Phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Nguyễn Trãi là một thiên tài quân sự, một nhà văn, nhà thơ kiệt xuất của dân tộc. Trong những ngày từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã viết nhiều bài thơ đặc sắc, trong số đó có bài số 43 trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới. Bài thơ là bức tranh phong cảnh mùa hè độc đáo nhưng thấp thoáng là niềm tâm sự của tác giả.
    • Thân bài:
    Câu thơ đầu tiên, ta đọc lên thoáng qua sao có vẻ an nhàn, êm đềm, thanh thoát đến thế.

    “Rồi hóng mát thuở ngày trường”

    Câu thơ hiện lên hình ảnh của nhà thơ Nguyễn Trãi, ông đang ngồi dưới bóng cây nhàn nhã như hóng mát thật sự. Việc quân, việc nước chắc đã xong xuôi ông mới trở về với cuộc sống đơn sơ, giản dị, mộc mạc mà chan hòa, gần gũi với thiên nhiên. Một số sách dịch là “Rỗi hóng mát thuở ngày trường”. Nhưng “rỗi” hay “rồi” cũng đều gây sự chú ý cho người đọc. Rảnh rỗi, sự việc còn đều xong xuôi, đã qua rồi “Ngày trường” lại làm tăng sự chú ý. Cả câu thơ không còn đơn giản là hình ảnh của Nguyễn Trãi ngồi hóng mát mà nó lại toát lên nỗi niềm, tâm sự của tác giả: “Nhàn rỗi ta hóng mát cả một ngày dài”. Một xã hội đã bị suy yếu, nguyện vọng, ý chí của tác giả đã bị vùi lấp, không còn gì nữa, ông đành phải rời bỏ, từ quan để về ở ẩn, phải dành “hóng mát” cả ngày trường để vơi đi một tâm sự, một gánh nặng đang đè lên vai mình. Cả câu thơ thấp thoáng một tâm sự thầm kín, không còn là sự nhẹ nhàng thanh thản nữa.

    Về với thiên nhiên, ông lại có cơ hội gần gũi với thiên nhiên hơn. Ông vui thú, say mê với vẻ đẹp của thiên nhiên.

    “Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”.

    Cảnh mùa hè qua tâm hồn, tình cảm của ông bừng bừng sức sống. Cây hòe lớn lên nhanh, tán cây tỏa rộng che rợp mặt đất như một tấm trướng rộng căng ra giữa trời với cành lá xanh tươi. Những cây thạch lựu còn phun thức đỏ, ao sen tỏa hương, màu hồng của những cánh hoa điểm tô sắc thắm. Qua lăng kính của Nguyễn Trãi, sức sống vẫn bừng bừng, tràn đầy, cuộc đời là một vườn hoa, một khu vườn thiên nhiên muôn màu muôn vẻ. Cảnh vật như cổ tích có lẽ bởi nó được nhìn bằng con mắt của một thi sĩ đa cảm, giàu lòng ham sống với đời…

    Qua cảnh mùa hè, tình cảm của Nguyễn Trãi cũng thể hiện một cách sâu sắc:

    “Lao xao chợ cá làng ngư phủ
    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.

    “Chợ” là hình ảnh của sự thái bình trong tâm thức của người Việt. Chợ đông vui thì nước thái bình, thịnh trị, dân giàu đủ ấm no. Chợ tan rã thì dễ gợi hình ảnh đất nước có biến, có loạn, có giặc giã, có chiến tranh, đao binh… lại thêm tiếng ve kêu lúc chiều tà gợi lên cuộc sống nơi thôn dã. Chính những màu sắc nơi thôn dã này làm cho tình cảm ông thêm đậm đà sâu sắc và gợi lại ý tưởng mà ông đang đeo đuổi.

    “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
    Dân giàu đủ khắp đòi phương”.

    “Dân giàu đủ”, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc là điều mà Nguyễn Trãi từng canh cánh và mong ước. Ở đây, ông đề cập đến Ngu cầm vì thời vua Nghiêu, vua Thuấn nổi tiếng là thái bình thịnh trị. Vua Thuấn có một khúc đàn “Nam Phong” gẩy lên để ca ngợi nhân gian giàu đủ, sản xuất ra nhiều thóc lúa ngô khoai. Cho nên, tác giả muốn có một tiếng đàn của vua Thuấn lồng vào đời sống nhân dân để ca ngợi cuộc sống của nhân dân ấm no, vui tươi, tràn đầy âm thanh hạnh phúc. Những mơ ước ấy chứng tỏ Nguyễn Trãi là nhà thơ vĩ đại có một tấm lòng nhân đạo cao cả. Ông luôn nghĩ đến cuộc sống của nhân dân, chăm lo đến cuộc sống của họ.

    Đó là ước mơ vĩ đại. Có thể nói, dù triều đình có thể xua đuổi Nguyễn Trãi nhưng ông vẫn sống lạc quan yêu đời, mong sao cho ước vọng lí tưởng của mình được thực hiện để nhân dân có một cuộc sống ấm no.

