Phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài : Phân tích bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi

    Bài làm:
    Nguyễn Trãi ( 1380- 1442) tên hiệu là Ức Trai. Ông không chỉ là một nhà chính trị tài ba mà còn là một nhà thơ nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm đặc sắc, để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Cuộc đời của ông là những tháng ngày cống hiến cho dân tộc, cho đất nước. Đến cuối đời ông cáo quan lui về quê ở ẩn. Tại đây, ông đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm xuất sắc, bộc lộ được tâm trạng cũng như những nỗi niềm trăn trở của ông. Trong số đó, bài thơ “ Cảnh ngày hè” được ông sáng tác để miêu tả khung cảnh ngày hè ở vùng quê thanh bình nơi ông sinh sống, nhưng cũng là nơi diễn tả những nỗi niềm thầm kín chưa được giãi bày của ông sau khi lui về ở ẩn.
    Cuộc đời ông gắn liền với những thăng trầm của đất nước, nên khi về ở ẩn, cuộc sống vô cùng thanh bình, yên ả, câu thơ mở đầu bài thơ đã cho thấy điều đó:
    Rồi hóng mát thuở ngày trường.
    Cuộc sống của Nguyễn Trãi ở chốn quê nhà thật bình dị, thanh bình. Giờ đây, ông đã có thể rời xa chốn quan trường nhiều thị phi, đã có thể thoải mái, hòa mình với thiên nhiên, con người và làm những đều mình thích. Khung cảnh ông không nói rõ, nhưng đọc câu thơ người ta có thể cảm nhận được đây là vào một ngày hè. Thoáng qua câu thơ, người đọc có cảm giác ông không vướng bận, thảnh thơi hóng mát nhưng không, có lẽ trong lòng ông vẫn còn nhiều tâm sự chưa được giãi bày cùng ai.
    Đến những câu thơ tiếp theo, một bức tranh mùa hè đầy màu sắc được Nguyễn Trãi vẽ nên vô cùng đẹp đẽ:

    Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
    Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
    Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.
    Bức tranh Nguyễn trãi vẽ nên về ngày hè thật đẹp và nhiều màu sắc. Thiên nhiên như hòa vào nhau, tạo nên hơi thở mùa hè tràn ngập sức sống. Những cây hòe lục, cây thạch lựu, cây hồng cùng nhau khoe sắc, gợi lên cho người đọc một không gian tràn ngập màu sắc đẹp đẽ, sống động của mùa hè. Cuộc sống yên bình, đẹp đẽ đến nhường này có lẽ không ai là không muốn hướng đến. Cảnh sắc này dường như cũng là đặc trưng của mùa hè nơi vùng quê phương Bắc. Vậy nhưng đằng sau bức tranh rực rỡ đó, lại có cả một tấm chân tình, tình yêu bao la của Nguyễn Trãi dành cho quê hương, cho đất nước mà ông đã hy sinh cả đời mình để dựng xây:

    Lao xao chợ cá làng ngư phủ
    Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
    Nguyễn Trãi đã cố tình đảo trật tự ngữ pháp, từ láy “ lao xao” được ông đảo lên đầu câu thay vì đặt ở vế sau, đem lại cho người đọc cảm giác về sự tấp nập, vui vẻ của phiên chợ nơi làng quê thanh bình. Chợ còn họp đông cũng đồng nghĩa với việc đất nước ấm no, hạnh phúc. Còn nếu ko họp nữa thì cũng đồng nghĩa với việc đất nước lâm nguy. Có thể thấy, dù cho đã rời xa chốn quan trường, nhưng Nguyễn Trãi vẫn luôn lo lắng cho an nguy của đất nước.
    Nỗi lòng đó của ông được bộc lộ rõ ở hai câu thơ cuối:

    Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
    Dân giàu đủ khắp đòi phương.
    Nguyễn Trãi đã rất tài tình khi mượn điển tích thời vua Nghêu, vua Thuấn, dân tộc luôn luôn sống trong thái bình. Vua Thuấn có khúc đàn “ Nam Phong” mà mỗi khi cất lên sẽ khiến cho người nghe có một cảm giác êm ấm, thanh thản. Chính vì lẽ đó, ông mới mượn tiếng đàn này để cầu nguyện cho nhân dân, đất nước luôn được ấm no và hạnh phúc. Ước vọng của ông cũng là ước vọng của tất cả những người con yêu nước, yêu dân, thật đáng quý và đáng trân trọng biết bao.
    Thật vậy, Nguyễn Trãi đẽ vẽ nên một bức tranh ngày hè sống động, rực rỡ, tràn ngập màu sắc và sức sống. Trong đó cũng không quên gửi gắm tình yêu, ước vọng dành cho quê hương, đất nước, khiến cho người đọc cảm thấy xúc động và trân trọng Nguyễn Trãi thêm rất nhiều.