nơi xa xa như tiếng hát của một ngưòi con gái. Tiếng suối làm nổi bật cái yên tĩnh của đêm khuya, vương vấn lòng người. Thiên nhiên trong thơ Bác luôn nồng ấm của tình người.
    “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Thật là “thi trung hữu họa”. “Trăng – cổ thụ – hoa” tạo cho bức tranh nhiều tầng bậc, nhiều màu sắc, các sự vật quấn quýt, giao hòa với nhau. Cảnh vật có tầng cao của ánh trăng trên trời hòa quyện cùng vòm cổ thụ ở tầng trung và khóm hoa ở tầng thấp.
    Hình ảnh trong câu thơ này có vẻ đẹp của một bức tranh nhiều tầng lớp, đường nét, hình khối đa dạng. Có hình dáng vươn cao tỏa rộng của một vòm cổ thụ ở trên cao lấp loáng ánh trăng, có cả bóng lá, bóng cây, bóng hoa in trên mặt đất tạo thành như bông hoa thêu dệt. Bức tranh chỉ có hai màu sáng tối, đen trắng mà tạo nên vẻ đẹp lung linh, chập chờn, lại ấm áp, hoà hợp, quấn quýt bởi âm hưởng của hai từ “lồng” trong một câu thơ”.
    Điệp từ “lồng” đã nối kết các sự vật, đã xóa mờ khoảng giữa các tầng không gian và gợi nên sự đan xen giữa hai mảng màu sáng – tối, trắng – đen, tạo vẻ đẹp lung linh, huyền ảo bao trùm khắp cây trăng. Một bức tranh đẹp như gấm thêu, như tranh vẽ mà tranh thủy mặc của thơ Đường không có được.
    Trong thơ xưa, thiên nhiên thường gợi buồn, gợi sầu còn thiên nhiên trong thơ Bác lại thật sống động, khỏe khoắn và ấm áp tình người.
    Nếu hai câu đầu tả cảnh khuya thì hai câu sau gợi tả hình ảnh “người chưa ngủ”:

    “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
    Chưa ngủ vì lo nổi nước nhà”.
    Trong thơ tứ tuyệt, câu thơ thứ ba có tác dụng như một người nhạc trưởng, vừa khai triển ý thơ, vừa xoay mạch thơ hướng vào kết thúc. “Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ” tiếp tục thể hiện sự hài hòa cao nhất giữa thiên nhiên và con người trong thơ Bác. Thì ra, con người mới là vẻ đẹp trung tâm của bức tranh “cảnh khuya”. Bóng sáng của trăng lồng với cổ thụ và lồng với hoa chỉ làm nền cho bóng hình của người chưa ngủ nổi bật lên chốn núi rừng Việt Bắc.
    “Người chưa ngủ” ấy phải chăng là một thi sĩ say mê trước vẻ đẹp của thiên nhiên, say sưa vẽ nên bức tranh núi rừng về khuya. Con người thi sĩ đã cảm được cái hồn thiên nhiên, thiên nhiên trở thành họa sĩ khắc tạo vẻ đẹp con người. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở câu thơ thứ ba thì rất có thể để lẫn thơ Bác vào những bài thơ Đường, thơ Tống. Câu thơ kết lại mang đến một bất ngờ mới: “Chưa ngủ vì lo nổi nước nhà”.
    Từ “chưa ngủ” ở cuối câu thứ ba khép lại và khẳng định tâm hổn thi sĩ lãng mạn, bay bổng của Hồ Chí Minh. Từ “chưa ngủ” ở đầu câu thứ tư lại mở ra một chiều sâu mới trong tâm hồn Bác: “nổi lo nước nhà”. Thì ra, Bác “trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành” vì người nghĩ đến Cách mạng, nghĩ đến sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, giống như tâm trạng trong bài “Đi thuyền trên sông Đáy”:

    “Dòng sông lặng ngắt như tờ
    Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo …
    Lòng riêng, riêng những bàng hoàng
    Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng”.
    Những rung động trước cảnh khuya là ở cá nhân của một thi sĩ nhạy cảm, tình tế. Nỗi lo lắng cho vận nước lại ở một lãnh tụ vĩ đại “ôm cả non sông mọi kiếp người”. Điều kì diệu là hai nét tâm hồn thi sĩ – chiến sĩ ấy lại hòa hợp làm một trong tâm hồn Bác. Chính điều đó tạo nên phong thái ung dung, lạc quan ở Bác.
    Cách miêu tả không gian ở bài “Rằm tháng giêng” giống như trong thơ cổ phương Đông, chú ý đến toàn cảnh và sự hòa hợp thống nhất của các bộ phận trong cái toàn thể không chú ý đến miêu tả tỉ mì chi tiết các đường nét.

    Kết bài:
    Bài thơ cho ta chiêm ngưỡng một bức tranh cảnh khuya lung linh, huyền ảo và hơn thế nữa là tâm hồn của một thi sĩ – chiến sĩ vĩ đại. Bài thơ cho ta hiểu hơn về con người Bác, con người có “đời sống vật chất giản dị hòa hợp với đời sống tình thần phong phú, với những tình cảm, tư tưởng, những giá trị tình thân cao đẹp”. Phải là người có một tình yêu đời thắm thiết, một sức sống tâm hồn mãnh liêt, Hồ Chí Minh mới viết nên được những câu thơ dồi dào sinh lực như thế.