Đề bài: Phân tích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm Bài làm: Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền thơ ca của dân tộc. Thơ của ông thường có sự gắn kết giữa yếu tố chính luận và trữ tình. Những sáng tác của ông thể hiện khát vọng chiến đấu và thể hiện niềm tin vào một ngày mai chiến thắng. Đoạn trích Đất Nước chính là một trong những bài thơ tiêu biểu trong sự nghiệp văn thơ của ông. Bài thơ Đất Nước được trích trong trường ca Mặt đường khát vọng. Bài thơ thể hiện quan điểm của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước, cảm nhận về đất nước qua cái nhìn trọn vẹn của nhà thơ. Trước tiên ông có cảm nhận đầu tiên về đất nước chính là qua cái nhìn theo chiều dài của lịch sử, đó là lịch sử từ quá khứ đến hiện tại mà còn hướng cả về tương lai: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” – mẹ thường hay kể Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” Có thể tác giả không biết được thời điểm chính xác đất nước được hình thành từ bao giờ nhưng ông biết nó tồn tại ở đâu. Đó là ở trong những lời kể của mẹ, trong miếng trầu của bà. Tất cả đều là những hình ảnh về cuộc sống sinh hoạt hết sức gần gũi và bình dị của nhân dân chứ không của riêng gì bà và mẹ của tác giả. Bởi đó là các bà, các mẹ chung của dân tộc mình. Như chúng ta đã biết miếng trầu, hay tục ăn trầu là một nét đẹp văn hoa của dân tộc và có mặt từ rất lâu đời. Dân gian ta quan niệm “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, hay miếng trầu trong tục cưới xin…Nên ta có thể thấy được sự đúng đắn của nhà thơ khi nói rằng đất nước có trong miếng trầu của bà. Đất nước cũng giống với con người, không chỉ mãi giậm chân tại chỗ được mà cũng sẽ có sự hình thành và phát triển. Ở đây đất nước ngày càng lớn mạnh chính là nhờ công cuộc đấu tranh của dân tộc. Không chỉ vậy đất nước còn tồn tại trong nhiều hình ảnh sinh hoạt, lao động, trong những vật dụng thường ngày của nhân dân: “Tóc mẹ thì bới sau đầu Cha mẹ thương nhau gừng cay muối mặn Cái kèo, cái cột thành tên Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất nước có từ ngày đó” Mỗi người đều có những quan niệm riêng, những định nghĩa riêng về đất nước. Đối với Nguyễn Khoa Điềm thì quan điểm về đất nước có sự thống nhất giữa thời gian lịch sử với địa lý, giữa không gian với thời gian. Thêm vào đó đất nước còn được nhìn nhận dưới góc nhìn của tuổi trẻ đó là: “Đất là nơi danh đến trường Nước là nơi em tắm Đất nước là nơi ta hò hẹn” Hình ảnh con đường đến trường của những cô cậu học trò, rồi khi lớn hơn, đất nước chính là nơi họ hò hẹn. Tất cả gợi ra một không gian quen thuộc nhưng cũng đầy thơ mộng. Đất nước còn là không gian mênh mông của núi sông, hay của thiên nhiên nói chung. Nét đặc sắc của Nguyễn Khoa Điềm chính là đã khẳng định được nhân dân chính là người làm ra đất nước, họ không chỉ chiến đấu giữ nước mà còn sáng tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần. Không dừng lại ở đó, nhà thơ còn khẳng định đất nước là một khoảng không gian cụ thể, là nơi con người có thể sinh tồn. Đất nước được tạo nên từ thời xa xưa và còn được nhìn nhận thông qua những truyền thuyết về nguồn gốc tổ tiên: “Thời gian đằng đẵng Không gian mênh mông Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ Đất là nơi Chim về Nước là nơi Rồng ở Lạc Long Quân và Âu Cơ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng” Những truyền thuyết về Âu Cơ, Lạc Long Quân về thời đại vua Hùng, về ngày giỗ tổ đã nói lên được chiều sâu và bề dày của lịch sử dân tộc. Đất nước được cảm nhận trong sự thống nhất của những truyền thống văn hóa trong một không gian văn hóa cụ thể. Qua những phân tích trên ta có thể được với cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm thì đất nước không phải cái gì quá trừu tượng, cũng không phải là cái mà ta không nắm bắt, nhìn thấy được. Đất nước hiện diện ngay trong chính cuộc sống sinh hoạt và lao động của mỗi người. Mỗi chúng ta là một phần của đất nước, chính vì thế cần phải có trách nhiệm giữ gìn, phát triển đất nước: “Em ơi em đất nước là máu xương của mình Phải biết gắn bó và san sẻ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở Làm nên đất nước muôn đời” Sang đến phần thứ hai của đoạn trích, suy nghĩ của hà thơ đã vươn tới một tư tưởng lớn đó chính là đất nước của nhân dân, chính nhân dân là người làm nên đất nước. Đây cũng chính là tư tưởng góp phần hoàn thiện hơn những quan niệm trong thơ ca hiện đại khi nói về đất nước. Phần này nhà thơ đã thể hiện sự hiểu biết của mình đối với những cảnh sắc thiên nhiên của đất nước, những sự tích được truyền tai nhau từ đời này qua đời khác: “Những người vợ nhớ trồng còn góp cho đất nước Những hòn núi Vọng Phu, cặp vợi chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm Người học trò nghèo góp cho đất nước mình núi Bút, non Nghiên [….]” Những danh lam thắng cảnh ở khắp mọi nơi trên mọi miền Tổ quốc. Chính nhân dân đã sáng tạo ra những sự tích để đặt tên cho những ngọn núi, dòng sông. Trải qua bốn nghìn lăm lịch sử, trải qua những gì mà nhà thơ đã nhìn nhận thì tác giả đúc kết lại thành “Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. Tư tưởng “Đất nước của nhân dân” đã chi phối cách nhìn của nhà thơ. Tác giả không ca ngợi những triều đại, những vị anh hùng mà sử sách lưu danh mà chỉ nói về những con người bình thường, bình dị: “Họ đã sống và chết Giản dị và bình tâm Không ai nhớ mặt đặt tên Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” Những người bình dị họ sống và lao động xây dựng quê hương, đất nước. Trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc có rất nhiều chiến sĩ đã ngã xuống, có những người được lưu danh, được mọi người biết đến nhưng cũng có rất nhiều sự hi sinh thầm lặng. Mạch cảm xúc dường như lắng đọng lại và được hội tụ ở hai câu thơ: “Đất nước này là đất nước nhân dân Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao, thần thoại” Không cầu kỳ, hoa mỹ, cũng chẳng dài dòng mà lại rất đản dị, bất ngờ về định nghĩa của nhà thơ về Đất nước. Hai câu thơ dường như song song với nhau để định nghĩa về đất nước. Đất nước do nhân dân sáng tạo nên. Trong kho tàng ca dao, thần loại bao hàm cả lịch sử, cả truyền thống văn hóa của dân tộc và đặc biết đó chính là đời sống tinh thần của nhân dân. Đoạn trích Đất Nước đã khiến cho chúng ta có cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về đất nước. Qua đó càng làm khơi dậy trong chúng ta lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của chúng ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.