    Bài thơ này đã làm rõ nỗi niềm tâm sự của Nguyễn Trãi trong thời gian ở Côn Sơn với tấm lòng yêu nước thương dân vẫn ngày đêm “cuồn cuộn nước triều Đông”. Ông yêu thiên nhiên cây cỏ say đắm. Và có lẽ chính thiên nhiên đã cứu Nguyễn Trãi thoát khỏi những phút giây bi quan của cuộc đời mình. Dù sống với cuộc sống thiên nhiên nhưng Ức Trai vẫn canh cánh “một tấc lòng ưu ái cũ”. Nguyễn Trãi vẫn không quên lí tưởng nhân dân, lí tưởng nhân nghĩa, lí tưởng: mong cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng oán than, đau sầu.

    Bài thơ có tác dụng giáo dục việc tu dưỡng, rèn luyện nhân cách, lý tưởng sông cao đẹp cho con người ở mọi thời đại. Qua bài thơ, tác giả bộ lộ tấm lòng ưu ái với dân, với nước của một con người luôn khao khát đem tài trí để thực hành tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân.Mong cho “Dân giàu đủ khắp đòi phương” nên ao ước có cây đàn của vua Thuấn để gẩy khúc “Nam phong” cầu mưa thuận gió hòa cho dân.
    • Kết bài:
    Bài thơ “Cảnh ngày hè” thể hiện niềm vui sông, háo hức, tươi tắn của tâm hồn nhà thơ thông qua sự cảm nhận tinh tế bức tranh đầy sức sông của cảnh ngày hè và nỗi lòng, chí hướng của nhà thơ với nhân dân. Bài thơ cũng thể hiện vẻ đẹp cuộc sống của Nguyễn Trãi: giản dị thanh cao, chan hòa với tự nhiên, tạo vật.

    Bài thơ thể hiện tư tưởng lớn: Nhân nghĩa, yêu nước thương dân bộc lộ trong bài thơ là những bài học quý giá cho mọi người.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Bài văn tham khảo: Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi
    • Mở bài:
    Xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa đều mang lại cho thi sĩ những cảm hứng khác biệt và tươi mới. Mỗi mùa một thức, mùa nào cũng có cái hay, cái đẹp của nó. Nếu Nguyễn Du tha thiết với sắc xanh hoa cảnh mùa xuân, Nguyễn Khuyến chìm đắm trong sắc vàng mùa thu thì Nguyễn Trãi luôn nồng nhiệt với sắc đỏ mùa hè. Cảnh ngày hè quả thục là một bức tranh sinh động, ẩn chứa nhiều tâm tư thầm kín của tác giả:

    “Rồi hóng mát thuở ngày trường
    Hoè lục đùn đùn tán rợp giương
    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
    Lao xao chợ cá làng ngư phủ
    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
    Dễ có Ngu cầm đàn một tiếng
    Dân giàu đủ khắp đòi phương”.
    • Thân bài:
    Nguyễn Trãi hiệu Ức trai, là một nhà thơ kiệt xuất của dân tộc. Không chỉ thế, ông còn là một nhà ngoại giao, nhà chính trị, nhà quân sự tài ba và là một danh nhân văn hóa thế giới. Ông đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị lớn như tập thơ chữ Nôm “Quốc âm thi tập ” và tập thơ bằng chữ Hán “Ức Trai thi tập”. Bài thơ “Cảnh ngày hè” được trích từ tập “Quốc âm thi tập” và là bài số 43 trong mục “Bảo kính cảnh giới”. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật xen lục ngôn được chia làm hai phần: Sáu câu đầu miêu tả bức tranh cảnh ngày hè và hai câu cuối là tấm lòng của nhà thơ Nguyễn Trãi.

    Mở đầu bài thơ, tác giả nói đến không gian và tư thế nhàn hạ của con người:

    “Rồi hóng mát thuở ngày trường”

    “Rồi” hay là “rỗi” vẫn còn là ẩn ý trong câu thơ cho đến nay vẫn còn đang tìm kiếm. Dù “rỗi” hay “rồi” ta vẫn cảm thấy được hình ảnh con người với một tư thế thanh thản, nhàn hạ, tháng ngày mênh mang, có đủ điều kiện để dạo bước trần gian, tìm ngắm cảnh đẹp. Nhịp thơ 1/2/3 chậm rãi phản ánh rất rõ tư thế ung dung, tự tại vốn có của tác giả.

    Trong tư thế ấy, tác giả đã đón nhận cảnh ngày hè trong tư thế ung dung, thoải mái. Dường như, chỉ có vẻ đẹp hồn nhiên, vô tư của cảnh vật mới có thể tạm xua đi nỗi phiền muộn vương vít trong tâm hồn tác giả. Ông mở lòng với thiên nhiên. Bức tranh cảnh ngày hè được tác giả vẽ lên thật rực rỡ và đầy màu sắc:

    Hoè lục đùn đùn tán rợp trương.
    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
    Hồng liên trì đã tịn mùi hương.

    Ba câu thơ mở ra một bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc, đầy sức sống, cùng những hình ảnh đặc trưng của mùa hè. Trước hết, đó là màu lục của lá hòe buông sắc lục bao trùm lên cảnh vật, tạo cảm giác thơ mộng và một không gian xanh vô tận. Màu xanh đó còn làm nổi bật màu đỏ của hoa “thạch lựu” ngoài hiên. Tác giả đã dùng một loạt các động từ mạnh như “đùn đùn “, “giương ”, “phun ” giàu sức gọi hình, gợi cảm, biểu hiện trạng thái hoạt động tiếp diễn làm cho cảnh vật thêm sống động về đường nét, hình khối được khắc họa rõ ràng.

    Tiếp đó, sắc hồng của hoa sen được Nguyễn Trãi cảm nhận bằng thị giác và khứu giác cho ta thấy tác giả là một người rất tinh tế và sống hòa nhập với thiên nhiên. Ngoài ra, câu thơ “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ” là một câu thơ hay và giàu sức biểu cảm.

    Nguyễn Du cũng đã một lần cảm khái trước sức sống của hoa lựa màu hè:

    “Dưới tràng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông”

    Còn Nguyền Trãi thiên về sức sống của hoa lựu, tác giả thiên về đường nét của hoa lựu nhưng tóm lại vẫn tạo ra một hình ảnh đầy sức sống và hấp dần của cảnh sắc thiên nhiên. Qua ba câu thơ trên, ta thấy được một bức tranh cảnh ngày hè sống động, có đường nét và đầy màu sắc. Nhà thơ đã huy động mọi giác quan đe thu nhận thần thái của cánh vật.

    Bức tranh cảnh ngày hè không chỉ là cảnh sắc của tự nhiên mà đan cài vào cảm xúc tinh tế của nhà thơ, còn là cảnh sinh hoạt của đời thường dân dã. Trong hai câu câu tiếp theo, Nguyễn Trãi đã viết:

    “Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.

    Tác giả đã sử dụng hai từ láy ‘lao xao” và “dắng dỏi” kết hợp vói biện pháp đảo ngữ gọi lên âm thanh cuộc sống con người hòa quyện trong ánh chiều tà, bức tranh ngày hè sống động và thanh bình. Ngoài ra tiếng ve kêu ‘’dắng dỏi” như một dàn đồng ca quyến rũ ở lầu cao lúc mặt trời sắp lặn. Hòa vào đó là tiếng “lao xao” của chợ cá – một âm thanh đặc trưng của làng chài ngư phủ. Hai câu thơ là những cảm nhận tinh tế của tác giả về cảnh vật cuộc sống con người ở đây hiện lên sống động, dung dị đời thường.

    Đoạn thơ sáu câu là những câu thơ tuyệt bút tả cảnh vật ngày hè sống động, vui tươi, nhiều màu sắc, âm thanh và đường nét. Đồng thời, ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi, một tình yêu thiên nhiên sâu đậm. Tác giả sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật xen lục ngôn một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo, ngắt nhịp bất thường để tạo cảm xúc dồn nén phù hợp với tâm trạng con người. Những động từ mạnh, từ ngữ gợi hình, gợi cảm tạo ra một bức tranh thiên nhiên về cảnh ngày hè đầy sức sống.

    Cỏ cây, hoa lá, con người đầy sức sống khơi dậy trong lòng nhà thơ cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng. Đó là tấm lòng ưu ái của ông đối với dân với nước, một tình yêu cuộc sống, yêu con người:

    “Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
    Dân giàu đủ khắp đòi phương”

    “Ngu cầm”, điển tích về cây đàn của thời vua Nghêu, vua Thuấn, là thời đại thái bình thịnh trị trong lịch sử Trung Hoa cổ, được tác giả mượn để nói lên ước muốn của ông: “dẽ có” được trong tay cây đàn ấy, đàn một tiếng để dân chúng đều được giàu có, no đủ. Ẩn sau khát vọng ấy là sự trách móc nhẹ nhàng mà nghiêm khắc bọn quan thần tham bạo ở triều đình đương thần không còn nghĩ đến dân, đến nước. Vậy mới thấy, dù sống trong tâm trạng “bất đắc chí”, Nguyễn Trãi vẫn cảm nhận được cuộc sống thường ngày, gắn bó với thực tế, không nguôi ngoai nỗi niềm dân nước. Ông luôn khát khao được đem tài trí để thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân. Câu thơ sáu chữ ngắn gọn, súc tích, nhịp 3/3 đã tạo âm hưởng mạnh mẽ, thể hiện sự dồn nén cảm xúc của cả bài thơ.
    • Kết bài:
    Bài thơ “Cảnh ngày hè” không chỉ tiêu biểu cho tập “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi mà còn là một trong những “bông hoa đầu mùa của thơ Nôm Việt Nam” thời trung đại. Bằng cách sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật độc đáo, tác phẩm đã làm toát lên vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Đằng sau bức tranh mùa hè tươi sắc và mong ước về một cuộc sống ấm no, ta không chỉ ngưỡng mộ tài năng của nhà văn hóa lớn mà ta còn nghe được tiếng lòng, tiếng yêu cuộc sống, tiếng yêu quê hương, dân tộc của Ức Trai tiên sinh tha thiết hơn bao hết.